Quãng thời gian thực hiện hợp đồng 10 ngày ở giải bóng rổ NBA của một cựu cầu thủ Phoenix Suns phản ánh không chỉ khó khăn, mà cả khát vọng vươn tới đỉnh cao.
Từ chối 750.000 USD để nhận 13.000 USD
Zabian Dowdell đến Phoenix với hành trang cho 10 ngày chỉ gồm vài bộ quần áo, 2 quyển Kinh thánh cùng bản sao của một lá thư được lưu trong laptop.
Đấy là lá thư do chính anh viết trong phòng ngủ của mình từ 10 năm trước, tổng cộng 595 chữ bắt đầu bằng tựa đề “Tôi sẽ làm được”. Lúc ấy, anh chỉ là cậu bé 16 tuổi mê bóng rổ trong thị trấn toàn dân chơi bóng bầu dục, nên cứ phập phồng lo lắng sẽ không được các nhà tuyển trạch của trường đại học tại Pahokee (bang Florida) để mắt tới.
Vì thế, anh đã lấy hết can đảm viết lên lá thư rằng “Chẳng có gì ngăn nổi tôi đến với NBA. Đấy là sứ mệnh của tôi” trước lúc gửi lá thư ấy tới trường Virginia Tech rồi về nhà chờ hồi âm.
Nhưng rõ ràng, chẳng phải cứ có khát vọng là cầm chắc thành công. Dowdell đã bị sốc nặng khi không được chọn trong đợt NBA draft hồi tháng 06/2007 dù thoạt đầu, anh dự kiến làm pick 28 của vòng 1 với điểm đến là San Antonio Spurs.
Và như một kẻ muốn tìm quên, anh bỏ sang Pháp để mài đũng quần trên băng ghế dự bị ở French League, chuyển đến Italia chơi ở giải hạng Nhì và sang Tây Ban Nha – nơi anh thường thức tới 3 giờ sáng để xem NBA qua máy tính, rồi nghiền ngẫm tại sao các nhà tuyển trạch đã chọn các hậu vệ dẫn bóng khác mà không phải mình.
Nhưng đúng lúc tưởng chừng sớm an phận, Dowdell chợt nhận được e-mail đính kèm nội dung lá thư mà mình viết từ hồi nhỏ trong căn phòng ngủ do chính mẹ anh gõ lại với hy vọng nó có thể tạo động lực cho con trai, sau khi bà dọn phòng của anh thì tìm thấy trang giấy đã bạc màu thời gian.
Giọng văn non nớt đầy nhiệt huyết trong lá thư ngày nào đã thắp lại đam mê trong Dowdell để cứ mỗi lúc cảm thấy niềm tin bị thử thách, anh lại lôi ra đọc.
Cảm xúc ấy chính là lý do khiến Dowdell sẵn sàng từ chối mức lương 750.000 USD/năm ở trời Âu để chỉ nhận 13.000 USD tại Tulsa 66ers thuộc Development League (D-League), sau khi bị Phoenix Suns gạt khỏi danh sách trial cho NBA năm thứ 2 liên tiếp vào tháng 10/2010.
Thứ mà không đội bóng nào ở châu Âu có được
Bởi lẽ, Tulsa 66ers hứa hẹn cho Dowdell thứ mà không đội bóng nào ở châu Âu có được: Cơ hội được đôn lên NBA vào giữa mùa. “Đối với Zabian, hoặc NBA, hoặc chẳng cần gì hết”, Karim Memarian – người đại diện của anh khẳng định.
Vậy là vào 08h30 sáng ngày 09/01/2011, Dowdell rời khỏi căn phòng của mình trên tầng 14 của khách sạn Sheraton ở trung tâm thành phố Phoenix, băng qua 5 khu nhà ở U.S. Airways Center để tiếp tục theo đuổi giấc mơ thời tuổi teen.
