UFC 205 đã đến gần. Trận tranh đai Welterweight giữa Tyron Woodley vs. Stephen Thompson sẽ diễn ra như thế nào? Dưới đây là những phân tích về kỹ thuật cho cặp đấu tranh đai thứ hai của UFC 205.
Stephen Thompson – Biểu tượng mới của Karate trên sàn MMA
Stephen Thompson mang lối đánh chính xác và đặc trưng về tận dụng khoảng cách của American Karate lên sàn MMA rất hiệu quả, tiêu biểu như khi anh hạ gục Johny Hendricks, cựu vô địch Welterweight ngay trong hiệp 1, điều chưa ai từng làm được dù là các võ sĩ lì lợm và mạnh mẽ nhất.
Vậy vì sao lối đánh đầy hoa mĩ ấy lại thành công đến vậy?
1. Lối đánh “vòng ngoài”
Khi các võ sĩ xuất thân từ Kickboxing lên sàn MMA, điều đầu tiên họ nghĩ đến là tạo khoảng cách ra đòn phù hợp. Tuy nhiên không ai đảm bảo mình sẽ không bị áp sát hay vật xuống sàn, và hầu hết các striker đều lựa chọn việc tiếp tục trận đấu trong tư thế áp sát đó. Nhưng với Stephen Thompson, chiến thuật của anh không cho phép đối thủ thực hiện những gì họ muốn.
Firas Zhabi, huấn luyện viên chính của team Tristar, người từng làm việc cùng Thompson, đã chia sẻ:
“Thompson hoàn toàn có thể đánh ở cự li gần, nhưng cậu ấy luôn muốn trận đấu diễn ra ở vòng ngoài, nơi cậu ấy có thể phát huy lợi thế chiều cao – sải tay tốt nhất, cụ thể là những đòn tay ngắn và kết thúc bằng các đòn đá sở trường... Nếu bị đối phương áp sát, điều đầu tiên Thompson nghĩ đến là thoát ra ngoài và giữ đối thủ ở cự li mà cậu ấy có lợi thế nhất."
2. Lối di chuyển đặc trưng
Johny Hendricks, “nạn nhân” gần đây nhất bị Thompson hạ knockout, đã cho thấy sự chán nản trong trận đấu với Thompson khi chiến thuật của anh bị phá hỏng hoàn toàn.
“Thompson chẳng cho tôi cảm giác muốn đánh nữa, với bạn tập, tôi có thể dễ dàng tóm được họ nhưng Thompson thì ngược lại, tôi còn chẳng thể với tới anh ta."
Đúng như vậy, trong trận đấu với Hendricks, khán giả đã thấy cựu vô địch mệt mỏi thế nào trong việc cố gắng đuổi theo Thompson để có một tình huống đổi đòn cự li gần hoặc thực hiện 1 cú vật - sở trường của “The Big Rig”. Điều này là hệ quả tất yếu cho chiến thuật lối đánh “vòng ngoài” ở mục 1, nhưng chìa khóa cho chiến thuật này lại không nằm ở kĩ thuật thoát clinch hay kĩ năng chống vật, mà nằm ở lối di chuyển đặc biệt của Thompson, anh không để đối phương tiếp cận dù chỉ là 1 cơ hội nhỏ nhất.
Kỹ thuật thoát góc
Để tránh bị đối phương bắt được, Thompson có xu hướng thực hiện những combo ngắn, sau đó ngay lập tức di chuyển sang phía bên cạnh của đối phương khi họ chưa kịp nhận ra. Lối di chuyển này giúp Thompson luôn giữ được khoảng cách với đối phương, không để bản thân phải lao vào các tình huống áp sát không cần thiết.
Vừa ra đòn vừa di chuyển
Firas Zhabi từng nhận xét: "Thompson không bao giờ đứng yên để phản công mà luôn xoay người di chuyển theo 1 hướng khác. Kĩ thuật này khiến đối phương rất khó bắt được Thompson để thực hiện 1 cú vật”.
