Đừng tưởng ai cũng muốn làm đồng đội của một cầu thủ vĩ đại

thứ bảy 29-7-2017 19:09:10 +07:00 0 bình luận
Theo các nhà báo lâu năm, số lượng người giống như Kyrie Irving tại NBA không hề ít, các cầu thủ quyết định thoát khỏi cái bóng quá to của một đồng đội vĩ đại.

Theo các nhà báo lâu năm, số lượng người giống như Kyrie Irving tại giải bóng rổ NBA không hề ít, những cầu thủ quyết định thoát khỏi cái bóng quá to của một đồng đội vĩ đại.

Trong thời đại của các siêu đội hình, Kyrie Irving quyết định rời khỏi LeBron James và khiến không ít người phải gào lên vì sự dại dột này. Thực tế, có rất nhiều ngôi sao không đạt được vinh quang như Irving do họ không có những đồng đội vĩ đại sát cánh ở bên.

Irving đã được chơi bên cạnh LeBron James, cầu thủ tốt nhất thế giới trong hơn 1 thập kỷ qua và cả sự hỗ trợ của một tiền phong tầm cỡ là Kevin Love. Cùng nhau, họ đã có 3 trận chung kết và 1 lần trở thành đội mạnh nhất NBA.

Thái độ đánh giá dành cho Irving trong chức vô địch này rất tốt. Anh cũng có được nhiều sự công nhận trên hành trình sự nghiệp và quan trọng nhất là nhẫn vô địch, điều mà nhiều cầu thủ vĩ đại trong lịch sử vẫn còn thiếu khi họ treo áo về hưu.

Irving đã giành được bình chọn NBA All-Star với số lá phiếu lớn từ fan hâm mộ năm nay mặc dù anh chưa chắc đã vượt trội hơn khi đặt bên cạnh Isaiah Thomas, John Wall và Kyle Lowry. Rõ ràng, Cavaliers với số lượng người hâm mộ đông đảo trở thành bàn đạp giúp mọi thứ dễ dàng hơn cho Irving.

Hậu vệ của Cavaliers cũng nằm trong Top 5 doanh thu bán áo bóng rổ năm 2017, xếp cao hơn tất cả ngoại trừ Stephen Curry. Anh có mẫu giày riêng bán chạy thứ hai tại NBA, chỉ sau LeBron James. Nói cách khác, Irving hoàn toàn chẳng phải mẫu người sống trong bóng tối.

So với tuổi đời, Irving đã đạt được nhiều vinh quang nhờ James và Cavaliers. Vậy sao anh vẫn muốn rời đi.
So với tuổi đời, Irving đã đạt được nhiều vinh quang nhờ James và Cavaliers. Vậy sao anh vẫn muốn rời đi.

Ngôi sao của Portland Trail Blazers, Damian Lillard, từng thắc mắc: “Ai mà lại không muốn chơi bên cạnh LeBron James chứ”. Những câu hỏi kiểu này vô tình đã đẩy Irving vào thế chống chọi khó khăn trong việc bảo vệ quan điểm cá nhân. Từ trước tới nay, chống lại một người hùng cỡ James vốn không bao giờ dễ dàng.

Nhưng Irving chỉ thể hiện mong muốn, anh khao khát có vai trò như John Wall hay Damian Lillard trong đội bóng của họ. Có người gọi Irving là Cánh tay phải của nhà vua, theo cảm hứng lấy từ loạt phim truyền hình nổi tiếng Trò Chơi Vương Quyền (Game of Throne).

Nhưng trong Game of Throne, Ned Stark cũng đâu ao ước gì danh hiệu Cánh tay phải, khi đức vua Robert luôn muốn trao nó cho ông. Stark chỉ muốn trở về phương Bắc để sống những ngày tháng tự tại và làm tròn bổn phận như một lãnh chúa với người dân của mình.

Không thể phán xét Irving vì quyết định riêng của anh, bởi đừng tưởng ai cũng muốn sát cánh bên cạnh một cầu thủ vĩ đại. Theo ký giả Tom Ziller của SB Nation cho hay thì “Người giống Irving nhiều lắm”.

Điều khó chịu khi ở cạnh vị vua

Trước tiên, hãy nói về trường hợp liên quan tới Irving là LeBron James. Trong một thời gian dài, đã có một cuộc chiến ngầm giữa những người tin LeBron là mô hình chơi bóng mà mọi cầu thủ phải noi theo với một bên là những người phản đối ý kiến này. Bên ngoài đã vậy, ảnh hưởng thực tế tại NBA của siêu sao này còn gấp bội.

Dù sao, James cũng còn đỡ khi anh có tầm nhìn tốt trong những cú chuyền bóng. Đồng đội vẫn được hưởng lợi rất nhiều khi chơi bên cạnh James. Nhưng như bất cứ một cá nhân nào, James cũng có những quan điểm nhìn nhận mọi thứ của riêng mình, chắc chắn không phải tất cả chúng đều chính xác. Vấn đề lớn phát sinh khi anh luôn được coi như vua chúa ở những nơi đặt chân đến. 

