Kể từ lúc bóng rổ ra đời, hầu như mọi thứ đã thay đổi, bao gồm cả quả bóng được sử dụng ở trận đầu tiên tại Springfield, Massachusetts vào tháng 12/1891.
Bởi lẽ, trong năm đầu giới thiệu môn thể thao trong nhà mới mẻ do mình sáng tạo, James Naismith đã sử dụng quả bóng đá để chơi bóng rổ.
Theo một công trình nghiên cứu thực hiện năm 2009, trận đấu ấy diễn ra trong phòng tập thể dục có diện tích 14m94 x 12m49 được trang bị đủ mọi loại dụng cụ như xà đôi, vòng quay, tạ và dây thừng để leo trèo…
Nhưng không kém phần quan trọng, phòng tập ấy có một mặt sân cứng chắc bằng gỗ cây phong. Vì từ giữa những năm 1800 trở đi, sàn bằng gỗ phong khá phổ biến do loại gỗ này vừa đẹp, vừa rẻ, lại còn bền và rắn chắc.
Đồng thời, gỗ cây phong chắc chắn hơn gỗ cây sồi đỏ, cây óc chó đen hoặc cây anh đào… Bề mặt chắc chắn của sàn gỗ cây phong còn giúp cho việc bảo quản và lau chùi dễ dàng hơn.
Ông giáo Naismith đã đặt 2 giỏ hoa ở 2 đầu ban công bao quanh phòng, giới thiệu 13 quy tắc của trò chơi mới rồi chia các sinh viên thành 2 đội, mỗi đội… 9 người bao gồm 3 tiền phong, 3 trung phong và 3 hậu vệ với yêu cầu họ “không được níu vai, ôm người, đẩy người, ngáng chân hoặc đánh vào người đối thủ”.
Ở trận bóng rổ đầu tiên ấy, lịch sử ghi nhận đã có một cầu thủ bị đánh bất tỉnh. Trận đấu đầu tiên đó còn có rất nhiều đường chuyền, vì bóng rổ phải chờ đến 6 năm sau mới thấy những pha nhồi bóng qua màn trình diễn của đội Đại Học Yale.
Và tới lúc ấy, người ta mới biết hóa ra loại sàn bằng gỗ cây phong còn có bề mặt hoàn hảo để cầu thủ nhồi bóng. Vậy là từ đó tới nay, trải qua hơn một thế kỷ, các sân bóng rổ trong nhà ở Mỹ tiếp tục được lắp sàn bằng gỗ cây phong.
Sàn bằng gỗ cây phong xứng đáng được xem như “biểu tượng” cuối cùng của bóng rổ chính là vì vậy, đặc biệt khi tới vòng bán kết các giải nam và nữ mới đây của NCAA (giải vô địch các trường Đại học ở Mỹ), ban tổ chức cho biết các sân được sử dụng lắp đặt bằng 500 cây phong phương Bắc được đẽo gọt cẩn thận từ khu bảo tồn rừng và sông Two-Hearted ở Michigan.
Bên cạnh đó thì trong 30 đội của giải bóng rổ NBA hiện nay, Boston Celtics là thành viên duy nhất có sân không dùng gỗ cây phong, mà dùng gỗ cây sồi đỏ.
Sở dĩ giới bóng rổ vẫn chuộng dùng sàn gỗ cây phong không chỉ vì loại gỗ này được đánh giá là có độ ổn định nhất, mà còn có tính chống sốc nên giảm bớt áp lực cho đầu gối và mắt cá chân của cầu thủ.
Đây cũng chính là lý do tại sao ngày nay, bóng rổ còn được chơi ở ngoài trời, nhưng vẫn được ngầm xác định là môn thể thao trong nhà với sàn bằng gỗ cây phong.
Trên thực tế thì ngay từ năm 1892 khi biên soạn Luật bóng rổ, chính ông Naismith cũng viết rằng môn thể thao mới này có thể chơi ở “bất cứ loại sân nào, trong nhà tập luyện, trong phòng lớn, trong sân lớn và bất kể mặt sân có bằng phẳng hay không”.
Và đúng là ngay từ năm 1892, người ta đã chơi bóng rổ ngoài trời. Thậm chí tới đầu thập niên 1970, các sân bóng rổ bằng nhựa đã xuất hiện và được cải tiến sao cho bề mặt không gây tổn thương nghiêm trọng cho gối và khuỷu tay khi cầu thủ té ngã.
Nhưng đến nay, những trận đấu quan trọng nhất của bóng rổ tại Mỹ vẫn phải tổ chức trên mặt sân bằng gỗ cây phong như ngày đầu Naismith giới thiệu trò chơi này.
Lý do còn vì gỗ cây phong có màu sáng nên người xem dễ nhìn thấy quả bóng cam hơn trong lúc cầu thủ nhồi bóng, chuyền và ném. Đây cũng là nguyên nhân giúp Ned Irish (người sáng lập BAA – tiền thân của NBA, và làm chủ New York Knicks) nảy ra ý tưởng lắp đặt bảng rổ bằng kính để bán được vé ở cả 4 mặt sân MadisonSquareGarden.
Tất nhiên là đến một lúc nào đấy, đà phát triển của khoa học kỹ thuật cùng nhu cầu tổ chức thi đấu ngoài trời để tăng lượng khán giả có thể khiến những trận đấu quan trọng của bóng rổ không nhất thiết phải diễn ra trong nhà với sàn bằng gỗ cây phong nữa.
Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn chí ít trong mấy năm tới, sàn thi đấu bằng gỗ cây phong sẽ vẫn là “pháo đài” cuối cùng còn sót lại của bóng rổ, kể từ ngày ra mắt ở Springfield, Massachusetts vào tháng 12/1891.