Tôi không thở được - I can't breath
"Trái tim của tôi như vỡ nát trong suốt 36 giờ đồng hồ đã qua và chẳng thấy dấu hiệu nào của sự phục hồi.
Có lẽ chúng ta không nên nói rằng "tôi bị sốc" hay "tôi không thể tin vào mắt mình" được nữa vì đó đơn giản chỉ là những câu cảm thán đơn thuần.
Với một sự việc rúng động như thế này, như một người da màu không có vũ khí trong tay đang lịm dần đi dưới áp lực của viên cảnh sát cứ tiếp tục xảy ra, có lẽ "sốc" không nên là phản ứng nữa.
Chúng ta cần phải làm điều gì đó tốt hơn. Những người bạn của tôi, những người anh em của tôi... tất cả các bạn đáng lý ra phải được bước xuống đường và sống trong cộng đồng này một cách bình thường, bình đẳng, không có gì phải sợ hãi dù màu da trên người bạn là gì đi chăng nữa".
Đó là lời chia sẻ của HLV Ryan Saunders, thuyền trưởng của Minnesota Timberwolves. Đội bóng của ông đóng quân ở Minnesota, nơi diễn ra sự việc đáng tiếc với George Floyd, người đàn ông da màu đã lịm dần trước khi qua đời trong lúc bị đè chặt xuống sàn bởi đầu gối của một sĩ quan cảnh sát.
Bị đặt dưới tư thế hoàn toàn bị động, người đàn ông 46 tuổi đã chịu áp lực lên gáy của mình suốt gần 8 phút đồng hồ.
"Làm ơn... Làm ơn... Này anh, hãy làm ơn... Tôi không thở được. Làm ơn đi..."
Đó là những lời cuối cùng của Floyd, những câu nói kêu gọi sự đồng cảm giữa con người với con người. Chỉ có điều, nó đã không được đáp lại.
Câu nói "Tôi không thở được - I can't breathe" từ một câu cảm thán bỗng dưng trở nên quen thuộc một cách đáng sợ. Đặc biệt là với giới cầu thủ NBA, nơi phần lớn là người da màu, "I can't breathe" là một ký ức buồn.
Ít ngày qua, LeBron James đã chia sẻ lại hình ảnh của anh năm 2014. Khởi động trước trận đấu giữa Cleveland Cavaliers và Brooklyn Nets, LeBron đã mặc một chiếc áo đen với dòng chữ "I can't breathe" in nổi bật trên ngực.
Nếu quay ngược thời gian lại 6 năm, đó là cả một cuộc đua với chiếc đồng hồ để kịp có chiếc áo xuất hiện trên người của không chỉ LeBron mà còn là Kyrie Irving, Jarrett Jack hay huyền thoại Kevin Garnett ngay trước trận đấu.
Hãy cùng nhìn lại câu chuyện xoay quanh chiếc áo màu đen, đơn giản nhưng đặc biệt và đầy uy lực này.
Tất cả bắt đầu với Derrick Rose và một chiếc áo màu đen đầy đơn giản.
Trước khi Chicago Bulls ra sân để chạm trán Golden State Warriors vào thứ Bảy, Rose khởi động cùng chiếc áo thun đen với dòng chữ "I Can't Breathe", ba từ đã trở thành biểu tượng cho hàng chục ngàn người biểu tình.
Vài tháng trước đó, một viên sĩ quan của thành phố này đã siết cổ đến chết một người đàn ông da màu không có vũ khí là Eric Garner. Cuối cùng, bồi thẩm đoàn đã tuyên bố sĩ quan cảnh sát không có tội, còn Garner đã mất một cách oan uổng. Quyết định này được diễn tả là "lạnh sống lưng" và "vô nhân tính".
Hai ngày sau khi Rose bất ngờ mặc chiếc áo có dòng chữ "I Cant' Breathe", việc làm của anh đã nhận được nhiều sự chú ý hơn.
Trong lúc nhiều người còn lo ngại về việc Derrick Rose có thể bị NBA phạt, một kế hoạch đã lặng lẽ diễn ra để đưa thêm những chiếc áo đặc biệt này đến với những ngôi sao hàng đầu giải đấu. Từ LeBron James đến Deron Williams và khoảng 2 ngày sau đó nữa là Kobe Bryant.
Kế hoạch này được coi là cuộc đua với thời gian nhằm nhanh chóng đẩy những chiếc áo đến với sân Barclays Center, nơi một loạt nhân vật đình đám không chỉ ở NBA mà còn trên toàn cầu sẽ ủng hộ như Jay-Z, Beyonce hay vợ chồng hoàng gia Anh Quốc.