Vì ở tuổi 26 và từng trải qua 3 mùa thi đấu tại châu Âu cùng 2 chặng dừng ở D-League, Dowdell rốt cuộc đã được ký một hợp đồng NBA. Tuy nhiên, bản hợp đồng đó có thời hạn chỉ 10 ngày.
Hợp đồng 10 ngày ở NBA thật sự không nhiều, số lượng có lẽ chỉ tương đương với các hợp đồng có mức lương tối đa ở giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Nhưng cần lưu ý là cầu thủ ký hợp đồng 10 ngày song có thể bị sa thải ngay sau 1 ngày. Còn nếu hoàn tất được hợp đồng này, họ sẽ có 2 khả năng: Hoặc bị đào thải, hoặc được ký thêm bản hợp đồng 10 ngày nữa.
Nếu lại trụ được cho đến hết bản hợp đồng 10 ngày kế tiếp, họ có thể phải rời đội, hoặc được ký hợp đồng thi đấu cho tới cuối mùa với mức lương tối thiểu.
“Nó giống như việc tuyển một giáo viên dự bị”, hậu vệ dẫn bóng huyền thoại Steve Nash của Phoenix Suns thời đó ví von. Thế nhưng, khác biệt thật ra vẫn rất lớn, vì các giáo viên dự bị chí ít còn được đảm bảo lượng thời gian đứng lớp nhất định.
Trong khi ấy, cầu thủ thử việc chỉ có 10 ngày để chứng tỏ khả năng mà chẳng ai hứa hẹn cho anh ta có cơ hội thể hiện trên sân đấu chính thức hay chỉ trong các buổi tập.
Đồng thời, tiêu chí đánh giá cầu thủ trong 10 ngày khá đa dạng, từ cách khích lệ đồng đội khi họ bị thay ra cho tới thái độ tập luyện khi nán lại ném bóng trong lúc những người khác đều về nhà.
Tâm trạng của cầu thủ với hợp đồng 10 ngày ấy từng được Avery Johnson - cựu HLV NBA hay nhất năm 2006 mô tả khá sống động: “Khi đang trong hợp đồng 10 ngày, bạn thường không dễ ngủ và hầu như lúc nào cũng nhìn vào điện thoại. Nhưng đừng mong chờ người ta cử một chiếc limousine đến nhà với đầy ắp hoa hồng tặng vợ bạn. Thay vào đó, bạn hãy tự bắt taxi đến câu lạc bộ và tự mình thanh toán tiền xe”.
Avery Johnson hiểu rõ cảm giác sống trong hợp đồng 10 ngày hơn ai hết, vì bản thân ông cũng từng cần tới 2 bản hợp đồng 10 ngày trong năm 1992 để có sự nghiệp 16 năm chơi bóng tại NBA.
Dẫu sao hợp đồng 10 ngày không chỉ cho phép các đội bóng lấp đầy khoảng trống trên băng ghế dự bị, mà còn tạo điều kiện cho các cầu thủ ở D-League được trải nghiệm công việc mà họ hằng mơ ước.
Mà theo quy định, các đội được phép mời chào hợp đồng 10 ngày từ ngày 05/01. Dowdell đặt bút ký hợp đồng của anh sau đó 4 ngày.
Khổ nỗi, Dowdell có thể xem là điển hình cho số phận của những cầu thủ với hợp đồng 10 ngày, khi mãi mãi chỉ sắm vai phụ và mỏi mòn chờ tới lúc thời gian thử việc chấm dứt.
Phải tạo ấn tượng dù không có cơ hội
Dowdell từng dự giải đấu mùa hè ở Suns mùa trước, nhưng bị căng cơ ở háng trong một trận đấu tuyển chọn trước lúc bắt đầu đợt tập trung chuẩn bị cho NBA draft.
Đến mùa này, anh lại tham dự giải đấu mùa hè ở Suns rồi bị cho ra rìa chỉ 6 ngày trước lúc giải khởi tranh. “Hãy tiếp tục cố gắng”, chủ tịch Suns lúc đó an ủi anh, “và chúng tôi sẽ gọi cậu trở lại”.
Khi ấy, Dowdell được đánh giá là một hậu vệ dẫn bóng thuận tay trái có khả năng tấn công cùng phòng thủ chặt chẽ, nhưng Suns muốn anh cải thiện khả năng ném xa.
Còn giờ đây, khi có tới 4 hậu vệ ở D-League được mời thử việc vào ngày 07/01, Dowdell càng không cho phép mình chậm trễ cho dù vừa thức suốt đêm và phải bay suốt sáng từ Tulsa tới Phoenix.
Chỉ khác là lần này, trong cùng văn phòng nơi Suns mới sa thải Dowdell trước đó 3 tháng, họ bảo với anh rằng họ muốn giữ anh lại. Sau khi ký hợp đồng 10 ngày, anh thật sự không còn thời gian để thư giãn.
Ngay ngày thứ nhất, Dowdell đã trở thành cầu thủ đầu tiên đến sân của Suns để tập ném bóng, khiến có một nhân viên an ninh từng tự hỏi phải chăng gã này là người của Cleveland Cavaliers, đối thủ của Phoenix đêm đó.
Và thay vì có hộc tủ đựng đồ riêng gắn chiếc thẻ mang tên mình thật trang trọng, anh đành dùng miếng băng dán to viết nguệch ngoạc cái tên “Dowdell” của mình lên túi xách để làm dấu. Đồng thời, anh chọn số áo 22 vì đó là số áo của bạn học cũ Jamon Gordon lúc ấy còn chơi bóng ở Hy Lạp.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất lại là lúc đó, Suns vừa thua một lèo 3 trận, nhưng chẳng hề xem Dowdell có khả năng giải quyết khó khăn. Thậm chí HLV Alvin Gentry (dẫn dắt New Orleans Pelicans ở NBA 2016-2017) còn tuyên bố ông sẽ hạn chế xoay tua đội hình chính nên ám chỉ Dowdell có lẽ phải mài đũng quần trên ghế dự bị suốt 10 ngày.
Thách thức cho Dowdell rõ ràng là rất lớn, vì khi ký hợp đồng với anh, Suns chỉ xem cầu thủ thử việc này như chọn lựa thứ 3 cho vị trí hậu vệ dẫn bóng. “Áp lực cho cậu ấy rất nặng nề, vì cậu ấy chắc chắn không muốn sớm đón chuyến xe mất 8 giờ quay về Tusla”, HLV Alvin Gentry thừa nhận.
Đúng như HLV Alvin Gentry dự báo, sân tập của Suns ngày đó vắng tanh, chỉ có Dowdell tập di chuyển bằng cách lấy mấy cái ghế làm vật cản. “Cậu ấy chuẩn bị kỹ cho bất cứ tình huống ném bóng nào”, HLV Alvin Gentry cho biết, dù thừa hiểu những cú ném mà Dowdell chờ đợi có lẽ sẽ chẳng bao giờ có.
Dowdell cũng hiểu rõ khó khăn của mình. Trở lại phòng trọ ở khách sạn Sheraton, anh luôn nghĩ về thách thức trong suốt 10 ngày với câu hỏi làm thế nào tạo ấn tượng khi không được nhận bất kỳ cơ hội nào.
“Mỗi ngày tôi phải là người đầu tiên đến sân và người cuối cùng ra về”, Dowdell tự nhủ: “Tôi phải nỗ lực hết sức mà vẫn giữ được vẻ mặt tươi cười”.
Bởi anh hiểu rõ đấy cũng là một hạng mục thử thách: Khả năng ứng xử. Bằng chứng là có người từng bị Suns sớm cắt hợp đồng 10 ngày sau khi HLV Alvin Gentry nhận xét: “Anh chàng ấy có vẻ thiếu nghiêm túc”.
(Còn tiếp)