Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài

thứ năm 7-6-2018 15:40:32 +07:00 0 bình luận
Allen Iverson từng được kỳ vọng vượt qua Michael Jordan. Anh đã có thể trở thành tên tuổi vĩ đại nhất làng bóng rổ thế giới, nếu như không gặp phải những vấn đề rắc rối liên quan đến đời tư của mình.

Sau Michael Jordan, ngôi sao bóng rổ được yêu thích nhất thế giới là Allen Iverson, trong khoảng cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21. Sức ảnh hưởng của "The Answer"¹ đã vượt ra khỏi biên giới nước Mỹ và gần như là không có giới hạn. Phụ nữ thích anh ấy và đàn ông cũng vậy.

Nếu như nghiêm túc với sự nghiệp và may mắn hơn thì Iverson đã có thể đạt tới tầm cao như Michael Jordan, hoặc ít nhất một lần chạm tay vào chức vô địch NBA. Có thể nói Allen Iverson là nỗi tiếc nuối lớn nhất trong lịch sử bóng rổ Mỹ.

Tuổi thơ dữ dội và quá khứ "đen tối"

Allen Iverson lớn lên trong hoàn cảnh không thể nào tệ hơn khi không có nhà cửa, điện nước để sinh hoạt và ăn uống kham khổ. Nhưng bản thân Iverson không xem đó là rào cản và ý thức được rằng đó là số phận của mình.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Iverson phải chứng kiến cha của mình vào tù, ra khám thường xuyên. Năm 13 tuổi, Iverson tận mắt chứng kiến người cha bị cảnh sát bắt khi chỉ vừa mới ra tù không lâu.

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 2.

Nhưng may thay, Iverson có một người mẹ hết sức tuyệt vời, bà Ann. Bà sẵn sàng làm mọi thứ để giúp Iverson có cuộc sống tốt đẹp hơn. Iverson luôn nhận được sự ủng hộ từ người mẹ khi "có thể trở thành bất cứ thứ gì mình muốn".

Tuy sống trong những con phố ngập tràn tệ nạn với ma túy và tội phạm, nhưng Allen Iverson luôn nhắc nhở bản thân không được sa ngã vào con đường tội lỗi như người cha của mình. Allen Iverson gặp rất nhiều khó khăn khi phải sống trong hoàn cảnh ấy và từng thừa nhận rằng "việc phải chứng kiến những điều xấu xa xảy ra xung quanh mình là một điều khủng khiếp".

Những đứa trẻ cùng trang lứa khi ấy rủ rê Iverson hút Cocaine, nhưng Iverson nhiều lần đáp lại rằng chỉ muốn "trở thành cầu thủ NBA" và "trở thành vận động viên bóng bầu dục chuyên nghiệp". Chính nghị lực được truyền từ người mẹ giỏi giang cùng ước mơ cháy bỏng từ thuở bé, Iverson đã không mấy khó khăn để vượt qua những cám dỗ.

Người thầy lớn nhất cuộc đời

"Tài năng chỉ chiếm 1% và 99% còn lại đến từ khổ luyện", Allen Iverson có đầy đủ cả hai. Tài năng thiên phú giúp Iverson tạo dấu ấn ở những giải đấu học đường, đặc biệt hơn là ở cả hai môn bóng rổ và bóng bầu dục. Thế nhưng, khi bắt đầu có được những thành công nhỏ nhoi thì Iverson lại bỏ học để tham gia vào những việc không đúng đắn ngoài xã hội.

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 3.

Cũng chính trong khoảng thời gian này, Iverson gặp được người đã giúp cuộc đời mình rẽ sang một hướng đi mới. Đó là Gary Moore, người thầy đầu tiên và cũng là người quản lý của Iverson sau này. Nhận thấy phải làm nhiều hơn so với trách nhiệm của một người huấn luyện viên, Gary Moore đã mang Iverson về nhà để nuôi nấng, dạy dỗ và kéo anh ấy trở lại đúng với đam mê của mình.

Có thể nói, nếu không có Gary Moore thì Allen Iverson đã có thể trở thành một kẻ nghiện ngập và làm những điều sai trái. Bản thân Iverson cũng từng nói rằng: "Mặc cho không có quan hệ máu mủ, nhưng tôi cảm nhận được ông [Moore] yêu thương tôi".

Được soi đường dẫn lối từ một người thầy có thừa kinh nghiệm và hiểu biết về cuộc sống cũng như thể thao, Iverson bắt đầu tỏa sáng mạnh mẽ ở cấp độ thể thao học đường từ bóng rổ cho tới bóng bầu dục. 

Anh giành được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất ở cả bóng rổ lẫn bóng bầu dục. Iverson còn giúp đội bóng rổ của trường mình giành chức vô địch Virginia lứa tuổi học sinh. Những điều đó giúp Iverson đã trở thành cái tên nổi tiếng bậc nhất bang Virginia khi chưa đầy 18 tuổi.

Nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc

Khi đang có một tương lai đầy rộng mở ở phía trước, Allen Iverson từ một thiên thần đã bị ném thẳng xuống địa ngục bởi một vụ án liên quan đến vấn đề màu da. Anh vướng vào cuộc ẩu đả liên quan giữa một nhóm người da trắng và nhóm người da đen bạn mình ở một CLB Bowling.

Sau những lời nói qua lại giữa đôi bên, sàn Bowling đã nhanh chóng tan hoang bởi cuộc hỗn chiến. Lúc đó, vấn nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn là căn bệnh nhức nhối mà nước Mỹ chưa thể giải quyết được.

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 4.

Vụ xung đột đó suýt chút nữa đã cướp đi tương lai tươi sáng của Iverson. Chàng trai trẻ Iverson lập tức bị bắt giam ngay sau cuộc ẩu đả. Iverson bị kết tội cố ý gây thương tích và nhận án phạt 5 năm tù giam.

Nhưng may thay, chỉ vài tháng sau, Allen Iverson đã được trả lại công bằng. Iverson được trả tự do sau khi được cơ quan pháp luật xem xét lại và chứng minh anh vô tội. Ngay lập tức ngôi sao bóng rổ trung học một thời được đại học Georgetown tuyển mộ nhằm chuẩn bị cho mùa giải NCAA 1 sắp diễn ra. HLV của Georgetown trong thời điểm đó là ông John Thompson, người mà sau này Allen Iverson đã nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn. Iverson trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói rằng chính HLV Thompson "đã cứu vớt cuộc đời mình".

NBA - Giấc mơ thành sự thật

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 5.

Đáp lại niềm tin từ HLV John Thompson, Allen Iverson ngay lập tức trở thành đầu tàu dẫn dắt đại học Georgetown trở thành một thế lực ở NCAA trong 2 năm liên tiếp. Cũng trong 2 năm ở Georgetown, Iverson là cây ghi điểm hàng đầu NCAA.

Chính màn thể hiện không thể tuyệt vời hơn này giúp Iverson tự tin đăng ký tham dự NBA Draft 1996. Philadelphia 76ers với quyền lựa chọn đầu tiên trong năm đó đã quyết định mang về Allen Iverson. Cựu chủ tịch 76ers, Pat Croce sau này tiết lộ rằng "tất cả mọi người ở đội bóng đều muốn chọn Allen Iverson". Vị cựu chủ tịch 76ers còn nói rằng ông chọn Iverson là vì anh là "một tay ghi điểm và một chiến binh".

Giấc mơ của Allen Iverson trở thành sự thật...

...và NBA đón nhận một tân binh có thân bình nhỏ bé nhưng bên trong là một tầm vóc vĩ đại.

Allen Iverson ngay lập tức giành được danh hiệu Rookie of the Year năm 1997² và dĩ nhiên nằm trong đội hình tân binh xuất sắc nhất năm.

The King of the CROSSOVER

Crossover là tuyệt chiêu đánh lừa người phòng ngự và không khó với nhiều ngôi sao NBA, nhưng Allen Iverson đã nâng nó lên một tầm cao mới để rồi được phong danh hiệu "The King of the CROSSOVER³". Cho đến hiện tại, Allen Iverson vẫn là cầu thủ hiếm hoi đem được thần thái và khí chất của riêng mình vào trong từng pha crossover...

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 6.

Ngay trong mùa giải đầu tiên của Allen Iverson, huyền thoại Michael Jordan lập tức trở thành nạn nhân của độc chiêu này. Phải nói thêm rằng Michael Jordan tuy nổi tiếng ở khả năng ghi điểm "quỷ khóc, thần sầu" nhưng cũng có khả năng phòng ngự rất khó chịu ở NBA trong thời điểm đó.

Và pha crossver của Allen Iverson trước Michael Jordan hoàn hảo tới mức trở thành hình mẫu cho rất nhiều ngôi sao ở NBA sau này noi theo. Pha bóng này giúp Allen Iverson xuất hiện trên các tờ báo lớn ở khắp nước Mỹ khi đó.

Nhà truyền giáo văn hóa hiphop vào NBA

Thời điểm cuối những năm 90, hiphop rất phát triển trên thế giới, nhưng tuyệt nhiên chưa xuất hiện ở NBA. Allen Iverson là cầu thủ đầu tiên dám thể hiện phong cách hiphop trên sân bóng, để rồi rất nhiều cầu thủ sau này bắt chước theo.

Iverson là một nhà truyền giáo hiphop đúng nghĩa với NBA. Những hình xăm, kiểu tóc bím dreadlocks và trang sức là điều mà bất cứ cầu thủ nào cũng muốn thể hiện khi chơi bóng, nhưng khi đó không một ai dám làm.

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 7.

Chính cái chất ngông và sự táo bạo có được trong khoảng thời gian niên thiếu sống ở những khu ổ chuột đã giúp Allen Iverson có tự tin làm điều này. Đối với Iverson, thể thao cũng như cuộc sống và không có lí do gì để chúng tách biệt riêng lẻ.

Allen Iverson đã tạo nên những thế hệ vận động viên dám thể hiện những gì mình muốn. Người thầy đầu tiên Gary Moore từng nói rằng Iverson "có tầm ảnh hướng lớn như Martin Luther King Jr.™"

Vị vua không ngai

Tuy tài năng là thế nhưng Allen Iverson chưa bao giờ cùng với đội bóng của mình giành được chức vô địch NBA. Trong mùa giải 2000-01, Allen Iverson dẫn dắt Philadelphia 76ers vào tới loạt trận Finals, nhưng lại thất bại chóng vánh 4-1 trước Los Angeles Lakers khi đó quá mạnh với bộ đôi Kobe Bryant, Shaquille O'Neal cùng dàn cầu thủ chất lượng trên băng ghế dự bị. Niềm an ủi duy nhất với Allen Iverson là danh hiệu MVP mùa giải trong cùng năm. Đó cũng chính là mùa giải duy nhất mà Iverson cùng với 76ers góp mặt ở NBA Finals.

Những năm sau đó, Iverson vẫn là đầu tàu ở 76ers với trung bình xấp xỉ 30 điểm mỗi mùa giải. Nhưng khi mà chức vô địch NBA vẫn mãi trốn tránh Iverson thì rắc rối lại ập đến. Những vấn đề liên quan đến bạo hành gia đình khiến cho hình ảnh của ngôi sao 76ers xấu đi trong mắt người hâm mộ. Cùng với những chấn thương xảy ra liên miên, Allen Iverson bắt đầu bước vào phía bên kia sườn dốc sự nghiệp.

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 8.

Kể từ 2006, Allen Iverson lần lượt lưu lạc đến những câu lạc bộ như Denver Nuggets, Detroit Pistons và Memphis Grizzlies nhưng thành công đã không trở lại với anh. Chấn thương, lối sống buông thả và chểnh mảng tập luyện đã khiến cho các câu lạc bộ không muốn ký hợp đồng với Iverson. Sau này, Iverson kể lại rằng câu hỏi "có câu lạc bộ nào muốn ký hợp đồng với mình không?" khi thức dậy mỗi sáng gần như giết chết anh.

Đau lòng khi chứng kiến ngôi sao một thời của mình phải sống trong tình trạng thất nghiệp, 76ers quyết định chào đón đứa con lưu lạc Allen Iverson trở về vào năm 2009. Nhưng vì những lý do đến từ gia đình, Iverson chỉ thi đấu cho 76ers được 25 trận và không bao giờ xuất hiện ở NBA thêm một lần nào nữa.

Giải nghệ và huyền thoại

Tháng 10 năm 2013, Allen Iverson đã khóc trong một cuộc họp báo và chính thức tuyên bố giải nghệ. "The Answer" giải thích lý do cho quyết định này là vì "không còn động lực với bóng rổ".

Allen Iverson: Bi kịch của một thiên tài - Ảnh 9.

Ngày 1 tháng 3 năm 2014, 76ers chính thức cất giữ vĩnh viễn chiếc áo số 3 của Allen Iverson thông qua buổi lễ đặc biệt trước khi trận đấu với Washington Wizards diễn ra. 

Sẽ không có bất cứ cầu thủ nào sau này của 76ers được quyền mặc chiếc áo số 3. Hơn 20.000 khán giả đã phủ kín sân vận động Wells Fargo Center trong sự kiện đặc biệt này.

Năm 2016, Allen Iverson cùng với Shaquille O'Neal và Yao Ming chính thức được lưu danh mãi mãi vào ngôi đền bóng rổ huyền thoại Hall of Fame.

1
1
2
2
3
3
4
4
allen-iverson-michael-jordan-crossover-interview-video
allen-iverson-michael-jordan-crossover-interview-video

¹ "The Answer": Biệt danh của Allen Iverson

² Rookie of the Year: Danh hiệu dành cho tân binh xuất sắc nhất mỗi mùa giải.

³ "The King of the CROSSOVER: Ông Vua của những pha lừa bóng qua người.

™ Martin Luther King Jr.: Nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ, ông là người da đen và đã bị ám sát tại Memphis, Tennessee vào ngày 4 tháng 4 năm 1968.

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm