Điểm chung của Wrestling và Grappling là đều không sử dụng các kỹ thuật va chạm thuần túy như đấm, đá, chỏ, gối (trường phái Striking) mà sử dụng các kỹ thuật khống chế và gây tổn thương cơ thể khác.
Hiểu một cách cơ bản, Wrestling nghĩa là "vật" còn Grappling là "khóa siết". Tuy vậy, cách hiểu nôm na ấy không thể giúp khán giả nhìn nhận được tình huống đang xảy ra vốn đang sử dụng phong cách nào. Thay vào đó, hãy để ý đến các đặc điểm sau đây:
Lịch sử
Grappling và Wrestling đều xuất hiện từ rất sớm trong làng MMA, thậm chí còn đóng vai trò chủ chốt trong lịch sử võ tổng hợp. Từ thời cổ đại, các bộ môn võ tổng hợp như Pankration của người Hy Lạp đã có phần lớn kỹ thuật Wrestling, còn sự phát triển cực thịnh của Grappling ở Nam Mỹ (như Luta Livre, Brazillian Jiujitsu...) đã dẫn tới sự hình thành của Vale Tudo (võ tự do).
Wrestling là một phần quan trọng trong môn võ tổng hợp cổ đại của người Hy Lạp - Pankration
Ngay từ mùa giải UFC 1 (năm 1993), đã có sự xuất hiện của các võ sĩ hoàn toàn thuộc về trường phái Grappling hoặc Wrestling. Tuy vậy, Grappling là ông vua đầu tiên. Bằng những kỹ thuật của Brazilian Jiujitsu - vốn là một hệ kỹ thuật khá "độc quyền" vào thời điểm đó - Royce Gracie đánh bại hầu hết các đối thủ và trở thành nhà vô địch của 3 mùa UFC 1, 2, và 4.
Sau đó, thời hoàng kim của Grappling dần lụi tắt khi các võ sĩ bắt đầu biết crosstrain học hỏi kỹ thuật để khắc chế sự độc quyền lạ lẫm ở lĩnh vực địa chiến và hình thành nên thế hệ võ sĩ mang tính "tổng hợp" đầu tiên.
Royce Gracie - mốc son của thời hoàng kim Grappling trên sàn võ tổng hợp
Trong khi đó, Wrestling dù xuất hiện khá sớm nhưng mãi gần 10 năm sau mới bắt đầu thời đại đáng sợ nhất. Nếu như Grappling có đế chế riêng nhờ sự độc quyền kỹ thuật thì Wrestling lại không trở thành bá chủ nhờ kỹ thuật vật đơn thuần. Thay vào đó, các Wrestler lại được yêu thích nhờ cơ bắp tốt, khả năng đánh dồn ép liên tục với sự lỳ lợm khủng khiếp, hình thành "rơ" đánh tàn khốc mang chút xu hướng lai với Striking. Khoảng từ năm 2003 trở đi chính là thời kỳ các võ sĩ gắn mác Wrestling liên tục làm bá chủ với những ví dụ như Chuck Liddell, Dan Henderson, Randy Couture hay Tito Ortiz.
Mãi đến khoảng những năm 2010, các trường phái Striking - Wrestling - Grappling mới bắt đầu mất đi rào cản vô hình và hòa nhập vào trong các thế hệ võ sĩ mới - võ sĩ "võ tổng hợp".
Chuck Lidddel và Tito Ortiz - những người làm nên thời hoàng kim của những wrestler đội lốt striker
Mức độ sử dụng cơ bắp
Nguyên lý cơ bản của Grappling là hạn chế tối đa việc sử dụng cơ bắp để giữ sức, chiếm lợi thế trước các võ sĩ có thể hình tốt hơn. Dù các võ sĩ MMA chuyên nghiệp vẫn tập luyện thể lực ở mức độ tối đa nhưng nhìn chung kể cả các võ sĩ chuyên Grappling hiện tại cũng có lối đánh ít "lấy thịt đè người" hơn hẳn. Vì thế, hiện nay Grappling xuất hiện nhiều hơn ở những hạng cân nhỏ (từ Lightweight trở xuống). Demetrious Johnson, anh em nhà Diaz... là những ví dụ rõ ràng. Tuy vậy vẫn có một số lượng lớn võ sĩ Grappling thành danh ở hạng cân lớn hơn dù có kỹ thuật phần nhiều lai với Wrestling.
