Dù thua, võ sư đại diện Bát Quái Chưởng cũng không làm xấu mặt võ cổ truyền, bởi đối thủ của ông là một võ sĩ có danh.
Đầu tuần qua, một võ sư đại diện Bát Quái Chưởng khoảng 50 tuổi đã đến "đá quán" câu lạc bộ MMA Hangdong Ye International Fight Club tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Nhận lời thách đấu, câu lạc bộ đưa một võ sĩ MMA gốc Tán thủ tên Đổng Kiện lên thượng đài.
Clip võ sư Bát Quái Chưởng vs. MMA Đổng Kiện:
Trong đoạn clip, trọng tài đã nói rõ ngay từ đầu rằng trận đấu không được đánh vào yết hầu và cạnh cổ (cảnh bộ). Ngoại trừ việc võ sư Bát Quái Chưởng chưa rõ tên yêu cầu bỏ găng tay để không ảnh hưởng đến khả năng phát huy, hai võ sĩ mặc đủ dụng cụ bảo hộ hạ bộ và cẳng chân (shin guard).
Trận đấu bao gồm hai hiệp. Hiệp đầu, hai võ sĩ tỏ ra khá cẩn thận. Chủ nhà Đổng Kiện tấn công trước với một cú spinning back kick. Võ sư Bát Quái Chưởng rất nhanh bắt được chân Đổng Kiện, lao lên ôm để chặn thế tấn công của võ sĩ chủ nhà, định quật Đổng Kiện xuống sàn nhưng không thành công. Đổng Kiện nhanh chóng thoát ra, trả đòn với một cú móc phải.
Sang hiệp 2, Đổng Kiện vẫn là người chủ động lao lên tấn công. Võ sư Bát Quái Chưởng có lẽ định đẩy cổ tay và lặp lại việc đưa đối thủ vào thế ôm khóa như hiệp 1. Tuy nhiên võ sĩ chủ nhà Đổng Kiện không để ý đến điều đó mà chỉ nỗ lực dồn lên tấn công. Sau một combo 7 đòn, cuối cùng thì võ sư Bát Quái Chưởng cũng gục ngã và nhận thua.
Tuy nhiên, khác với trận đấu Ngụy Lôi vs. Từ Hiểu Đông diễn ra trước đó kết thúc trong không vui, võ sư Bát Quái Chưởng không chỉ không viện cớ gì để bào chữa cho trận thua, mà còn ở lại vào trao đổi khá vui vẻ với các đại diện của chủ nhà.
Nhiều khán giả trên mạng xã hội lập tức nhận ra danh tính của võ sĩ chủ nhà Đổng Kiện - một gương mặt không mới của làng Kickboxing - MMA Trung Quốc. Đổng Kiện bắt đầu có mặt trên sàn đấu từ năm 2015, vô địch giải trẻ Muay Thái cấp quốc gia Trung Hoa Cẩm tiêu và giải Kickboxing bán chuyên Cộng tín Doanh bôi ở hạng 60kg vào năm 2016.
Mang ước mơ đại diện Trung Quốc thi đấu ở các võ đài MMA quốc tế, chàng trai trẻ Đổng Kiện cho biết anh từng học cả Tán thủ, Muay Thái lẫn Brazilian Jiu-Jitsu. Đổng Kiện cũng mộc mạc thừa nhận rằng anh rất thích MMA, tuy nhiên không có bao nhiêu trung tâm huấn luyện MMA chuyên nghiệp tại Trung Quốc nên Đổng Kiện đã phải tự mày mò khá nhiều.
Đây cũng là căn bệnh chung của khá nhiều nơi dạy MMA tại quốc gia đông dân nhất thế giới, dù các trung tâm MMA đang mọc lên như nấm sau mưa ở các thành phố lớn.
Nhận xét việc mở rộng MMA tại Trung Quốc là "không dễ dàng gì", cựu võ sĩ Bellator Vaughn Anderson, bình luận viên của giải Legend FC, một trong những HLV MMA chuyên nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc, phàn nàn:
"Điều tốt khi dạy MMA ở Trung Quốc là việc quốc gia này khá tôn trọng người học võ. Còn thách thức, là cái bóng quá lớn của Wushu và Tán thủ," Vaughn Anderson kể lại. "Ngày trước, có rất nhiều người liên hệ với chúng tôi vì tưởng MMA cũng là một thể loại Tán thủ nữa kia."
Cũng theo HLV Vaugh Anderson, những trường hợp võ sĩ có gốc Tán thủ, sau đó học thêm các yếu tố khác: Muay Thái, Vật, BJJ,... để phục vụ mục tiêu thi đấu MMA/ Kickboxing như Đổng Kiện không phải thiếu. Một trong những tấm gương xuất sắc đem Tán thủ vào MMA mà Anderson rất hâm mộ là võ sĩ gốc Việt Cung Lê.
Clip HLV Vaugh Anderson hướng dẫn học viên MMA tại Đại học Thể thao Tây An:
"Công việc của tôi tại Đại học Thể thao Tây An có rất nhiều là bổ sung những gì còn thiếu cho các võ sĩ Tán thủ để họ bước vào thi đấu MMA," Anderson cho biết.
"Điều đó bao gồm các kỹ thuật vật, Brazilian Jiu-Jitsu, Muay Thái, Boxing, các tiểu xảo khi thi đấu trong lồng, vân vân... Nói chung, về lâu dài, tôi thấy lạc quan bởi tinh thần thượng võ của nhiều bạn trẻ, nhất là với sự thành công của Tán thủ - môn võ đã dẹp bớt ảnh hưởng của các yếu tố truyền thống tại Trung Quốc."