Không phải ai cũng ủng hộ chiếc áo này, đặc biệt là ban điều hành giải đấu NBA. Với sự lo ngại, những chiếc áo vẫn đã được "tuồn" vào phòng thay đồ của Brooklyn Nets nhờ LeBron James, Jay-Z, ông bầu trong giới hip-hop Russell Simmons và một nhân viên bảo vệ tại sân Barclays Center.
Mọi thứ bắt đầu vào Chủ Nhật, một ngày sau khi Derrick Rose thi đấu. LeBron James khi đó đã công khai ủng hộ hoạt động của Derrick Rose, khen rằng "anh ấy có một chiếc áo thật tuyệt" và mong muốn có một cái cho riêng mình.
Một tổ chức đấu tranh nhân quyền có tên gọi Justin League NYC (New York City) đã triệu tập một buổi họp khẩn ngay trong hôm ấy. Hành động được coi là biểu tình công khai của Derrick Rose cùng phản ứng của LeBron đã khơi dậy họ.
Ở trận đấu Brooklyn Nets gặp Cleveland Cavaliers diễn ra sau đó hơn một ngày, hàng ghế courtside sẽ có sự góp mặt của cặp đôi hoàng gia Anh. Điều này sẽ thu hút gần 100 phóng viên, biên tập viên đến từ truyền thông, một phương án hiệu quả để tuyên truyền về đấu tranh chống phân biệt chủng tộc nếu các cầu thủ chấp nhận mặc lên mình chiếc áo "I Can't Breathe".
Kế hoạch rất đơn giản: Đưa những chiếc áo ấy vượt qua bảo vệ và đến được phòng thay đồ của Barclays Center, nơi LeBron James và nhiều cầu thủ khác có thể lấy mặc.
Tuy nhiên, để thực hiện được việc này lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. 24 tiếng trước khi trận đấu diễn ra, chưa có bất kỳ chiếc áo nào được ra lò để sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Cũng trong tối đó ngay sau khi cuộc họp của Justice League NYC kết thúc, một thành viên trong nhóm đã phác thảo thiết kế chiếc áo và được cả nhóm thông qua vào lúc 1 giờ đêm.
Vào lúc này, ông bầu Simmons trao quyền cho một đại diện khác của mình là Michael Skolnik làm việc. Skolnik biết rằng mình cần có sự ủng hộ từ Jay-Z, phần lớn là vì rapper nổi tiếng này có mối quan hệ rất tốt và cùng quan điểm về đấu tranh phân biệt chủng tộc với LeBron James.
Ngoài ra, Jay-Z sẽ cùng vợ là nữ ca sĩ Beyonce đến xem trận đấu giữa Nets và Cavaliers. Skolnik đã quyết định sẽ liên lạc với Jay-Z thông qua nhạc sĩ Dream Hampton.
Khi trời sáng trong một ngày thứ Hai tươi đẹp ở Brooklyn, Dream Hampton đã liên lạc với Jay-Z để chia sẻ về kế hoạch và những chiếc áo. Jay-Z đã nói điều tương tự với LeBron James, đưa tất cả lên cùng một con thuyền.
Trong lúc những cuộc nói chuyện ở thượng tầng cùng các sao showbiz diễn ra, công tác chuẩn bị bắt đầu được thực hiện.
Rameen Aminzadeh, thành viên của Justice League NYC cầm bản thiết kế của mình đến NYC Customs, tiệm in áo của một người bạn để thoả mãn tiến độ cực kỳ gấp rút.
Chi tiết được chia sẻ bởi Rameen là: "Tôi cần 82 cái áo, tất cả đều mang size XL và tôi cần nó sớm nhất có thể".
Người bạn của Rameen sau đó đã nhận lời. Ngay lập tức, những nhân viên của NYC Customs tạm gác lại việc đang dang dở và đến ngay bàn dập. Chỉ trong 90 phút, một thùng áo I Can't Breathe đã ra lò.
"Chúng tôi đã làm một trong những mẻ áo nhanh nhất lịch sử cửa tiệm và chúng tôi mãn nguyện vì điều đó", chia sẻ của đại diện NYC Customs.
Mặt trời bắt đầu lặn, trận đấu còn vài giờ đồng hồ nữa là diễn ra. Rameen Aminzadeh và một số nhân vật khác đã ở bên ngoài nhà thi đấu Barclays Center. Skolnik vẫn đang ở Manhattan cùng ông bầu Russell Simmons, cách sân khoảng 45 phút di chuyển.
