Các vị trí và vai trò từng vị trí trong bóng rổ hiện đại (Kỳ 1)

thứ năm 17-11-2016 17:20:12 +07:00 0 bình luận
Hy vọng loạt bài chuyên đề này của Webthethao.vn sẽ hỗ trợ bạn đọc hiểu nhanh hơn về môn thể thao đầy tốc độ và dũng mãnh, bắt đầu từ Point Guard (PG).

Hy vọng loạt bài chuyên đề này của webthethao.vn sẽ hỗ trợ bạn đọc hiểu nhanh hơn về môn thể thao đầy tốc độ và dũng mãnh, bắt đầu từ Point Guard (viết tắt là PG).

Trong bóng rổ cổ điển, một đội hình 5 người gồm có 5 vị trí: Hậu vệ dẫn bóng (Point Guard), hậu vệ ghi điểm (Shooting Guard), tiền phong phụ (Small Forward), tiền phong chính (Power Forward) và Trung phong (Center). 

Trong giai đoạn thập niên 80-90 của thế kỷ trước và những năm 2000, các vị trí trên sân bóng rổ hầu như được phân chia rõ rệt với những nhiệm vụ cụ thể khác nhau.

Nhưng trong những năm gần đây, khi mà chiến thuật trong bóng rổ hiện đại ngày càng biến hóa và với việc các đội bóng ở NBA có xu hướng sử dụng đội hình small-line up (đội hình với các cầu thủ nhỏ con hơn chiều cao thường thấy ở vị trí của họ) nhiều hơn thì vai trò của các cầu thủ trên sân cũng trở nên hết sức đa dạng.

Ở loạt bài viết này, Webthethao.vn xin giới thiệu đến bạn đọc yêu thích bộ môn bóng rổ và giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA về những vị trí trên sân cũng như những vai trò khác nhau của từng vị trí trong chiến thuật bóng rổ cổ điển và hiện đại. 

Đội hình bóng rổ cổ điển.
Đội hình bóng rổ cổ điển.

Kỳ 1: Vị trí Point Guard

Vị trí Point Guard (viết tắt là PG) hay còn gọi là hậu vệ dẫn bóng (giới chuyên môn gọi tắt là vị trí “số 1”) thường được biết đến như nhạc trưởng của một đội bóng.

PG cổ điển có nhiệm vụ cầm nhịp trận đấu, phân phối bóng cho các đồng đội và quyết định phương án tấn công trong mỗi đợt lên bóng cho đội nhà.

Cầu thủ này cũng có khả năng dứt điểm ở tầm xa bằng các cú nhảy ném khi có khoảng trống và phải là cầu thủ có khả năng cầm bóng chắc chắn để đột phá khi cần. Một PG thường là cầu thủ có nhãn quan chiến thuật tốt nhất đội bóng cũng như có chiều cao khiêm tốn nhất.

Magic Johnson là PG hay nhất trong lịch sử NBA.
Magic Johnson là PG hay nhất trong lịch sử NBA.

Tuy nhiên với sự đa dạng hóa trong chiến thuật bóng rổ hiện đại, người dẫn dắt thế trận và cầm nhịp của một đội bóng đã không còn bắt buộc là một PG nữa.

Một PG trong bóng rổ hiện nay có thể chia làm nhiều loại phụ thuộc vào nhiệm vụ khác nhau trên sân và tùy theo yêu cầu của huấn luyện viên. Ngoài ra, phong cách chơi bóng của một cầu thủ cũng có ảnh hương tiên quyết đến việc anh ta trở thành một PG loại nào.

1. Playmaker Point Guard

Playmaker PG giống chính là những PG cổ điển mang phong cách chơi bóng đúng với nhiệm vụ mà vị trí này sinh ra: Cầm nhịp trận đấu và kiến tạo cơ hội.

Những cầu thủ dạng này chơi tập trung vào nhiệm vụ cầm bóng, điều phối bóng cho đồng đội và quyết định sẽ sử dụng “bài” tấn công nào trong mỗi đợt lên bóng.

Họ luôn là những cầu thủ dẫn đầu chỉ số kiến tạo (assists) của đội bóng do luôn tập trung chuyền những đường bóng thuận lợi nhất cho đồng đội ghi điểm.

Đối với những cầu thủ dạng này, trong tiềm thức của họ luôn là “pass-first”, có nghĩa là họ luôn ưu tiên chuyền bóng hơn là dứt điểm. Họ cũng không cần khả năng dứt điểm tốt nhưng cũng có thể ném xa hoặc lên rổ khi có cơ hội.

Chris Paul là mẫu PG cổ điển hiếm có ở NBA thời điểm hiện nay.
Chris Paul là mẫu PG cổ điển hiếm có ở NBA thời điểm hiện nay.

Trong những năm gần đây, với việc cầu thủ dẫn dắt lỗi chơi của một đội bóng có thể đến từ nhiều vị trí trên sân khác nhau thì các PG cổ điển đang dần trở thành “của hiếm”.

Các Playmaker Point Guard nổi bật hiện nay chơi tại NBA chỉ còn một số cầu thủ như Chis Paul, Raja Rondo, Ricky Rubio… Trong đó chỉ có Chris Paul là thực sự đạt được đẳng cấp của một siêu sao.

2. Sharpshooter Point Guard

Đây chính là dạng PG đang làm mưa làm gió tại NBA thời điểm hiện nay với sự xuất hiện của các siêu sao như Steph Curry, Damian Lillard, Kyrie Irving hay James Harden.

Họ có một điểm chung: Đều là những tay ném tầm xa và trung bình cự phách, kết hợp với các pha đi bóng đột phá quấy rối hàng thủ đối phương. Họ vẫn có nhiệm vụ điều phối nhịp độ hay kiến tạo cho các đồng đội, nhưng nhiệm vụ hàng đầu của họ vẫn là ghi điểm.

Sự xuất hiện của Step Curry và đội hình small-ball trứ danh của Golden State Warriors đã mở đầu cho trào lưu sử dụng các Sharpshooter Point Guard.

Người nhào nặn một GoldenState cực kỳ đáng sợ và trao cho Curry một vai trò mới không ai khác chính là một Sharpshooter Point Guard ở thập niên 90, đó là huấn luyện viên Steve Kerr.

Curry là tay ném hay nhất lịch sử NBA nhưng anh chỉ thực sự thăng hoa khi chơi ở vị trí Sharpshooter Point Guard. Thiết kế: Bá Đức.
Curry là tay ném hay nhất lịch sử NBA nhưng anh chỉ thực sự thăng hoa khi chơi ở vị trí Sharpshooter Point Guard. Thiết kế: Bá Đức.

Tuy nhiên vẫn có một sự phân hóa trong cách chơi của các PG loại này. Nếu như Curry và Lillard thường xuyên di chuyển không bóng và chờ đợi khoảng trống để nhận bóng nhảy ném thì Harden và Irving vẫn ưa thích cầm bóng trong tay đột phá và dứt điểm bằng những cú nhảy ném hoặc chuyền bóng cho các đồng đội ở vị trí trống trải hơn.

Trước thế hệ Sharpshooter PG hiện nay, NBA cũng từng xuất hiện những Sharpshooter PG cự phách. Có thể kể đến huấn luyện viên của Curry Steve Kerr hay siêu sao Steve Nash trước đây.

3. Slasher Point Guard

Slasher Point Guard cũng là một mẫu hậu vệ dẫn bóng mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây tại NBA. Đây là mẫu hậu vệ cơ bắp có thể hình và thể lực vượt trội so với các PG khác. Họ cũng là những mũi tấn công chính của đội nhà do có thể dễ dàng vượt qua hậu vệ đối phương bằng thể hình cũng như sức mạnh của mình.

Những mẫu PG này có khả năng ghi điểm khá đa dạng. Họ ưa thích đột phá thẳng vào khu vực bảng rổ bằng tốc độ và sức mạnh của mình, qua đó có thể tự mình dứt điểm hoặc lôi kéo các cầu thủ đối phương và tạo ví trí thuận lợi ở vòng ngoài cho các tay ném.

Để đối phó với những PG dạng này, đối thủ thường phải sử dụng các cầu thủ ở vị trí SG hoặc SF để kèm cặp hoặc sử dụng chiến thuật 2 kèm 1 (double team). Đây cũng là mẫu PG khá hiếm bởi vì không phải cầu thủ nào cũng có đủ thể hình và sức mạnh để chơi được ở vị trí này. 

Khó có thể kèm cặp 1 đối 1 với cầu thủ có tốc độ và sức bật như Westbrook.
Khó có thể kèm cặp 1 đối 1 với cầu thủ có tốc độ và sức bật như Westbrook.

Những cầu thủ Slasher Point Guard nổi bật đều là ngôi sao của NBA. Có thể kể đến Derrick Rose, John Wall hay Russel Westbrook.

Đặc biệt ở mùa giải 2016-2017, với việc đẩy Giannis Antetokounmpo ra chơi ở vị trí PG, huấn luyện viên Jason Kidd của Milwaukee Bucks đã tạo ra một tiền lệ vô tiền khoáng hậu khi sử dụng một cầu thủ cao 2m11và sải tay 2m21 chơi ở vị trí này.

4. Defensive PG

Đây là mẫu hậu vệ dẫn bóng cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử NBA trước đây cũng như hiện tại. Các cầu thủ hậu vệ dạng này có khả năng phòng ngự và kèm cặp cực kỳ tốt. Họ có nhiệm vụ chính là đeo bám và kèm cặp các ngôi sao ghi điểm bên phía đối thủ.

Những PG dạng này thường sở hữu thể lực tuyệt vời cũng như khả năng tập trung cao độ trong suốt trận đấu. Trong mặt trận tấn công, họ thường chỉ có những đường chuyền đơn giản cho các cầu thủ có khả năng sáng tạo hoặc ghi điểm tốt hơn. 

Các ngôi sao tấn công luôn cực kỳ khó chịu khi phải đối mặt với mẫu cầu thủ như Gary Payton.
Các ngôi sao tấn công luôn cực kỳ khó chịu khi phải đối mặt với mẫu cầu thủ như Gary Payton.

Đôi khi họ cũng tự mình dứt điểm hoặc đột phá lúc có cơ hội, tuy nhiên nhiệm vụ chính của họ vẫn là phòng ngự mà thôi. Họ cũng chính là khởi đầu cho những đợt phản công của đội nhà nhờ khả năng steal bóng hết sức nhanh nhạy của mình.

Defensive PG nổi tiếng nhất trong lịch sử đương nhiên là Gary “The Glove” Payton. Ở NBA hiện nay vẫn còn một số mẫu PG phòng ngự như Patrick Berverley hay Dante Exum.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm