Thỏa thuận về điều khoản lao động giữa giới chủ CLB và Hiệp hội VĐV tại NBA vẫn chưa chốt và như thế giải đấu đang đứng trước rủi ro mất đi một số lượng trận đấu đáng kể vào năm 2017.
Thỏa thuận lao động hay còn được biết đến với cái tên phổ biến hơn là: Thỏa thuận đàm phán tập trung (CBA) có thể hiểu là “bản hợp đồng” giữa Hiệp hội VĐV bóng rổ nhà nghề (NBPA) với Chủ tịch của NBA và đặc biệt là các ông chủ của 30 CLB.
Có nhiều chi tiết đàm phán trong thỏa thuận này, nhưng đáng kể nhất là chuyện phân chia tỷ lệ doanh thu và mức lương trần đặt ra cho VĐV. Nói cách khác, chia chác tiền bạc là mấu chốt ở mỗi cuộc đàm phán CBA.
Ở lần đàm phán gần nhất cho bản thỏa thuận có thời hạn 10 năm, vào tháng 12/2011, tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa VĐV và những ông chủ CLB là: 49%-51%. Nhưng điều đáng nói là trước đó đã xảy ra sự vụ giải đấu bị “đóng băng”, không được tổ chức (NBA Lock-out), kể từ khi giới chủ CLB tuyên bố không đàm phán bắt đầu từ 1/7/2011, thời điểm bản CBA thỏa thuận hồi năm 2005 hết hạn.
Đó là lần thứ 4 trong lịch sử giải đấu ghi nhận sự cố “NBA Lock-out”, điều đồng nghĩa với việc các CLB không thể mua bán cầu thủ, các đợt tập huấn, đấu giao hữu trước thềm mùa giải bị hủy bỏ và nghiêm trọng hơn, các trận đầu mùa giải 2011/12 cũng bị hủy.
Tất cả bắt nguồn từ việc giới chủ CLB đòi cắt giảm tỷ lệ phân chia lợi nhuận cho các VĐV từ 57% xuống còn 47%, trong khi giới VĐV đòi được chia 53% lợi nhuận.
CBA 2011 sau đó chỉ được chốt lại ở tỷ lệ 49% lợi nhuận cho các VĐV, nhưng hậu quả để lại là trong hơn 2 tháng đầu mùa 2011/12 bị đóng băng, số lượng trận đấu của mỗi CLB đã giảm từ 82 xuống còn 66 trận.
Giờ thì bản thỏa thuận CBA 2011 chỉ còn hiệu lực đến ngày 15/12 tới đây, tức chỉ 2 tháng nữa và nếu Hiệp hội VĐV cùng giới chủ CLB không đạt được thỏa thuận thì viễn cảnh NBA bị “đóng băng” trong năm 2017 là không thể loại trừ.
Thực tế, ngoài việc đàm phán chia chác % lợi nhuận, vấn đề nóng bỏng nhất trên bàn đàm phán CBA lần này đến từ gói bản quyền truyền hình kỷ lục mà NBA mới ký kết.
Theo đó, sau khi ký kết gói bản quyền truyền hình có thời hạn 8 năm với ESPN, ABC và TNT, NBA thu về tới 24 tỷ đô-la. Như thế, giá trị mỗi năm bản quyền truyền hình giải đấu tương đương 3 tỷ đô-la, tăng gấp hơn 3 lần so với gói cũ.
Giá trị bản quyền tăng cũng đồng nghĩa với việc dòng tiền chảy về NBA và từng CLB, túi các ông chủ tăng nhiều hơn. Tất nhiên, các VĐV cũng được hưởng lợi đáng kể.
Minh chứng là trần quỹ lương áp cho các CLB đã tăng từ 70 triệu đô-la/mùa năm ngoái giờ đã lên 94,1 triệu, tương đương mức tăng 34%.
Nếu so sánh với mùa 2011/12, khi bản CBA gần nhất đạt được thỏa thuận, mức tăng thậm chí lên tới 62% bởi mùa đó trần quỹ lương chỉ là 58 triệu đô. Chưa hết, dự kiến trần quỹ lương mùa 2017/18 sẽ còn tăng lên mốc102 triệu đô.
