Bất chấp sự thay đổi của thời đại, Muay Thái phát triển toàn thế giới vẫn giữ được văn hóa truyền thống, bao gồm cả nhưng tín ngưỡng cổ truyền mà người phương Tây vẫn hay chê là... mê tín.
Chứng minh lòng can đảm bằng cách... viếng nghĩa địa?
Cũng giống như người Việt, văn hóa Thái Lan tin vào sự sống của linh hồn sau cái chết, bao gồm cả người lương thiện và quỷ dữ.
Võ sĩ Muay Thái cổ truyền cho rằng bản lĩnh và uy linh thần khí toát ra từ người họ sau thời gian dài tập luyện sẽ có thể áp chế kẻ thù và khiến chúng run sợ. Theo phong tục Muay Thái, trước khi nhập môn họ phải đến những nghĩa địa rộng lớn để đối diện với ma quỷ.
Võ sĩ Muay Thái luôn tin rằng tâm hồn và bản lĩnh của họ luôn có sự gắn kết với thiên nhiên và thế giới tâm linh.
Họ ngồi đó thiền định, suy ngẫm cả đêm với lòng tin rằng cách này sẽ cho họ thêm sức mạnh, can đảm, vì khi họ đã dám bình tâm ngồi giữa ma quỷ thì họ cũng sẽ sẵn sàng đối mặt với con người.
Tuy vậy, tập tục này không còn tồn tại, trừ một số lò Muay theo kiểu cổ điển rải rác ở miền bắc Thái Lan.
Ram Muay và Waikru
Phong tục Muay Thái mà ngày nay người Việt hay gọi chung là "se đài" thực ra có đến 2 phần là Ram Muay (bài múa khởi động) và Waikru (quỳ bái tổ).
Ram Muay có thể xem như "bài quyền" của Muay Thái, bao gồm các động tác được sắp xếp thứ tự chuẩn mực và không thay đổi mấy sau nhiều thời đại. Những bài Ram Muay phổ biến mô phỏng động tác của con gà trống, thợ săn, chiến binh hoặc nông dân để tưởng nhớ về lịch sử và văn hóa Thái Lan.
Những bài Ram Muay cổ ddiển không bị thay đổi nhiều theo thời gian.
Waikru chỉ đơn giản là quỳ và cúi lạy 3 cái về hướng của quê nhà hoặc lò võ nơi anh ta đang theo học để cảm ơn công ơn sinh thành, dạy dỗ của người và của các Thần.
Vòng đeo đầu (Mongkon) và bắp tay (Paprajiat)
Mongkon là một loại vòng đeo trên đầu của các võ sĩ Muay Thái và được xem như thứ tượng trưng cho linh hồn, bản lĩnh và danh dự của võ sĩ ấy. Chiếc vòng đầu này thiêng liêng tới mức các võ sĩ chỉ được đeo khi thực hiện Ram Muay và Waikru, không được chui qua dây đài hay để Mongkon rơi xuống đất.
Mongkon, Paprajiat và Pongmalai
Nhiều võ sĩ ngày nay vẫn giữ vững phong tục Muay Thái cổ truyền: không được tự chạm tay vào Mongkon mà phải để thầy dạy thay mình đeo, tháo bỏ và cất giữ nó. Khi không thi đấu, Mongkon phải được treo hoặc để ở những nơi trang trọng.
Khác với Mongkon vòng paprajiat được các đấu sĩ đeo trên bắp tay suốt trận đấu. Nếu như Mongkon là do "sư phụ" làm cho thì paprajiat là bùa may mắn đến từ người thân trong gia đình hoặc xin từ các sư thầy đạo Phật.
Ngoài ra, trước các trận đấu, các võ sĩ có thể đeo vòng hoa pongmalai - thứ được làm bởi bạn bè hoặc người hâm mộ của võ sĩ.