Một ví dụ khác của kĩ thuật này là cú jab (chọc tay trước). Thời điểm phản công hoàn hảo là khi đối phương tung đòn jab và chưa kịp di chuyển sang góc độ khác. Nhưng với Thompson, điểm dừng này gần như không có, anh thực hiện cú jab đồng thời với chuyển động xoay thân và chân sau. Khi đối phương nhận ra cú jab đã trúng đích và tìm cách phản công thì Thompson đã không còn ở vị trí cũ nữa.
Thế tấn “hopping back & forth”
Đây là kĩ thuật nhún chân liên tục thường thấy ở Karate Olympic, sau này được kết hợp vào American Kickboxing, “thương hiệu” của Stephen Thompson. Thompson nhún chân liên tục khiến đối thủ khó đoán được nhịp độ di chuyển để tấn công, đồng thời “đe dọa” đối thủ rằng họ có thể bị tấn công ở bất kì thời điểm nào, ngay khi bàn chân vừa chạm hoặc rời khỏi mặt đất.
Lợi thế của thế đứng này nằm ở việc khiến đối thủ bị cuốn theo nhịp độ của người sử dụng. Với các võ sĩ sử dụng Boxing hay Muay Thái làm kĩ thuật striking căn bản, thế đứng cố định hoặc bước từng bước sẽ là cách di chuyển cơ bản của họ. Sự phổ biến của 2 lối đánh striking này khiến các võ sĩ quen dần với các đối thủ cũng sử dụng cùng lối đánh.
Nhưng khi đối mặt với Thompson, lối đứng nhún chân sẽ khiến đối thủ băn khoăn không biết Thompson đang lùi lại hay chuẩn bị ra đòn. Đối thủ của Thompson sẽ bị anh “dẫn” theo nhịp độ của riêng mình, lúc đó thời điểm ra đòn hay phòng thủ hoàn toàn do Thompson quyết định.
Việc nhún chân giúp trọng tâm của Thompson thay đổi liên tục từ sau ra trước, sẵn sàng cho việc tấn công hoặc phòng thủ bất cứ lúc nào. Sức bật từ việc nhún chân giúp cơ thể có sẵn động năng . Trong thi đấu Karate, đây cũng chính là chìa khóa cho phương châm “nhất kích tất sát”, cố gắng hạ đối thủ trong 1 đợt tấn công với toàn bộ động năng có được từ thế tấn cơ bản.
Điểm yếu, cũng là bất lợi của thế tấn này mỗi khi Wonderboy tấn công là anh ít sử dụng kĩ năng né (head movement) vì nó sẽ ảnh hưởng tới chuyển động của toàn thân. Ngoài ra, Thompson sử dụng thế tấn hẹp, đây thông thường sẽ là miếng mồi ngon cho những võ sĩ chuyên đá thấp, do người dùng tấn gần như không thể kê đòn (check kick) mà chỉ có thể di chuyển, hoặc sử dụng kĩ thuật dậm chân (stomp) để chịu đòn tìm kiếm cơ hội phản công.
3. Kỹ năng đá đỉnh cao
Nói về đòn chân trong UFC hiện tại, Stephen Thompson có thể xếp ở đầu bảng về hiệu quả sử dụng. Anh sử dụng các đòn đá đặc trưng của American Kickboxing/Karate, giữa một rừng các võ sĩ chuyên sử dụng lối đá của Muay Thái. Điểm đặc biệt này khiến đối thủ bị bất ngờ do cách sử dụng đòn chân khác hoàn toàn với những đối thủ họ từng gặp.
Các đòn đá chân trước thường được sử dụng chủ yếu là đá vòng cầu, đá thấp, đá thẳng. Khá ít người sử dụng các đòn đá ngang hiệu quả. Jon Jones đã khiến toàn bộ hạng Light Heavyweight khổ sở khi đối mặt với những cú đá ngang (side kick và oblique kick), nhưng Thompson còn làm hơn thế. Kết hợp với thế tấn đặc trưng, Thompson có thể đá từ bất cứ vị trí nào và sử dụng bất cứ đòn đá nào, với tốc độ lên chân (lift leg) nhanh hơn nhiều.
Từ 1 chân trước, Thompson có thể thực hiện đá cao – đá chẻ - đá thấp – đá ngang – đạp gối, tất cả chỉ với 1 tư thế bắt đầu, điều này khiển đối thủ không biết anh sẽ tấn công ở đâu, và vào lúc nào. Ngoài ra, với tốc độ lên chân rất nhanh, Thompson có thể kết hợp các cú đá (follow up) với các tổ hợp đòn tay khiến đối thủ không ngờ tới để phòng thủ.
Tyron Woodley - Nhà vô địch khát khao khẳng định mình
Nhà ĐKVĐ Welterweight không được chú ý nhiều do lép vế sau những “người tiền nhiệm” như Geogre St Piere, Johny Hendricks hay Robbie Lawler … Anh cũng không có những trận “dog fight” máu lửa khiến khán giả phải trầm trồ. Nhưng Tyron Woodley là một võ sĩ có thể mô tả bằng cụm từ “đầy sức mạnh”.
Không sở hữu những đòn đánh hoa mỹ hay lối di chuyển phức tạp như Thompson, khả năng của Woodley đến từ sức mạnh của những đòn đánh đơn giản. Nổi trội nhất là kĩ năng wrestling gây áp lực và cú tay phải có thể kết thúc đối phương bất kì thời điểm nào.
1. Kĩ năng Wrestling
Wrestling của Woodley nhắm tới việc đẩy đối thủ ép sát lồng và tiêu hao sức lực của họ trong tư thế clinch. Joe Rogan, bình luận viên của UFC, đã nhận xét Woodley có khả năng tiếp cận đối thủ rất nhanh bằng wrestling, anh có thể lao tới và ép sát đối thủ vào thành lồng, dùng lợi thế thể hình ép đối phương phải “quần thảo” với mình trong tình huống clinch.
Kĩ năng “shoot in” của Woodley còn có nhiệm vụ khác là kiểm tra khả năng tiếp cận đối thủ. Việc nhắm tới 1 cú shoot in cũng giúp Woodley có nhiều lựa chọn : vật đối thủ hoặc tìm kiếm cơ hội tung đòn đấm tay phải. Nếu cả 2 mục tiêu này không thành công, Woodley vẫn có thể kiểm tra được cơ hội tiếp cận đối thủ để vật họ xuống có đủ hay không, hoặc anh sẽ đổi sang kỹ thuật khác – dựa lồng (fence off).
Kĩ thuật dựa lồng (fence-off)
Có một thời gian Woodley bị chỉ trích là “thiếu chủ động” bởi việc sử dụng kĩ năng này liên tục, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trong các tình huống phòng thủ. Khi bị áp sát và tỏ ra yếu thế trong các tình huống dogfight, Woodley sẽ lùi sát về phía lồng sắt, cố gắng “đổi đòn” để nhử đối phương tiếp tục giữ trọng tâm cao, lúc này anh sẽ bất ngờ hạ thân người, lợi dụng lồng như 1 điểm tựa, bật tới và vật đối thủ.
Woodley thường chỉ sử dụng fence-off như 1 con bài cuối cùng khi không thể tấn công hoặc tấn công không hiệu quả. Trong trận đấu với Carlos Condit, một võ sĩ với khả năng chống vật không quá tốt, Woodley có thể dễ dàng đưa Condit vào bẫy khi bị ép sân. Tuy nhiên tới trận đấu tiếp theo, đối thủ là Rory MacDonald, võ sĩ người Canada có lối đánh rất cẩn thận khi không quá tập trung chèn ép đối thủ, luôn sẵn sàng chống vật thì Woodley đã không thể áp dụng lại một lần nữa.
2. Khả năng Striking
5/6 trận thắng của Woodley đến từ những tình huống knockout, đặc biệt 4/5 trận kết thúc trong hiệp 1. Điều này cho thấy khả năng striking mới chính là vũ khí đáng sợ nhất của “The Chosen One” .
Woodley sử dụng các kĩ năng striking cơ bản của 1 võ sĩ MMA rất tốt. Khả năng boxing cơ bản và an toàn, không hoa mĩ như Condit, chính xác như Thompson hay MacDonald, cũng không tìm kiếm các tình huống dogfight như Lawer, Diaz, Hendricks hay Matt Brown. Nhưng chính sự cơ bản lại là mối nguy hiểm mà đối thủ của Woodley phải dè chừng: với mỗi đòn đánh, Woodley đều dồn toàn bộ sức mạnh để hạ gục đối thủ.
Không có lối di chuyển hay đòn chân phức tạp như Thompson, Woodley sử dụng các đòn chân rất đơn giản, thường là các đòn đá đơn để làm đau đối thủ, đặc biệt là khả năng sử dụng đá thấp (lowkick) và đá tầm trung (midkick). Trong trận đấu với Kevin Gastelum, không phải tình huống combo đòn tay mà chính cú đá vào bụng Gastelum mới giúp Woodley lấy lại thế trận trước võ sĩ trẻ tuổi. Và khi đối đầu Carlos Condit, cú đá thấp của Woodley mạnh tới mức khiến Condit bị xoắn chân trụ và chấn thương dây chằng gối, phải nghỉ thi đấu suốt 1 năm sau đó.
Thương hiệu giúp Woodley có được thành tích 5 trận thắng knockout và cả chiếc đai Welterweight chính là cú đấm tay phải cực mạnh, từng hạ gục những võ sĩ sừng sỏ nhất. Woodley dùng 3 kĩ thuật cơ bản : chọc trái (jab) và hạ thân người (level change) để nhử đối phương, căn khoảng cách cho cú tay phải. Ngoài ra sử dụng khả năng căn khoảng cách tốt để phản công đối phương – kĩ năng right-hand counter.
Trong các tình huống bị ép sân, Woodley cũng thể hiện khả năng phản đòn. Giống như kĩ thuật fence-off, trong khi fence-off là con bài cuối cùng để Woodley thoát khỏi áp lực của đối phương, thì kĩ năng phản đòn của Woodley chính là cái giá mà đối phương phải chịu nếu không thể ép sân triệt để.
Điểm nguy hiểm trong các tình huống đã xảy ra chính là Woodley có tư thế rất tốt để phản đòn, giữ thân người thẳng, lùi ở khoảng cách vừa đủ cho 1 cú móc hoặc đấm thẳng, thậm chí có thể lao tới nếu cần thiết. Lúc này, đối phương vừa kết thúc hoặc đang ở giữa tổ hợp tấn công, chưa có tư thế thế phòng thủ thì Woodley đã lao tới và ra đòn.
Có thể nói trận tranh đai Welterweight tại UFC 205 chính là sự đối đầu của 2 trường phái đối lập. Một Thompson với lối di chuyển phức tạp, hoa mĩ kết hợp với các đòn đánh chính xác và khó đoán, tuy không quá mạnh nhưng lại hiệu quả trong thời gian dài và có thể gây bất ngờ. Còn Woodley là một “kho sức mạnh” cực lớc với mục tiêu knockout đối thủ bất cứ khi nào có thể.
Thompson cũng đã tỏ ý không nhắm tới 1 cú knockout, nhưng liệu anh có thể tận dụng chiến thuật mà đồng đội Rory MacDonald từng thực hiện, giữ an toàn và ép sân hiệu quả để có 1 chiến thắng tính điểm, hay nhà vô địch Tyron Woodley sẽ có trận bảo vệ đai thành công đầu tiên? Hãy đón xem UFC 205 diễn ra vào sáng 13/11 (giờ Việt Nam). Webthethao sẽ cập nhật kết quả các trận đấu từ Prelims.
Xem thêm Preview cho cặp tranh đai đầu tiên của UFC 205 giữa Jedrzejczyk vs. Kowalkiewicz tại đây.