Câu chuyện về sự kỳ vọng mà người Canada đặt vào Toronto Raptors

chủ nhật 7-5-2017 14:51:40 +07:00 0 bình luận
Khi Raptors trở thành đội bóng đại diện duy nhất cho Canada tại NBA, có rất nhiều câu chuyện để thể hiện sự kỳ vọng của người Canada dành cho tập thể này.

Khi Raptors trở thành đội bóng đại diện duy nhất cho Canada tại giải bóng rổ NBA hàng đầu thế giới, có rất nhiều câu chuyện để thể hiện sự kỳ vọng của người Canada dành cho tập thể này.

Như lời của một nhân viên hoạt động tại Air Canada Centre tự hào chia sẻ: “Rõ ràng, Toronto Raptors là một trong những đội bóng có cổ động viên tốt nhất, hiếm khi bạn vào một sân vận động mà ở đó các khán giả đều mặc chung màu áo biểu hiện cho tính quốc gia”.

Thực vậy, ở NBA Play-off năm ngoái cũng như năm nay, trên những hàng ghế tại Air Canada Centre trong những trận đấu của Raptors, rất dễ trông thấy những hàng dài lưng áo mang hình lá phong đỏ. 

Những chiếc áo được đặt sẵn dành cho các cổ động viên tại Air Canada Centre.
Những chiếc áo được đặt sẵn dành cho các cổ động viên tại Air Canada Centre.

Đây cũng chính là biểu tượng cho đất nước Canada kể từ năm 1.700. Khi các cầu thủ Raptors ra sân, vinh dự và trách nhiệm đè nặng hơn bởi kỳ vọng dành cho họ không chỉ dừng ở mức độ một đại diện vùng miền ở giải bóng rổ NBA.

Đại diện của Canada

Raptors được thành lập vào năm 1995 cùng với Vancouver Grizzlies trong chiến dịch mở rộng của NBA sang Canada. Tuy nhiên, họ trở thành đội bóng Canada duy nhất khi Grizzlies tái thiết lập ở Memphis, Tenessee (Mỹ) để trở thành Memphis Grizzlies.

Có người nói người Canada không quá cuồng nhiệt với bóng rổ, ý kiến này không hoàn toàn đúng. Nó có thể âm ỉ nhưng sẽ nhận được sự kỳ vọng và quan tâm rất lớn một khi xuất hiện những tập thể có khả năng đua tranh với các đội bóng tại Mỹ. Nếu ai đó cần dẫn chứng cho quan điểm này, họ có thể tìm thấy nhiều câu chuyện trong quá trình phát triển của Toronto Raptors.

Những năm xa xưa, Canada từng có Toronto Huskies như thành viên từng tham gia thi đấu tại giải bóng rổ chuyên nghiệp Mỹ. Vào năm 1995, Raptors và Grizzlies được thành lập như 2 đội bóng nằm trong chiến dịch mở rộng của NBA. Điểm xung đột đến từ ngay bước đầu tiên là tên gọi, thiết kế logo và hình ảnh cho đội bóng đại diện của Toronto.

Những hoạt động tưởng nhớ thành tựu bóng rổ Canada vẫn thường được tổ chức.
Những hoạt động tưởng nhớ thành tựu bóng rổ Canada vẫn thường được tổ chức.

Ban đầu, các ý kiến đều cho rằng nên dùng lại cái tên Huskies (những chú chó Husky) để làm hồi sinh niềm tự hào thuở nào. Nhưng sau đó, ban lãnh đạo đội bóng nhận ra hình ảnh này quá bị trùng lẫn với “sói rừng” của Minnesota Timberwolves.

Họ quyết định thay đổi hoàn toàn bằng cách tổ chức một cuộc thi trong phạm vi Canada để tìm ra logo biểu tượng phù hợp nhất. Qua hơn 2.000 mẫu từ rồng, bò cạp, linh miêu…, sự lựa chọn cuối cùng là Raptors, được công bố hẳn trên kênh truyền hình quốc gia Canada vào ngày 15/05/1994. Raptors được biết như loài khủng long săn mồi cỡ nhỏ, được gợi cảm hứng từ bộ phim rất nổi tiếng JurassicPark (Công viên kỷ Jura).

Còn về màu sắc của đội bóng, những tông màu được sử dụng như đỏ, tím, đen và đặc biệt là màu bạc. Màu bạc của Naismith, được lựa chọn tiêu biểu nhằm nhấn mạnh đến yếu tố lịch sử: “Bóng rổ được phát minh bởi James Naismith, một giáo sư thể chất người Canada chứ không phải một người Mỹ”.

Khi đã có đủ những thứ cần thiết, Raptors mở chiến dịch quảng bá mang tên “We The North” (Chúng tôi người phương Bắc). Tới lễ kỷ niệm tròn 20 năm thành lập, đội bóng cho mở lại chiến dịch này với một trong những sản phẩm quảng cáo đình đám có tên “I Am Canadian” (Tôi là người Canada). 

Biểu ngữ “We The North” được giơ cao như một niềm tự hào.
Biểu ngữ “We The North” được giơ cao như một niềm tự hào.

Vào năm 2016, thời điểm mà Raptors đứng trước cơ hội tiến xa trong lịch sử đội bóng, đài truyền hình quốc gia Canada đã ghi nhận trận đấu game 7 giữa Raptors - Pacers ở vòng 1 Play-off chính thức trở thành chương trình truyền hình được theo dõi nhiều nhất tại quốc gia này hôm đó. Nó đạt đỉnh 2,63 triệu người xem và có thể còn cao hơn về mặt con số nếu xét về thực tế.