James luôn được coi là vua, một ý kiến nói ra của anh có sức chi phối rất mạnh.
James luôn được coi là vua, một ý kiến nói ra của anh có sức chi phối rất mạnh.

Đội trưởng Cavaliers được quyền tác động vào HLV, các ý kiến chiến thuật, những mưu tính chuyển nhượng, rất nhiều các quyết định nhân sự, và tất nhiên bao gồm cả lối chơi lí tưởng của đội bóng. Đáng lẽ anh chỉ nên được coi như một người gợi cảm hứng, một đàn anh đáng ngưỡng mộ thay vì một ông hoàng mà bất cứ ý kiến nào nói ra cũng được coi như mệnh lệnh.

Và trong thời đại đề cao quyền bình đẳng, sẽ có những người cho thấy họ chẳng hứng thú gắn bó mãi bên cạnh một ông vua. Irving đã bày tỏ quan điểm như vậy và điều đó trở nên có lý. Những cựu đồng đội như Donyell Marshall hay Chris Bosh cũng không khác gì. Họ đều không thích vai trò độc tôn và chi phối từ một ai đó, nhất là khi người đấy lại chỉ ngang cấp đồng đội.

Câu chuyện về một ông vua khác

Một ông vua khác ở Los Angeles Lakers, Kobe Bryant, với 5 lần ngồi trên ngai vàng của NBA, thậm chí còn kinh khủng hơn trong ký ức kể lại của nhiều đồng đội.

Năm 2011, một cầu thủ giấu tên trong nhóm chuyển nhượng tự do đã cung cấp cho phía truyền thông câu nhận xét ngắn gọn như sau: “Kobe giống như một tảng đá chắn ngay trước cửa nhà các đồng đội. Cái gì anh ta không làm chủ được, anh ta sẽ loại bỏ đi”.

Trước đó, năm 2004, Shaquille O’Neal bỏ sang Miami Heat sau nhiều năm bất đồng, và cùng năm đó, HLV Phil Jackson nhắc tới Kobe trong cuốn sách mô tả mùa giải 2003-04 của ông bằng cụm từ “không thể chỉ đạo được”.

Mọi thứ vẫn chưa chấm dứt, thậm chí còn tồi tệ hơn kể từ năm định mệnh đó. Năm 2012, một thành viên trong văn phòng cấp cao Lakers tiết lộ buổi làm việc của ông với trung phong triển vọng Andrew Bynum về hợp đồng gia hạn: “Bynum đã đặt câu hỏi với ban lãnh đạo rằng 'Các vị sẽ kiểm soát Kobe như thế nào?'. Khi chúng tôi không thể trả lời trực tiếp câu hỏi đó, có nghĩa Bynum sẽ không muốn tiếp tục chơi bên cạnh Kobe.”

Trong gần 10 năm, Kobe thực sự giống một ông vua mà ngay cả ban lãnh đạo Lakers cũng phải nhún nhường.
Trong gần 10 năm, Kobe thực sự giống một ông vua mà ngay cả ban lãnh đạo Lakers cũng phải nhún nhường.

Ở mùa giải siêu đội hình trên lý thuyết Lakers có Steve Nash, Dwight Howard, Ron Artest, Pau Gasol và Kobe Bryant. Đó là một mùa giải thảm họa của Lakers cả về khía cạnh thành tích lẫn tinh thần tập thể.

Dwight Howard khơi mào cho cuộc chiến tranh lạnh mới trong lòng Lakers, vấn đề không đâu khác nằm ở bất đồng với Kobe. Tại 1 cuộc họp, Kobe đã ưu ái dành cho Howard một bài thuyết giảng về cách làm sao để chiến thắng. Nội dung của nó khiến Howard tắt nắng với tâm trạng tồi tệ hết sức.

Trong khi Steve Nash, đàn anh luôn giữ thái độ dĩ hòa vi quý cũng bày tỏ sự thất vọng của mình với nhà báo Zach Lowe về Kobe: “ Tôi đã có thỏa thuận với đội bóng từ trước khi gia nhập. Nhưng khi vào sân và chơi bóng với Kobe, bóng hầu như luôn được đặt vào tay cậu ấy ở mọi lúc”. Rõ ràng, điều này rất khó chấp nhận với một trong những hậu vệ dẫn bóng hay nhất lịch sử NBA như Nash.

Theo tiết lộ, 2 ngôi sao trẻ là Paul George Jimmy Butler đều từng từ chối gia nhập Lakers khi có lời mời gọi. George tái ký hợp đồng với Pacers vào mùa thu năm 2013 với lí do e sợ Kobe sẽ dập tắt những nỗ lực thay đổi đội bóng của anh. Còn theo lời của một nhân sự trong nội bộ Lakers cho biết: “Quá trình tái cơ cấu đội bóng sẽ phải chờ cho tới khi Kobe về hưu. Chính Jimmy cũng đã nói như vậy”.

Trùng hợp làm sao, ở tháng 7 vừa qua, cả George lẫn Butler đều không về với Cavaliers. Biết đâu, họ đều thấy ngán cuộc sống có vinh quang nhưng đầy tù túng bên cạnh các ông vua và đó mới là lí do thực sự cho việc đổ bể 2 thương vụ vừa qua của Cavaliers.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm