Vài mùa giải gần đây, người ta thường rất mong chờ đến kỳ nghỉ Giáng sinh để được chiêm ngưỡng những bộ đồng phục đặc biệt được các siêu sao tại NBA ra mắt. Hòa mình vào không khí lễ hội, không chỉ các CĐV mà giờ đây chính các cầu thủ cũng háo hức không kém.
Mùa Giáng sinh tại Mỹ là một kỳ nghỉ lễ thuộc hàng quan trọng nhất trong năm. Vì vậy đa phần người dân đều sẽ được nghỉ làm hoặc nghỉ học để các gia đình cho thể dành thời gian quây quần bên nhau.
Thế nhưng với NBA thì khác. Những trận đấu trong ngày Lễ Giáng sinh (hay còn gọi là Christmas Game) đã được tổ chức và trở thành một truyền thống lâu đời từ năm 1947 đến nay.
Tuy nhiên, trái ngược với lịch sử 70 năm của Christmas Game, việc sử dụng những bộ đồng phục được thiết kế đặc biệt dành riêng cho các trận đấu Giáng Sinh lại chỉ mới xuất hiện trong khoảng vài năm trở lại đây. Bắt đầu từ năm 2008, NBA đã có một chút sự thay đổi trong thiết kế đồng phục thi đấu để làm tăng thêm một chút sự vui tươi cho những trận đấu ngay dịp lễ này.
Nhân dịp loạt trận Giáng Sinh chuẩn bị được diễn ra vào ngày mai, chúng ta hãy cùng xem lại lịch sử của những bộ đồng phục đặc biệt cho Giáng Sinh và một số mẫu đồng phục đã được sử dụng trong những năm qua tại NBA.
Năm 2007-2010: Giai đoạn khởi đầu của đồng phục Giáng sinh
Trước khi những bộ đồng phục với thiết kế đặc biệt xuất hiện, Ban tổ chức của NBA đã có một cách khá độc đáo nhằm tăng thêm không khí vui tươi cho những trận đấu dịp Giáng sinh.
Từ mùa giải 2007-08, đội phụ trách sắp xếp lịch thi đấu của NBA sẽ cố gắng đặt những đội bóng có áo thi đấu màu xanh lá hoặc màu đỏ đối đầu với nhau ngay ngày Lễ Giáng sinh.
Bắt đầu từ Christmas Game năm 2008, NBA thay đổi một chút về thiết kế logo trên áo thi đấu. Bên cạnh việc để các cặp đấu có màu áo xanh lá và đỏ đối đầu nhau, logo NBA trên áo thi đấu của các cầu thủ cũng được cách điệu hình bông tuyết ở xung quanh.
Mùa giải 2011-2012 là mùa giải Lockout tại NBA vì một số vấn đề pháp lý đã xảy ra bên ngoài sân đấu. Số lượng trận đấu bị rút ngắn từ 82 xuống còn 66 trận và trận đấu đầu tiên được bắt đầu ngay ngày Lễ Giáng Sinh 25-12, vì vậy đã không có bộ đồng phục đặc biệt nào được sử dụng ở mùa giải này.
Năm 2012: Những bộ đồng phục đặc biệt đầu tiên
Trận đấu Giáng sinh mùa giải 2012-2013 là lần đầu tiên những bộ đồng phục đặc biệt được chính thức ra mắt. Nhưng có lẽ vì đây là lần đầu tiên “phá cách” nên các nhà thiết kế đã không dám bung hết sự sáng tạo của mình.
Với thiết kế được cho là “hơi thiếu cảm hứng”, các cầu thủ NBA đã lên sân cùng những bộ đồng phục theo phong cách đơn sắc (có tên gọi “Big Color”). Màu của áo và quần giống nhau, được chọn theo một trong những màu sắc đặc trưng của đội bóng.
Năm 2013: Sự ra mắt của áo đấu có tay
Sau “Big Color”, NBA tiếp tục mang đến một mẫu thiết kế “Big” khác cho năm 2013 và lần này là “Big Logo”. Bên cạnh việc phóng lớn Logo của các đội bóng trên ngực áo, Adidas còn lần đầu tiên cho ra mắt các bộ đồng phục có tay áo.
Vẫn với phong cách “đơn sắc” như mùa trước, những bộ đồng phục Giáng Sinh của năm 2013 sử dụng màu sắc đặc trưng của đội bóng cho cả áo và quần thi đấu. Bên cạnh đó, một số áo nhỏ cũng được thêm vào phần tay áo.
Mặc dù nhận rất nhiều ý kiến chê vì phần tay áo khá lạ, nhưng những mẫu áo có tay sau đó đã ngày một phổ biến hơn. Chính LeBron James cũng đã vô địch cùng Cleveland Cavaliers vào năm 2016 với một mẫu áo có tay như hồi năm 2013 này.
Năm 2014: Trở lại với sự đơn giản nhưng vẫn mang một chút phá cách
Những mẫu đồng phục Giáng Sinh năm 2014 mang thiết kế khá giống với áo thi đấu bình thường. Màu sắc của đồng phục không có gì đặc biệt, nhưng Logo của đội bóng được đặt ở trước ngực thay vì tên đội như mọi khi.
Nhưng điểm nhấn phá cách lại nằm ở mặt sau lưng của áo đấu. Thay vì được thiết kế với họ trong tên cầu thủ (ví dụ như James trong LeBron James) và số áo, mẫu đồng phục được thay đổi với số áo nằm trên và tên của cầu thủ nằm ở dưới thay vì họ (dùng LeBron thay vì James như bình thường).
Thiết kế có phần không có nhiều sự thay đổi này lại nhận được khá nhiều lời khen từ người hâm mộ. Việc để tên gọi thay vì họ là một trong những điểm mà NHM thích nhất trên mẫu áo này.
Năm 2015: Mẫu đồng phục Giáng Sinh đẹp nhất từ trước đến nay
Không còn gì phải bàn cãi, mẫu đồng phục Giáng Sinh của năm 2015 chính là mẫu đẹp nhất trong lịch sử Christmas Game.
Điểm nhấn đầu tiên là mẫu Font được sử dụng. Đây là mẫu Font được lấy cảm hứng từ Font chữ cổ điển được viết trên những tấm thiệp Giáng Sinh ngày xưa tại Mỹ.
Bên cạnh đó, các nhà thiết kế đã tận dụng tối đa màu trắng ở năm này. Với những đội không sử dụng áo màu trắng, họ đã cho tên đội/số áo/tên cầu thủ mang màu trắng.
Cuối cùng, điểm nhấn mà không nhiều người chú ý đó là tất cả các cầu thủ sẽ cùng mang một mẫu vớ đặc biệt cho Giáng Sinh được thế kế bởi Stance, nhà cung cấp vớ độc quyền cho NBA mùa giải 2015-16.
Năm 2016: Một năm "đói" ý tưởng
Bỗng dưng, NBA Christmas Game 2016 lại có sự xuất hiện lại của những bộ đồng phục của năm 2015.
Điểm khác biệt duy nhất giữa hai năm là ở màu sắc của đồng phục thi đấu. Thay vì tận dụng tối đa màu trắng, đồng phục Giáng Sinh của năm 2016 đã sử dụng hai hoặc ba màu sắc đặc trưng của mỗi đội.
Adidas và NBA đã không còn có tiếng nói chung trước thời điểm những bộ đồng phục Giáng Sinh này được ra mắt. Kết quả là Adidas mất hợp đồng áo đấu với NBA, đưa ra những bộ đồng phục Giáng Sinh ‘không có gì thay đổi’ và Nike là nhà cung cấp áo đấu mới cho NBA kể từ mùa giải 2017-18.
Mọi người đều đang tỏ ra rất hào hứng để chờ xem Nike sẽ mang gì đến cho các cầu thủ trong dịp NBA Christmas năm nay. Loạt trận đặc biệt trong ngày Lễ Giáng Sinh sẽ được diễn ra bắt đầu từ 0h ngày 26/12 theo giờ Việt Nam.