Ở Canada cũng có những hiệp hội hay giải đấu bóng rổ nhưng tầm cỡ chưa thể đạt tới tầm của NBA. Do đó, đại diện duy nhất của người Canada tại giải đấu bóng rổ số 1 hành tinh đương nhiên được đặt kỳ vọng.

Người Canada và người Mỹ thường chế giễu nhau về nhiều lĩnh vực tuy họ được coi như những hàng xóm. Qua những điều kể trên, chúng ta sẽ thấy niềm tự hào dân tộc của người Canada gửi vào Toronto Raptors không hời hợt chút nào.

Hi vọng chưa bao giờ tắt

Như hầu hết các đội bóng mở rộng ở các giải thể thao Mỹ, Raptors chật vật trong những năm đầu và ở nhiều quãng thời gian sau đó. Nhưng người hùng nổi tiếng đầu tiên trên sân bóng của họ đã xuất hiện từ đợt draft năm 1998: Vince Carter.

Và cả cùng với sự tiến bộ dần dần của Tracy Mcgrady, Raptors tham dự NBA Play-off trong 3 năm liền từ 2000 tới 2002. Chính Vince Carter đã cho các cổ động viên Canada cảm giác tự hào với chức vô địch úp rổ có một không hai trong lịch sử của anh, cùng việc đưa đội bóng tiến sâu chưa từng thấy tới bán kết khu vực miền Đông.

Họ dừng bước trước Philadelphia 76ers nhưng cũng đủ làm hài lòng số đông khán giả ủng hộ. Thương hiệu Raptors chính thức khởi sắc từ đây.

Raptors từng sở hữu 2 siêu sao rất nổi tiếng là Vince Carter (phải) và Tracy Mcgrady (trái).
Raptors từng sở hữu 2 siêu sao rất nổi tiếng là Vince Carter (phải) và Tracy Mcgrady (trái).

Thế nhưng, Raptors cũng phải chịu đựng nhiều nỗi đau khi niềm tin đặt trọn nhưng rồi thất vọng. Năm 2004, đội bóng đành để Vince Carter gia nhập New Jersey Nets, tạo nên mối thâm thù giữa 2 đội bóng trong nhiều năm.

Sau thời của Carter, Chris Bosh nổi lên như niềm hi vọng mới và Raptors cũng có được nhiều giải thưởng danh hiệu trong khoảng 2006-2010. HLV Mitchell trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử đội bóng đạt giải thưởng Huấn luyện viên xuất sắc nhất năm.

Andrea Bargnani 2 lần được trao danh hiệu Rockie của tháng và Chris Bosh trở thành cái tên thứ 3 trong lịch sử Raptors được bình chọn vào đội hình NBA All-Star.

Ở thời điểm tiền mùa giải 2009-2010, có nhiều cái tên đình đám gia nhập vào nhóm chuyển nhượng tự do (free agent) như Chris Bosh, LeBron James, Dwyane Wade và Amar’e Stoudemire. Một bộ khung vừa đẹp nếu Bosh cùng ban lãnh đạo Raptors sử dụng hết mọi cách để thuyết phục được từng bấy siêu sao cùng gia nhập Raptors.

Nhưng không, ngược lại, Bosh và James bị thuyết phục gia nhập Miami Heat để sát cánh với Dwyane Wade. Heat thăng hoa sau đó, để lại một Raptors loay hoay bắt đầu lại công đoạn tái thiết sau mất mát. Mùa giải ngay sau khi vắng Bosh, Raptors chỉ thắng 22 trận ở mùa giải thông thường. Cảm giác đau lòng khó tả trong các trái tim Canada.

Lại thêm một thế hệ mới trỗi dậy
Lại thêm một thế hệ mới trỗi dậy

Gần đây, năm 2014, lần đầu có một bài báo nói về sự kỳ vọng mới đang trỗi dậy tại Toronto. Người dân ở đây bàn luận sôi nổi về đội hình triển vọng với những gương mặt trẻ như DeMar DeRozan, Kyle Lowry hay Jonas Valaciunas.

Ấy vậy mà chỉ sau 2 năm, đội ngũ này đã mang đến niềm tin lớn chưa từng thấy cho những fan bóng rổ mang nặng tinh thần Canada. Như trên đã nói, chỉ trận game 7 vòng 1 khi Raptors gặp Indiana Pacers đã thu hút sự theo dõi của hơn 2,63 triệu người, trở thành chương trình truyền hình thu hút nhất tại Canada ngày hôm đó.

Cũng trong năm 2016, Raptors lập nhiều kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Họ chiến đấu quật cường với Cleveland Cavaliers sau 6 game và đủ tự hào khi chỉ để thua nhà đương kim vô địch của giải bóng rổ NBA năm đó.

Có điều, kỳ vọng nơi các fan hâm mộ đã tăng lên, họ chờ đợi tới một ngày đội bóng đại diện duy nhất của mình sẽ nâng cao chiếc cúp vô địch, dù chỉ là vô địch khu vực.

Năm nay (2017), Raptors vẫn lép vế trước Cavaliers nhưng họ đang xây dựng một đội hình dành cho viễn cảnh tương lai. Đây là thứ mà nếu thành công có thể làm ngây ngất hàng triệu con tim “phương Bắc” đang dõi theo tại Canada. Hãy cùng chờ đón sự trở lại mạnh mẽ hơn của Raptors ở mùa giải năm sau.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm