LaMelo Ball đính chính về phát ngôn “không cần đến trường” gây tranh cãi

Việt Long
thứ năm 19-8-2021 15:35:00 +07:00 0 bình luận
Với LaMelo Ball, việc thi đấu tại NCAA và nhận học bổng từ các trường đại học chưa bao giờ là kế hoạch hàng đầu được vẽ ra bởi anh cùng ông bố LaVar Ball.

Sau khi được chọn ở lượt pick thứ 3 tại NBA Draft 2020 bởi Charlotte Hornets, sao trẻ LaMelo Ball đã có mùa giải xuất sắc để trở thành chủ nhân của danh hiệu Rookie of The Year.

Với một cầu thủ năm nay mới 19 tuổi và chịu áp lực từ người hâm mộ từ khi còn nhỏ, đây là thành tựu đáng khen ngợi bởi suốt nhiều năm qua, LaMelo Ball luôn đối đầu với rất nhiều thử thách.

Lớn nhất chính là những lời nói, lời hứa hẹn của bố LaVar Ball, tạo áp lực khủng khiếp lên cầu thủ sinh năm 2001.

Chịu áp lực rất lớn nhưng chẳng thiếu tài năng, vì vậy LaMelo Ball đã trở thành một trong những sao trẻ đáng xem nhất tại NBA thời điểm này

Những áp lực này chưa một lần làm khó được LaMelo, ngay cả khi anh đã đặt chân đến NBA. Minh chứng là sự tự tin luôn được thể hiện rõ rệt dù ở trong hay ngoài sân, dù qua bóng rổ hay qua những lời mà anh nói với báo giới.

Trong một buổi phỏng vấn với GQ, LaMelo Ball đã chia sẻ lại về con đường được vẽ ra từ trước để đến với NBA, tất cả bắt đầu từ khi anh còn là một cậu bé.

“Suốt cuộc đời mình, tôi luôn biết rằng mình sẽ đến được NBA. Tôi luôn biết như vậy. Tất cả những thứ này (ám chỉ việc thi đấu tại NBA) đối với tôi rất bình thường. Tôi biết mình sẽ trở thành một ngôi sao và tôi đã sẵn sàng, lớn lên để thỏa được yêu cầu ấy.

Cuộc đời tôi như một kế hoạch được vẽ ra từ trước. Tôi biết điểm bắt đầu và điểm đến. Tôi nghĩ rằng mình sẽ là một ngôi sao, không phải thuộc dạng một sao nhạc rock hay nghệ sĩ mà tôi là một thể khác. Thứ gì đó cực kỳ hiếm thấy", LaMelo Ball chia sẻ.

Sự tự tin luôn có thừa đối với LaMelo Ball

Với một cầu thủ bình thường, chia sẻ những điều này sẽ đồng nghĩa với việc bị cộng đồng mạng đay nghiến vì đã tỏ ra quá tự mãn.

Thực chất vẫn có rất nhiều người cho rằng LaMelo Ball chưa làm được gì quá xuất chúng và vẫn “nói nhiều hơn làm". Nhưng nếu nhìn về chặng đường đến NBA của Melo, có thể thấy vì sao cầu thủ sinh năm 2001 này lại tự tin đến vậy.

Mọi thứ bắt đầu từ trận đấu ghi 92 điểm ở trường cấp hai Chino Hills, giúp LaMelo Ball trở nên nổi tiếng không chỉ toàn nước Mỹ mà cả trên thế giới. Ngay sau đó, ông LaVar đã tuyên bố rằng cả 3 người con của ông là Lonzo, LiAngelo và LaMelo sẽ đều đến được NBA.

Anh cả Lonzo Ball là người đi trước và tuân theo con đường truyền thống, nhận học bổng thi đấu cho UCLA sau đó được chọn tại NBA Draft 2017.

Nhưng với LiAngelo và đặc biệt là LaMelo, cả hai bất ngờ sang thi đấu chuyên nghiệp tại Lithuania. Riêng LaMelo sau đó đã chơi một mùa giải tại giải nhà nghề NBL của Úc, đồng nghĩa với việc không theo học đại học tại Mỹ.

LaMelo Ball từng trở thành một trong những cầu thủ bóng rổ chuyên nghiệp trẻ nhất lịch sử Mỹ khi thi đấu cho Vytautas tại Lithuania

Với cầu thủ sinh năm 2001, đây là con đường mà anh cho là đúng đắn với cá nhân anh.

“Khi mục tiêu của bạn là đến NBA, việc vào đại học sẽ không còn quan trọng nữa", LaMelo Ball chia sẻ. Lúc ấy, NCAA vẫn chưa cho phép các cầu thủ tìm kiếm thu nhập từ hình ảnh họ thi đấu tại giải. 

Nhưng phát ngôn dưới đây của cậu út nhà Ball đã tạo làn sóng phản ứng khá lớn:

“Chúng tôi không lựa chọn đến trường. Chúng tôi biết cách tự học và không cần trường đại học. Và trường cũng không dạy bạn được nhiều điều, vậy đến trường để làm gì?”.

Ngay sau khi bài phỏng vấn với GQ được đăng tải, nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện. LaMelo Ball sau đó đã phải lên Instagram để đính chính, làm rõ câu nói gây hiểu lầm của mình.

Sao trẻ Charlotte Hornets cho rằng “không phải ai cũng đặt mục tiêu liên quan đến học vấn và trường học không dành cho tất cả mọi người". Ball nói thêm rằng anh tập trung tuyệt đối vào “kế hoạch A, đó là tới NBA", vì vậy anh đã không coi trọng việc vào trường đại học.

LaMelo Ball trong màu áo Illawarra Hawks tại giải nhà nghề Úc

Đối với giới cầu thủ trẻ tại Mỹ muốn đặt chân đến NBA, họ đã quen với việc dùng 1 năm thi đấu cho các trường đại học (tham gia NCAA) làm bước đệm. 

Nó giúp gia tăng giá trị tại buổi lựa chọn cầu thủ NBA Draft và hoàn thành ước mơ thi đấu tại một trong những giải đấu bóng rổ hàng đầu thế giới.

Với LaMelo Ball, anh đã từ chối chơi tại NCAA và sang Úc thi đấu theo chương trình “Next Stars", dự án kết hợp giữa NBA với giải nhà nghề Úc NBL.

Ngày nay, một con đường phụ khác đang được nhiều cầu thủ lựa chọn là phấn đầu để có mặt trong đội G-League Ignite, nơi các cầu thủ trẻ sẽ không cần phải thông qua NCAA nhằm thể hiện giá trị của mình. 

Jalen Green là sản phẩm mới nhất và đáng chú ý nhất của Ignite khi được chọn ở lượt pick thứ 2 bởi Houston Rockets.

Trở lại với cậu út nhà Ball, thông điệp anh muốn chia sẻ xoay quanh việc không vào đại học là lựa chọn tốt nhất dành cho cá nhân LaMelo.

Mùa giải đầu tiên tại NBA, LaMelo Ball ghi trung bình 15.7 điểm cùng 6.1 assists mỗi trận cho Charlotte Hornets

Sau đó, quyết định này mang lại kết quả tốt khi anh thi đáp lại kỳ vọng khủng khiếp của người hâm mộ, ghi trung bình 15.7 điểm cùng 6.1 assists và 6.0 rebounds mỗi trận.

Nếu không dính chấn thương cổ tay và phải nghỉ thi đấu hơn 20 trận, LaMelo Ball có thể đã giúp Charlotte đoạt vị trí cao hơn và có thể chơi tại vòng Playoffs.

Nhưng chừng ấy là đủ để một trong ba người con của ông bố lắm lời LaVar Ball đoạt danh hiệu Rookie of The Year - Tân binh xuất sắc nhất mùa 2020-21.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm