Pierre Flores: Câu chuyện cần hồi kết

thứ tư 28-2-2018 15:34:44 +07:00 0 bình luận
Suốt gần một năm qua, những chuyến đi - về giữa Canada - Việt Nam Pierre Flores khiến dư luận tò mò, trong khi giới võ học Việt Nam lại chẳng mấy mặn mà.

Suốt gần một năm qua, những chuyến đi - về giữa Canada - Việt Nam kèm theo những phát ngôn và hành xử của võ sư Vịnh Xuân Pierre Flores khiến dư luận tò mò, xôn xao, báo chí tốn giấy mực, trong khi chính những người trong cuộc - giới võ học Việt Nam - lại có vẻ bình tâm và chẳng mấy mặn mà…

Từ khởi nguồn trong sáng...

Câu chuyện dài kỳ này bắt đầu từ một cuộc tỷ thí chỉ kéo dài… 10s trên đất Trung Quốc vào tháng 5/2017 khi võ sỹ võ tự do (MMA) Từ Hiểu Đông đả bại võ sư thái cực quyền Ngụy Lôi. Sự việc này sau đó trở nên ầm ĩ khi Từ Hiểu Đông được cho rằng đã “thừa thắng xông lên”, mạnh miệng gửi lời thách đấu tới tất cả các võ sư võ cổ truyền muốn giao đấu với anh.

Tuyên bố này không những gây phẫn nộ mạnh mẽ trong giới võ học Trung Quốc mà còn khiến Pierre Francois Flores - võ sư Chu Sa đai đệ tứ đẳng của môn phái Vịnh Xuân Nam Anh - cũng không thể ngồi yên. Từ Canada, Flores đã gửi lời chấp nhận thách đấu tới võ sỹ họ Từ.

Tất nhiên, lời chấp nhận thách đấu đó của Flores đã không nhận được hồi đáp, bởi Từ Hiểu Đông có lẽ quá bận rộn với một danh sách dài những trận đấu tương tự đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng không có Từ Hiểu Đông, đã có một “đích ngắm” khác mà Flores cần tiếp cận để làm sáng tỏ những “nghi ngờ”, để “bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những con đường gian dối trong võ học” (trích lời võ sư Flores), đó là Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo, ông Huỳnh Tuấn Kiệt - người đã biểu diễn công phu “truyền điện” cũng gây nên một cơn bão hoài nghi ở thời điểm đó.

Võ sỹ Từ Hiểu Đông - người giúp võ sư Pierre Flores bắt đầu được chú ý
Võ sỹ Từ Hiểu Đông - người giúp võ sư Pierre Flores bắt đầu được chú ý

Tất cả những yếu tố trên giúp cho chuyến đi tới Việt Nam vào thời điểm giữa năm 2017 của vị võ sư người Canada gốc Chile ngay lập tức trở thành tâm điểm của sự chú ý.

…đến cách thực hiện gây nhiều hoài nghi

Mặc dù rất cẩn thận và đúng nguyên tắc trong việc sớm gửi đơn xin phép được “xác minh” công phu của Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo tới Liên đoàn Võ Cổ truyền TPHCM, võ sư Flores quá sốt ruột để có thể chờ cái gật đầu từ cơ quan này và đã chủ động có mặt tại Việt Nam để… tìm cơ hội. Khi đó, với hành trang duy nhất là lời mời giao đấu từ võ sư Karate Đoàn Bảo Châu, vị võ sư người Canada đã hướng thẳng ra Hà Nội để được giao lưu và thi đấu.

Nói về quyết định của võ sư Đoàn Bảo Châu, có người khen ngợi ông dũng cảm và có tinh thần cầu thị khi ở tuổi 52 vẫn thách đấu một đối thủ trẻ hơn mình tới 11 tuổi, nặng hơn 22kg và cao hơn gần 20cm. Nhưng với nhiều người, đó là quyết định khó hiểu của một vị võ sư đã ngoại ngũ tuần.

Võ sư Pierre Flores (trái) và võ sư Đoàn Bảo Châu
Võ sư Pierre Flores (trái) và võ sư Đoàn Bảo Châu

Cũng với nhiều người, nếu đúng với tinh thần võ học, một cuộc đấu giao lưu có cần thiết phải rùm beng đến thế, có nhất thiết phải trở nên đình đám như thế hay không? Và nếu đã được thổi phồng, đã được “làm truyền thông” tốt đến như vậy, liệu có yếu tố động cơ nào khác ở phía sau hay không?

Trong một bài trả lời phỏng vấn trước khi sang Việt Nam, từ “rematch” (tái đấu) được võ sư Flores nhấn mạnh là một trong hai mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến đi của mình, bên cạnh việc xác minh công phu của môn phái Nam Huỳnh Đạo. Tái đấu với ai, vị võ sư người Canada này khỏi cần nói, truyền thông cũng đã làm hộ rồi. Nhưng cách làm có phần khoa trương như thế, quả đã có phần lợi bất cập hại…

Câu chuyện đã đến hồi kết

Bằng cách làm của mình, Pierre Flores không những chưa thể tái đấu với võ sư Tuấn “hạc” - người đã đánh bại mình cách đây 9 năm - mà còn khiến cho vị võ sư này vấp phải nhiều chê bai từ giới võ học trong nước. Không chỉ vậy, những lời thách đấu (và có vẻ là những lời thách đấu ngoài mong muốn) liên tiếp được gửi đến khiến Flores rơi vào thế khó xử: nhận lời cũng chẳng hay, từ chối cũng không đặng.

Tiếp xúc với Pierre Flores, không khó để nhận ra trong ánh mắt và giọng nói của võ sư người Canada này có tình yêu với võ học, có khao khát được bồi đắp thêm tri thức giữa biển trời võ đạo bao la. Ngay cả ý niệm khi lựa chọn cái tên tiếng Việt của Flores, Nam Ngu, cũng xuất phát từ ước mong ấy. Anh lý giải cẩn thận trong một bài trả lời phỏng vấn rằng cái tên này xuất phát từ Quốc hiệu của Việt Nam trong quãng thời gian từ 1400 - 1407: Đại Ngu, với ý nghĩa: càng học, chúng ta sẽ càng hiểu mình nhỏ bé và khiêm tốn đến nhường nào trong thế giới vô cùng vô tận.

Võ sư Pierre Flores (phải) đến thăm Chánh chưởng quản môn phái Vovinam
Võ sư Pierre Flores (phải) đến thăm Chánh chưởng quản môn phái Vovinam

Tinh thần ấy đúng. Ý niệm ấy đúng. Chỉ tiếc rằng, chữ “Ngu” trong Quốc hiệu “Đại Ngu” của nhà Hồ có nghĩa là “sự yên vui, hòa bình", chứ đâu có ý như Flores hiểu. Thế mới thấy, ham học là đức tính tốt, nhưng điều quan trọng hơn là phải học đúng cách.

Tin chắc rằng, cánh cổng của tất cả những võ đường ở Việt Nam sẽ luôn rộng mở để đón nhận những người yêu văn hóa, yêu võ học của dân tộc Việt tới giao lưu, học tập - đặc biệt là những người bạn ngoại quốc - như những cánh cổng ấy đã từng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta. Duy có điều, chỉ con đường học đúng cách mới mang tới sự phát triển. Và sự phát triển, cuối cùng, phải dẫn tới hòa bình!

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm