NBA trong quá khứ có rất nhiều điều thú vị và không nhiều người yêu bóng rổ ngày nay biết đến. Hãy cùng tìm hiểu xem cầu thủ All-Star nào đã suýt không được tham gia thi đấu ở cấp độ trung học, Michael Jordan mê tín đến mức độ nào và cầu thủ nào cao nhất hay thấp nhất trong lịch sử NBA.
1. Michael Jordan không phải là người được chọn đầu tiên tại NBA Draft 1984
Huyền thoại bóng rổ tại NBA Michael Jordan chỉ là người được chọn thứ 3 tại kỳ NBA Draft này. Trước lượt ông được chọn, Houston Rockets đã chọn một huyền thoại khác là Hakeem Olajuwon ở lượt đầu tiên và Portland Trail Blazers đã chọn Sam Bowie ở lượt thứ hai.
Sam Bowie thi đấu không thực sự nổi bật trong sự nghiệp 11 mùa giải của mình, còn Hakeem Olajuwon là một huyền thoại được bước vào Sảnh danh vọng của NBA. Nhưng cả hai cầu thủ này đều không thể sánh bằng với “His Airness” Michael Jordan.
2. Muggsy Bogues là cầu thủ có chiều cao thấp nhất tại NBA với chỉ 1m60
Mặc dù chỉ sở hữu chiều cao 1m60, tuy nhiên Muggsy Bogues vẫn được chọn ở lượt thứ 12 tại vòng 1 NBA Draft 1987. Có một điều còn thú vị hơn, Muggsy Bogues lại có cơ hội được thi đấu cùng với cầu thủ có chiều cao tốt nhất trong lịch sử NBA.
Manute Bol, một trung phong cao nhất lịch sử NBA với chiều cao lên đến 2m31 đã từng có 1 mùa giải thi đấu cùng Muggsy Bogues, tạo nên một hình ảnh vô cùng độc đáo và có lẽ là có 1-0-2 trong lịch sử NBA.
3. Cầu thủ có chiều cao tốt nhất NBA là ai?
Đã từng có thời gian, một cuộc tranh luận cực kỳ gay gắt đã diễn ra về việc ai mới thực sự là cầu thủ cao nhất trong lịch sử. Bên cạnh Manute Bol (2m31 - 7’7”), một cầu thủ khác cũng có chiều cao tương đương là Gheorge Muresan, một trung phong đến từ Rô-ma-nia (Romania). Thực chất cả hai cầu thủ này đều sở hữu chiều cao 2m31.
Có một sự trùng hợp thú vị là Gheorge Muresan cũng chơi cho chính đội bóng Washington Bullets, đội bóng sở hữu “đôi đũa lệch” Manute Bol và Muggsy Bogues. Tuy nhiên Muresan thi đấu ở những năm 1994-1997, khoảng 7 năm sau mùa giải Manute và Muggsy cùng thi đấu cho Bullets.
4. Sự mê tín kỳ dị của Michael Jordan
Michael Jordan thời còn thi đấu cho UNC Tar Heels tại cấp độ NCAA đã đưa đội bóng đến danh hiệu vô địch quốc gia năm 1982. Kể từ đó, ông đã giữ lại chiếc quần thi đấu, nghĩ rằng đây là chiếc quần may mắn của mình và luôn mặc lại nó trong khi thi đấu.
Bước lên cấp độ NBA, Michael Jordan vẫn giữ suy nghĩ này và luôn mặc chiếc quần ấy bên trong quần đồng phục bình thường của Chicago Bulls. Tuy nhiên ở thời điểm đó, quần đồng phục thi đấu của NBA khá ngắn. Do đó ông đã yêu cầu được có 1 chiếc quần Bulls dài hơn nhằm che đi chiếc quần UNC ông mặc bên trong.
Một cách đầy vô tình, phong trào mặc quần thi đấu có độ dài đến ngang đầu gối đã được dựng nên bởi Jordan và còn lưu giữ đến tận ngày hôm nay.
5. Wilt Chamberlain từng chơi bóng rổ biểu diễn trước khi đến với NBA
Huyền thoại ghi 100 điểm trong 1 trận đấu, Wilt Chamberlain đã có một sự nghiệp lẫy lừng tại NBA. Thế nhưng ít ai biết rằng, ông đã từng là thành viên của đội bóng rổ nghệ thuật Harlem Globetrotters trong 1 mùa giải.
Wilt Chamberlain đã từng muốn bỏ học trung học để thi đấu bóng rổ chuyên nghiệp, tuy nhiên tại thời điểm đó, chỉ có các cầu thủ đã tốt nghiệp trung học hoặc đã từng thi đấu chuyên nghiệp mới có thể thi đấu tại NBA. Vì vậy, Wilt đã bỏ ra một mùa giải để tham gia vào Harlem Globetrotters trước khi chính thức góp mặt tại NBA Draft.
Sau khi đạt được mục tiêu vào NBA, Wilt Chamberlain đã ngay lập tức giành danh hiệu Rookie of the Year khi ghi trung bình đến 36,7 điểm/trận. Sau 14 năm thi đấu, Wilt Chamberlain đã xô đổ vô số kỷ lục, đạt được hàng chục danh hiệu, có trận đấu kỷ lục ghi 100 điểm và được vinh danh tại Sảnh danh vọng Naismith của NBA.
6. Huyền thoại Charles Barkley từng bị xem thường ở cấp độ trung học
11 lần vào đội hình All-Star, 11 lần vào đội hình tiêu biểu All-NBA, là một trong những tân binh xuất sắc nhất và sở hữu 1 danh hiệu MVP, thế nhưng Charles Barkley từng bị Huấn luyện viên thời trung học xem thường một cách thậm tệ.
Barkley thậm chí còn không được vào đội tuyển bóng rổ của trường trong năm đầu tiên học trung học. Đến năm tiếp theo, ông vào được đội tuyển nhưng phải ngồi dự bị gần như suốt giải. Chỉ đến khi bỗng dưng, Charles Barkley “nhổ giò” từ 1m77 lên thành 1m94, ông mới được cho ra sân và sau một thời gian đấu tranh, cuối cùng ông đã có được vị trí trong đội hình xuất phát.
Có lẽ những vị huấn luyện viên thời xưa không thấy được tiềm năng trở thành một All-Star tại NBA của Charles Barkley.
7. New York Knicks và Boston Celtics là hai đội bóng duy nhất còn sót lại từ kỷ nguyên đầu NBA
Cái tên NBA chính thức được tạo nên vào năm 1950 khi giải đấu tiền thân là BAA (Basketball Association America) kết hợp cùng giải nhà nghề NBL (National Basketball League).
Khi đó, NBA chỉ có 8 đội bóng là New York Knicks, Boston Celtics, Philadelphia Warriors (Golden State Warriors), Minneapolis Lakers (Los Angeles Lakers), Rochester Royals (Sacramento Kings), Fort Wayne Pistons (Detroit Pistons), Tri-Cities Blackhawks (Atlanta Hawks) và Syracuse Nationals (Philadelphia 76ers).
Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có New York Knicks và Boston Celtics là hai đội bóng được giữ nguyên từ thời kỳ đầu NBA đến nay. Tất cả các đội bóng còn lại đều đã bị đổi chủ, đổi thành phố, sang nhượng hoặc đã giải thể.
8. 19-18 từng là tỷ số của một trận đấu tại NBA
Chỉ có tổng cộng 37 điểm ghi được bởi cả hai đội Fort Wayne Pistons (tiền thân của Detroit Pistons) và Minneapolis Lakers (Los Angeles Lakers) trong một trận đấu diễn ra vào năm 1950. Bài báo tường thuật lại trận đấu này đã gọi nó là “Slow-motion Basketball - Một trận đấu diễn ra như một bộ phim quay chậm vậy”.
9. Sự ra đời của đồng hồ ném rổ (Shot Clock) và vòng 3 điểm
Để tránh những trận đấu mà cả hai đội chỉ ghi được tổng cộng 37 điểm, con số mà 1 đội có thể ghi được trong 1 hiệp ngày nay, đồng hồ ném rổ (Shot Clock - đồng hồ 24 giây) đã chính thức được ra đời vào năm 1954.
Sự ra đời của Shot Clock này được xem là một “vị cứu tinh” cho giải bóng rổ NBA và giúp các trận đấu diễn ra nhanh hơn, kịch tính hơn. Để kỷ niệm sự ra đời này, người ta thậm chí còn làm một tượng đài nhỏ đặt ở bên ngoài Syracuse.
Sau khi Shot Clock xuất hiện, trận đấu ghi điểm thấp nhất từ đó đến nay là 62-57, diễn ra vào năm 1955. Hai đội là Boston Celtics và Milwaukee Heat đã ghi được tổng cộng 119 điểm, một con số quá khác biệt so với 37 điểm khi chưa có đồng hồ 24 giây.
Vòng 3 điểm đã từng được thử nghiệm từ năm 1945 ở hệ thống giải đấu đại học NCAA, tuy nhiên chúng không được tiếp tục sử dụng hay công nhận từ những hệ thống giải nhà nghề lớn. Đến tận những năm 1960, một số giải nhà nghề nhỏ tại Mỹ mới chính thức sử dụng vòng 3 điểm.
Tuy nhiên phải đến mùa giải 1979-80, NBA mới chính thức đưa vòng 3 điểm vào các trận đấu trong mùa giải chính thức. Chris Ford, cầu thủ của Boston Celtics đã trở thành người đầu tiên ghi được một quả 3 điểm trong lịch sử NBA. 5 năm sau khi NBA thực hiện điều này, FIBA cũng chính thức đưa vòng 3 điểm vào luật của mình cho các giải đấu quốc tế.
10. Bảng rổ đầu tiên bị vỡ tại NBA không phải xuất phát từ một cú úp rổ
Shattered Backboard - Thuật ngữ chỉ bảng rổ bị vỡ nát thường được dùng khi có một cầu thủ nào đó úp rổ quá mạnh và khiến phần bảng rổ hoặc vành rổ bị gãy nát. Shaquille O’Neal là người quen với những điều này nhất khi anh đã phá không biết bao nhiêu là bảng rổ tại NBA.
Thế nhưng trong lịch sử, bảng rổ đầu tiên bị phá nát lại không phải đến từ một pha úp rổ mà chỉ từ một phá ném rổ rất bình thường. Năm 1946, cầu thủ của Boston Celtics là Chuck Connors đã làm bảng rổ vỡ tan khi đang ném khởi động trước trận đấu. Nguyên nhân là do một nhân viên đã quên gắn đệm bảo vệ giữa vành rổ và bảng, khiến cho bảng bị vỡ một cách dễ dàng.
Nhân dịp nhắc đến bảng rổ bị vỡ. Trong một trận đấu năm 1970, Charlie Hentz đã làm vỡ bảng rổ đến 2 lần bằng pha úp rổ thần sầu. Vì trong sân không còn một bảng rổ nào khác để thay thế, trận đấu đã buộc phải tạm ngưng và chuyển sang thi đấu vào một ngày khác.