Trần quỹ lương tăng mạnh đồng nghĩa với việc mức lương cho các VĐV, đặc biệt những ngôi sao hàng đầu đã tăng chóng mặt.
Từ đó, tính toán theo công thức thì 44,74% của tổng BRI đem chia cho 30 CLB sẽ ra trần quỹ lương được áp cho từng CLB trong mùa giải".
Và điều này, như nhận xét của Chủ tịch NBA Adam Silver, “nó dẫn đến sự mất cân đối nghiêm trọng cho giải đấu khi tạo ra những đội siêu mạnh vì thu hút được nhiều ngôi sao và những VĐV nổi tiếng cũng tìm mọi cách để đòi lương cao ngất ngưởng thông qua việc ký hợp đồng ngắn hạn nhằm dễ bề chuyển từ CLB này sang CLB khác”.
Thực tế đã minh chứng rằng dự báo của Adam Silver không sai. Ví dụ, VĐV chơi chính cho Boston Celtics mùa trước, Evan Turner chỉ nhận lương 2,8 triệu đô la/mùa, nhưng khi chuyển sang Portland Trail Blazers mùa này đã hưởng mức lương mới cao gấp hơn… 5 lần, lên 17,7 triệu đô la/mùa.
Thậm chí, một VĐV chuyên ngồi dự bị như Timofey Mozgov mùa trước chỉ lĩnh lương 4,5 triệu đô la/năm tại nhà ĐKVĐ Cleverland Cavaliers thì mùa này sau khi chuyển tới Los Angeles Lakers đã đút túi 14,7 triệu đô la/mùa.
Với những VĐV trung bình mức lương mới còn tăng chóng mặt đến vậy, nên dễ hiểu lương cho những ngôi sao sáng giá nhất NBA cũng… đội lên trời.
Tiêu biểu như trường hợp của Kevint Durant. Ngôi sao từng 7 lần góp mặt trong đội hình hay nhất mùa giải này sau khi hết hợp đồng với Oklahoma City Thunders đã gia nhập “giải thiên hà” Golden State Warriors Hè vừa qua với bản hợp đồng 2 năm cùng tổng mức lên tới 54,3 triệu đô la.
Như thế mỗi mùa Durant đút túi hơn 27 triệu đô la và giờ đội bóng của HLV Steve Kerr càng mạnh hơn bao giờ hết khi họ sở hữu một loạt siêu sao như Durant, Klay Thompson, Draymond Green và VĐV hay nhất mùa trước (MVP) Stephen Curry.
Tuy vậy, Durant vẫn chưa phải VĐV hưởng lưởng cao nhất, sau sự kiện NBA ký gói bản quyền truyền hình đắt giá nhất từ trước đến giờ. Mà siêu sao hàng đầu LeBron James mới là người dẫn đầu bảng lương.
Thật vậy! LeBron James và nhà ĐKVĐ Cleveland Cavaliers đã thông báo cách đây 2 tháng rằng hai bên đã ký hợp đồng mới có thời hạn 3 năm. Trong đó, năm đầu James sẽ bỏ túi 31 triệu đô la, qua đó giúp anh lần đầu tiên trở thành VĐV hưởng lương cao nhất NBA.
Trong năm hợp đồng thứ 2 thậm chí James còn nhận tới 33 triệu đô la, qua đó sánh ngang với kỷ lục tiền lương mà huyền thoại sống Michael Jordan từng nhận vào mùa giải 1997-98. Và đặc biệt nếu quyết định gắn bó năm thứ 3 hợp đồng James sẽ nhận tới 36 triệu đô la tiền lương.
Rõ ràng, khi giá trị gói bản quyền truyền hình NBA tăng mạnh thì chẳng dại gì các VĐV không đòi hỏi những mức lương cao gấp 5-7 lần so với trước. Chưa ai biết liệu mức trần quỹ lương cho các CLB sẽ còn tăng đến đâu. Nhưng chắc chắn là khi quỹ lương gắn trực tiếp với tỷ lệ doanh thu được chia cho các VĐV, thông qua đàm phán CBA, có thể hiểu rằng để chốt lại thỏa thuận CBA trong 2 tháng tới là trận chiến gian nan thực sự.
Màn trình diễn chói sáng của LeBron James ở mùa giải năm ngoái 2015/16