Hầu hết những HLV huyền thoại trong làng võ đều xuất thân từ võ sĩ, nhưng không phải võ sĩ giỏi. Ngược lại cũng vậy, các võ sĩ chuyên nghiệp khó trở thành HLV giỏi. Vì sao lại có nghịch lý ấy?
Như một lời nguyền, võ sĩ và HLV ở các bộ môn võ thuật đối kháng tuy luôn bên cạnh nhau nhưng lại thuộc về hai số phận khác biệt. Một võ sĩ chuyên nghiệp rất khó trở thành HLV tốt, và ngược lại.
Nhưng nghịch lý này không hề khó giải thích như người ta vẫn tưởng.
Hầu hết những HLV huyền thoại trong làng võ đều xuất thân từ võ sĩ, nhưng không phải võ sĩ giỏi. Ngược lại cũng vậy, các võ sĩ chuyên nghiệp khó trở thành HLV giỏi.
Võ sĩ chỉ đi theo một trường phái
Để thành công vượt trội, một võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp, võ tổng hợp MMA hay Kickboxing, Muay Thái... đều phải tìm ra lối đánh bản năng của mình và bồi đắp nó. Võ sĩ chuyên nghiệp không có thời quan để tập luyện nhiều trường phái, trừ khi anh ta muốn mãi mãi quẩn quanh ở trình độ nghiệp dư.
Các HLV võ thuật đối kháng thì ngược lại. HLV có thể phải dạy nhiều võ sĩ ở các trường phái khác nhau, và giúp các võ sĩ đó tìm cách đối phó với nhiều kiểu đối thủ đa dạng.
Freddie Roach được tôn vinh là HLV huyền thoại của làng Quyền Anh vì có thể thích nghi với các học trò siêu sao ở nhiều trường phái khác nhau như Manny Pacquiao, Miguel Cotto, Julio César Chávez Jr hay Amir Khan
Võ sĩ chuyên nghiệp thường có lựa chọn tốt hơn
Kết thúc sự nghiệp võ thuật đối kháng, không phải bất cứ võ sĩ chuyên nghiệp nào cũng sẽ thành triệu phú, đặc biệt là với những tên tuổi thuộc về làng Quyền Anh chuyên nghiệp và MMA.
Đã dư tiền thì sao không "quậy" như một doanh nhân mà lại phải cặm cụi cầm pad cho học trò?
Tuy vậy, tài chính và độ nổi tiếng của họ vẫn đủ để giúp ích trong một lĩnh vực khác.
Tùy vào vốn và mức độ ảnh hưởng, họ có thể trở thành ông bầu Quyền Anh như Oscar de la Hoya, làm diễn viên - diễn thuyết gia như Mike Tyson, hay sở hữu những thương hiệu kinh doanh như Floyd Mayweather và Conor McGregor.
Dù có giải nghệ ngay hôm nay, Conor McGregor vẫn thoải mái vì đã ôm cục tiền khổng lồ và thương hiệu rượu Whishkey Proper No. Twelve
Rõ ràng, với bằng ấy tài chính, họ không nhất thiết phải trở thành HLV - một nghề trầm lặng và không có nhiều triển vọng.
Nghề HLV, nếu muốn nổi danh và kiếm được, còn phải phụ thuộc nhiều vào những yếu tố "hên xui". Ví dụ như việc thiên tài Mike Tyson một ngày đẹp trời đến gặp HLV Cus D'Amato hay việc Freddie Roach vô tình gặp gỡ tay đấm mới nổi Manny Pacquiao vậy.
Sự khác biệt về mặt tâm lý
Ở bất cứ bộ môn nào, từ võ tổng hợp cho đến những võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp, các võ sĩ có thể ví như những người lính. Họ nhận lệnh và thực hiện chính xác điều đó, từ số lượng bài phải thực hiện, những viên thuốc phải uống và số thực phẩm không được đụng tới.
Huyền thoại MMA Anderson Silva từng thừa nhận: "Nếu HLV đưa cho tôi một viên thuốc, tôi sẽ uống và không cần hỏi đó là gì".
Việc đó diễn ra 6 tiếng một ngày, 6 ngày mỗi tuần trong nhiều năm và hình thành tâm lý phục tùng tuyệt đối của các võ sĩ chuyên nghiệp. Họ có thể "quậy" trên bàn họp báo nhưng thường cực kỳ "ngoan" tại phòng tập.
Các HLV thì ngược lại. Họ là những người quyết định sự thành bại của học trò thông qua cách lựa chọn bài tập, đấu pháp. Những người thầy của võ thuật đối kháng cần cái tôi, sự độc lập và thậm chí bảo thủ một chút với quyết định của mình. Đó là tâm lý hoàn toàn đi ngược với giới võ sĩ chuyên nghiệp.