Dù có tính chất kỹ thuật không khác nhau quá nhiều nhưng Kickboxing và Muay Thái lại đang ở những vị trí rất xa nhau trên cuộc chạy đua thị trường võ thuật đối kháng. Vì sao?
Đầu tiên phải khẳng định rằng Kickboxing không kém phát triển. Nhưng dựa trên những bằng chứng dễ nhận thấy như độ phổ biến, sức ảnh hưởng truyền thông, số lượng giải đấu, số các võ sĩ nổi tiếng..., ta dễ nhận ra là Muay Thái đã bùng nổ quá nhanh trong chỉ vài chục năm qua và chính thức vượt mặt Kickboxing trong cuộc chạy đua thị trường võ thuật đối kháng.
Sau đây là những lý do tiêu biểu:
Lịch sử
Xét trên khía cạnh lịch sử thì Kickboxing là "đàn em" của Muay Thái trong làng võ thuật đối kháng.
Khi Kickboxing đang mới có những mầm mống hình thành đầu tiên ở Nhật Bản thì Muay đã bắt đầu được những thương nhân phương Tây biết đến qua nhiều trận thách đấu.
Khi Kickboxing bước vào giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật (hệ đòn đá thấp và các đòn đầu gối) thì Muay Thái đã hình thành nên thế giới của riêng mình trong làng võ thuật đối kháng.
Rick Roufus (Mỹ) và Changpuek Kietsongrit (Thái Lan) - một trong những cuộc đối đầu kinh điển nhất giữa hai thế lực Kickboxing và Muay Thái
Thiếu tính thống nhất
Kickboxing sở hữu nhiều tổ chức quản lý ở tầm quốc tế như WAKO (bán chuyên), WBC (chuyên nghiệp) và hàng chục tổ chức giải đấu. Tuy vậy, các tổ chức này khá chia rẽ và không tạo được nguồn lực hỗ trợ phát triển mạnh như Muay Thái.
Muay Thái thì có hệ thống tổ chức khá phức tạp nhưng phần lớn nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Thái Lan, đảm bảo tính thống nhất cao độ và dễ dàng thực hiện các ý đồ phát triển.
Muay Thái có được sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ vì nó gắn liền với văn hóa, du lịch và cả danh dự của đất nước Thái Lan.
Hệ kỹ thuật
Kỹ thuật của Kickboxing ít đòn hơn Muay Thái do thiếu bộ kỹ năng đòn chỏ và kỹ năng kiểm soát ôm vật (clinch).
Đòn gối của Kickboxing cũng chỉ cho phép gối bay hoặc "gối sống" (đòn gối đơn lẻ, không thực hiện liên hoàn).
Nhược điểm này tác động rất lớn đến tâm lý người tập, khán giả và khả năng phát triển sự nghiệp của các võ sĩ chuyên Kickboxing; bởi rõ ràng khán giả vẫn thích xem một bộ môn có đòn thế đa dạng hơn.
Rõ ràng rằng khán giả vẫn thích xem một bộ môn có đòn thế đa dạng hơn. Đó cũng là lý do vì sao MMA thành công vượt trội trong những năm qua.
Tính chất "cross train" cao
Khả năng "cross train" - tay ngang (người ở môn khác vào tập môn này hay ngược lại) của Kickboxing rất cao, do hệ kỹ thuật không có lối đánh quá chuyên biệt như Muay Thái nhưng lại đầy đủ hơn Boxing.
Huyền thoại Kickboxing John Wayne "The Gunslinger" Parr thi đấu cả Muay Thái và MMA. Thậm chí, nhiều người nhớ tới ông như một võ sĩ Muay Thái hơn là Kickboxing.
Điều này khiến cho các võ sĩ dù có tập luyện Kickboxing nhưng không hoàn toàn tự xem mình là "võ sĩ Kickboxing", trừ phi họ thực sự chuyên tâm vào lối đánh này.
Điều này dẫn tới việc Kickboxing có nguồn lực con người khá lớn nhưng khó kiểm soát và không mang tính chuyên biệt cao như Muay Thái, khiến cho các giải đấu cũng ít hấp dẫn hơn.