Chủ tịch UFC từng tuyên bố "Lý Tiểu Long là cha đẻ của MMA". Nếu điều này là đúng, liệu di sản để đời của huyền thoại họ Lý - Triệt Quyền Đạo - có gì giống MMA?
Nhiều người vẫn cho rằng phát biểu của chủ tịch UFC Dana White là một trò câu kéo người hâm mộ - giống như cách mà ông đã khiến fan WWE phải trả tiền vào UFC để xem Brock Lesnar thi đấu.
Nhưng nếu nhìn nhận kỹ hơn về Triệt Quyền Đạo và MMA, không khó để nhìn ra một số điều thú vị.
Lý Tiểu Long có thực sự là cha đẻ của MMA?
Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long (dịch đúng là "Tiệt Quyền Đạo" nhưng người Việt vẫn quen đọc thành "Triệt") là thành quả cả cuộc đời nghiên cứu võ thuật của Lý Tiểu Long, là cầu nối giữa hai nền võ thuật Đông - Tây.
Dù có nền tảng rất giống với Vịnh Xuân hay một số môn võ thuật Trung Hoa khác mà Lý Tiểu Long từng theo học như Thái Lý Phật, Thái Cực Quyền... Triệt Quyền Đạo cũng sử dụng kỹ năng từ các môn võ thuật đã du nhập và phát triển mạnh ở Mỹ như Boxing, Karate, Judo...
Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long là một cầu nối thú vị giữa hai nền võ thuật Đông - Tây
Cá nhân tôi không tin vào trường phái. Trường phái chia rẽ con người. Bên dưới bầu trời này, tất cả chúng ta là một. Một võ sĩ Judo cũng đấm được như Boxer. Một người tập Karate cũng vật được như Judo.
Lý Tiểu Long
Với những tư duy như "không trường phái", "mềm mỏng và thích nghi như nước chảy", có thể nói tư duy của Lý Tiểu Long đã rất gần với khái niệm MMA hiện đại.
Tuy nhiên, huyền thoại họ Lý trong Triệt Quyền Đạo chú trọng vào việc "triệt phá đòn đánh của đối thủ cả về góc độ và thời điểm trước khi nó đủ khả năng tạo nên hiệu quả".
Đó cũng là một nội dung tập luyện mà các võ sĩ MMA ngày nay luôn lưu ý, nhưng nó không phải tất cả. Triệt Quyền Đạo không phải MMA, mà đã rẽ sang một xu hướng xử lý tình huống rất khác.
Xuất thân từ làng võ Trung Hoa nhưng Lý Tiểu Long đặc biệt đề cao nền võ thuật phương Tây
Năm 1973, Lý Tiểu Long qua đời và để lại quãng đường nghiên cứu võ thuật cũng như bộ lý thuyết Triệt Quyền Đạo còn dang dở.
Đúng 20 năm sau, mùa giải UFC đầu tiên diễn ra và suốt những năm sau đó, UFC hoàn toàn là cuộc chiến tranh giành và thể hiện sức mạnh của võ sĩ đại diện cho những môn võ nhất định (và Royce Gracie của BJJ đã dành hầu hết chiến thắng).
Trước sự áp đảo của Nhu thuật Brazil, giới võ sĩ nhận ra việc tập luyện nhiều trường phái võ thuật mới là cách để thực sự vượt trội trong đấu trường mở này.
Những mùa giải UFC đầu tiên vẫn là cuộc tranh đấu giữa các trường phái võ thuật
Cũng từ khi UFC xuất hiện, các nghiên cứu về việc kết hợp võ thuật một cách trôi chảy giữa các trường phái mới bắt đầu xuất hiện.
"Làm sao để phòng thủ những cú đấm từ tư thế của wrestling?", "Làm sao để cắm chỏ vào mặt đối thủ khi đang ôm vật"... những câu hỏi đó lần lượt được đưa ra và giải đáp, mối liên hệ kỹ thuật giữa các trường phái hình thành từ đây và gần 10 năm sau mùa giải UFC đầu tiên, khái niệm võ tổng hợp - MMA hiện đại mới thực sự có được hình dáng như hôm nay.
Nếu không đột ngột qua đời ở tuổi 33, rất có thể Lý Tiểu Long đã trở thành nhân vật quan trọng trong lịch sử phát triển MMA
Như vậy, khái niệm về "MMA" bao hàm một lịch sử phát triển và xây dựng lâu dài của rất nhiều con người và trường phái.
Nếu phải nhìn nhận vị trí của Lý Tiểu Long trong dòng lịch sử đó, có lẽ chúng ta nên nhìn nhận ông như một tư duy đi trước thời đại và (không may) đã không thể tiếp tục góp mặt vào con đường phát triển của MMA; thay vì vị trí "Cha đẻ của MMA" như Dana White phong cho huyền thoại họ Lý.
Tư duy và kỹ thuật của Lý Tiểu Long đã đến rất gần với MMA hiện đại.
Còn Triệt Quyền Đạo, như đã nói ở trên, nó vẫn là một di sản dang dở và chưa hoàn toàn giống với bộ mặt của MMA hiện đại.