Dù hai trường phái có thể sử dụng ở mọi hạng cân nhưng dường như lối chơi của Grappling phù hợp với các hạng cân nhỏ hơn
Wrestling lại có sự cân bằng khá rõ ràng giữa hai yếu tố thể lực và kỹ thuật. Cần hiểu rằng trong MMA chuyên nghiệp không hề có chuyện "lấy sức đè kỹ thuật" một cách rõ ràng, nhưng thực tế rằng Wrestling sử dụng cơ bắp nhiều hơn Grappling. Đó cũng là lý do Wrestling xuất hiện nhiều hơn ở các hạng cân từ Welterweight trở lên. Tyron Woodley, Daniel Cormier, Ben Askren, Yoel Romero là những đại diện cho nhóm võ sĩ này.
Cơ chế gây tổn thương
Đây là phần khác biệt dễ nhìn thấy nhất giữa hai trường phái.
Grappling gây tổn thương cho võ sĩ bằng hai nhóm kỹ thuật khóa bẻ khớp xương và siết cổ. Trong khi đó, Wrestling hầu như chỉ có duy nhất một nhóm kỹ thuật thực sự gây "sát thương" đó là slam (đập đối thủ xuống sàn). Thay vào đó. Wrestling lại dùng kỹ năng vật như cách để kiểm soát tình huống, khống chế cơ thể và bào mòn sức đối thủ. Như vậy, Grappling là một dạng trường phái vừa có thể sử dụng tương đối độc lập, vừa hỗ trợ các chiến thuật khác trên sàn MMA, còn Wrestling lại đóng vai trò như một nền tảng chiến thuật.
Slam có lẽ là kỹ thuật gây sát thương rõ ràng duy nhất của Wrestling
Nền tảng xây dựng chiến thuật MMA
Từ sự khác biệt trong cơ chế gây tổn thương mà chiến thuật sử dụng Grappling và Wrestling trong võ tổng hợp rất khác nhau.
Các võ sĩ xuất thân Wrestling có thể hình dày, độ bền tốt và khả năng chống chịu striking tuyệt vời đến mức bất ngờ. Cũng bởi vì lẽ đó mà các Wrestler trong MMA thường nổi tiếng với lối chơi đè ép thế trận, đẩy nhanh nhịp độ trận đấu hay thậm chí nhiều người được biết đến như một striker thứ thiệt chứ không phải đô vật. Daniel Cormier là ví dụ gần đây nhất, còn Chuck Liddell có lẽ là một trong những người thuộc thế hệ "lai" wrestling - striking thành công đầu tiên.
Tuy vậy, cũng có một "thế lực" sử dụng wrestling theo chiều hướng thụ động hơn nhiều. Đó là các või sĩ sử dụng lợi thế vượt trội về thể chất và kỹ thuật vật để đóng băng trận đấu, tìm sơ hở hoặc ép đối thủ hụt hơi cho đến khi có được thêm lợi thế về sức bền mới bắt đầu tiến hành các chiến thuật mang tính dứt điểm trận đấu. Georges St-Pierre và Tyron Woodley là kiểu võ sĩ như vậy.
Đã từng một thời chính các wrestler như Dan Henderson lại cực kỳ được yêu thích tại UFC nhờ khả năng dùng lợi thế thể chất để kiến tạo lối chơi tấn công chủ động
Trong khi đó, các võ sĩ sử dụng Grappling lại có chiến thuật khá đa dạng. Một số chơi "tử thủ" và ép đối phương phải chơi ground fight (chẳng hạn như Demian Maia), trong khi một số ít khác lại chỉ dùng nó trong những tình huống "cấp cứu" khi ván bài striking thất bại (Anderson Silva, Jose Aldo, anh em nhà Diaz...), hoặc để khống chế một số tình huống nhất định.
Anderson Silva dùng khả năng kiểm soát của Grappling để chống đỡ pha "giã gạo" tàn khốc của Daniel Cormier
Nhìn chung, dù là trường phái nào khi được đưa vào võ tổng hợp đều có thể hình thành các lối đánh khác nhau: cống hiến cho khán giả hoặc bảo đảm sự an toàn cho diễn biến trận đấu và kiến tạo lợi thế một cách thực dụng, khiến cho khán giả thường nhầm lẫn giữa hai trường phái. Mặt khác, sự phát triển của võ tổng hợp hiện đại đã xóa nhòa ranh giới "trường phái", yêu cầu mỗi võ sĩ phải có khả năng chiến đấu tốt ở mọi trường hợp, thích nghi với mọi nhóm kỹ thuật khác nhau nên sự khác biệt giữa Wrestling và Grappling cũng không còn rõ ràng như trước đây.