Mỗi người lại một cách riêng đẻ bày tỏ tình yêu với gia đình, và ngôi sao bóng rổ Jeremy Lin đã thể hiện điều đó bằng việc khắc tên tất cả những người thân yêu lên đôi giày thi đấu của mình.
Kể từ khi trở thành hiện tượng NBA cách đây 5 năm với nickname “Linsanity” được người hâm mộ New York Knicks đặt cho, Jeremy Lin vẫn đang tiến những bước vững chắc trong hành trình xây dựng thương hiệu cho riêng mình.
Sau khi Lin hết hạn hợp đồng với Nike vào năm 2014, hãng thời trang tới từ Trung Quốc Li-Ning đã rất muốn có được chữ ký hợp tác của anh, trong khi Nike cũng có ý gia hạn hợp đồng.
Thế nhưng adidas mới là cái tên giành chiến thắng với mức tài trợ 3 triệu USD/năm trong thời hạn 5 năm. Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ đem đến khoản lợi nhuận lớn cho adidas từ thị trường nước ngoài, đặc biệt là châu Á với những sản phẩm, tour đấu hoặc giao lưu có sự góp mặt của Lin.
“Adidas cho tôi cơ hội hội được thể hiện cá tính và phong cách của mình”, Lin nói: “Họ thực sự quan tâm tới các cầu thủ và điều đó tạo nên những câu chuyện ý nghĩa bên trong mỗi đôi giày”.
Đến với adidas vào thời điểm hãng đang thực hiện những thay đổi lớn cả về chiến lược lẫn công nghệ, Lin càng có môi trường để sáng tạo và gợi thêm nhiều ý tưởng mới cho đôi giày của mình.
Không chỉ là hình thức bên ngoài với tông màu trắng – đen tựa theo trang phục của Brooklyn Nets, Lin còn muốn tạo một câu chuyện ý nghĩa phía sau, điều mà anh đã hình dung ra trong tâm trí từ lâu.
“Tôi bị ấn tượng mạnh bởi một chiếc giày nhiều năm trước. Nói thật là tôi không nhớ rõ hình dáng hay nó nói về điều gì, chỉ nhớ rằng xung quanh chiếc giày có rất nhiều câu chữ được viết lên, trông như một văn bản thời cổ vậy”, Lin chia sẻ: “Ngay lúc đó, tôi đã muốn một đôi giày như vậy, và nó sẽ nói về gia đình tôi”.
Với ý tưởng đó, đội ngũ adidas Basketball bắt đầu thiết kế dựa trên dòng sản phẩm Crazylight Boost với điểm nhấn là công nghệ đệm ưa thích của “Linsanity”. Đương nhiên, không thể thiếu trên chiếc giầy là tên gia đình Lin: bố Gie-Ming, mẹ Shirley, anh trai Joshua, em trai Joseph và người chị dâu Patricia.
Mỗi cái tên đều có ý nghĩa riêng và gắn liền với những kỷ niệm không thể quên của Lin.
“Bố tôi là người dẫn tôi đến với bóng rổ. Nếu không có ông ấy, tôi đã không chơi bóng. Mỗi khi tới sân xem tôi thi đấu, ông đều ghi hình lại. Còn mẹ tôi từng là người luôn đưa tôi đến sân tập luyện và thi đấu. Bà ấy là một cổ động viên tuyệt vời”, cầu thủ từng tốt nghiệp Harvard nói về ông Gie-Ming và bà Shirley.
“Thông thường, với những gia đình châu Á nhập cư đến Mỹ, để con em họ chơi bóng rổ không phải chuyện đơn giản. Ngoài việc bỏ ra số tiền lớn, họ còn chịu sự chế giễu từ những gia đình khác. Áp lực cộng đồng nhiều khi khiến chúng tôi nản lòng. Mẹ tôi thực sự đã tạo ra một đội bóng tập hợp mọi người trong thành phố. Hạnh phúc của họ là được thấy con em mình vui vẻ”.
Về Joshua và Joseph, Lin chia sẻ: “Chúng tôi ngày nào cùng tốn hàng giờ chơi bóng cùng nhau, đôi khi là 3 – 4 tiếng sau giờ học. Chúng tôi chơi mọi nơi, từ công viên, sân sau trường học, điều đó chẳng quan trọng. Họ là những người bạn tốt nhất của tôi, chúng tôi vẫn rất thân thiết và tập luyện khi có thời gian. Bóng rổ như sợi dây liên kết chúng tôi kể cả khi đã trưởng thành”.
Còn người chị dâu Patricia lại mang đến sự cân bằng trong cuộc sống cho Lin khi anh bắt đầu trở thành hiện tượng tại NBA: “Tôi đã ở cùng gia đình anh chị 6 tuần khi điều đó xảy ra. Patricia giúp tôi nhận thức và kiểm soát tốt hơn những vấn đề ngoài sân đấu. Chị ấy không khác gì người quản lý của tôi, những hiểu biết và việc làm của Patricia mang đến giá trị lớn. Chị ấy đóng vai trò lớn với những việc ngoài chuyên môn”.
Nhìn lại trận đấu đầu tiên của Jeremy Lin tại New York Knicks