Tuy nhiên, Simmons có lịch phải xuất hiện trên đài CNN trong tối hôm đó. Vậy nên ông đã tìm cách trình bày thêm với Jay-Z, thuyết phục được rapper này cung cấp số điện thoại của Deron Williams, hậu vệ siêu sao của Brooklyn Nets.
Tin nhắn được Williams gửi cho Skolnik vào lúc 5 giờ 30 chiều: "Tôi và đồng đội của tôi muốn mặc chiếc áo này".
Có sự ủng hộ của các cầu thủ, áo cũng đã có trong tay, kế hoạch đã đi đến gần cuối. Tuy nhiên, thử thách lớn nhất vẫn còn ở trước mắt khi không dễ để đưa chúng vượt qua cổng an ninh để vào bên trong Barclays Center.
Lúc này, NBA đã thể hiện rõ góc nhìn của giải đấu: Không muốn bất kỳ chiếc áo nào xuất hiện trên người các cầu thủ trong lúc khởi động.
Điều này khiến Deron Williams phải tính phương án khác. Skolnik kể lại rằng Williams đã dùng một nhân viên bảo vệ quen của mình để tuồn chiếc thùng đầy áo vào trong nhà thi đấu bằng một cửa nhỏ ở phía sau.
Ẩn sau mọi tính toán Aminzadeh hay Justice League NYC, một kế hoạch làm áo khác cũng được thực hiện trong 2 ngày đã qua. Jarrett Jack, cầu thủ Brooklyn Nets đã muốn làm theo Derrick Rose.
Với quan hệ của mình, anh đã có được vài chiếc áo "I Can't Breathe" thông qua người đại diện ở Excel Sports Management. Đến trước trận đấu, Jack đã nhắn tin cho Kyrie Irving và không hề chần chừ, Kyrie đã nhận lời mặc chiếc áo trước khi khởi động.
Cùng lúc đó, đồng đội của Irving là LeBron James đã nhận một chiếc áo khác. Tất cả cùng nhau ra sân và mở ra một cuộc "biểu tình mini" ngay tại Barclays Center, nơi có cả trăm ống kính máy ảnh và máy quay hướng về phía họ.
Đáng lý ra, Jay-Z cũng mặc chiếc áo đặc biệt này. Tiếc rằng anh đã không tìm được cho mình một chiếc nào vừa kích cỡ.
Sau khi một loạt chiếc áo I Can't Breathe xuất hiện, bà Michele A.Roberts, Chủ tịch của Hiệp hội cầu thủ NBA (NBPA) đã nói rằng: "Cầu thủ của chúng tôi cũng là một phần của cộng đồng.
Mắt họ thấy, tai họ nghe thấy những gì xảy ra ở ngoài kia và bị ảnh hưởng bởi chúng, điều giống với bất kỳ người dân nào khác. Họ cảm thông với những sự kiện không may xảy ra và có những hành động để nói lên suy nghĩ của mình. Chúng tôi tự hào về họ".
Nhưng trong khi hiệp hội cầu thủ ủng hộ, NBA đã tỏ ra e dè với hành động của các cầu thủ. Mặc dù vậy, không có bất kỳ án phạt nào được đưa ra.
Đại diện ban điều hành giải, ông Adam Silver trả lời truyền thông rằng: "Tôi tôn trọng Derrick Rose và những cầu thủ vì đã lên tiếng về một vấn đề quan trọng, nhưng tôi mong rằng các cầu thủ trong thời gian tới hãy tuân thủ theo nguyên tắc về trang phục của toàn giải đấu".
Dần dần, những chiếc áo "I Can't Breathe" ngày một trở nên nổi tiếng. Nhưng dưới sự kiểm soát đôi chút từ NBA, xu hướng này đã biến mất dần theo thời gian.
"Vấn đề xã hội này không phải điều mà chúng tôi có thể giải quyết. Nhưng với những gì đang có, chúng tôi sẽ liên tục lan toả thông điệp này, cho mọi người hiểu rõ hơn điều gì đang xảy ra.
Như một xã hội, chúng ta cần phải làm tốt hơn. Chúng ta phải chăm sóc và đối xử với nhau tốt hơn mặc kệ màu da hay dân tộc", LeBron James chia sẻ.
"Hãy coi xã hội là một gia đình, môt đại gia đình thật lớn. Đó là nơi người ta chăm sóc và yêu thương nhau một cách vô điều kiện".