Chịu ảnh hưởng lớn của thị trường Châu Á, ONE Championship đã mở ra một mô hình rất khác so với những giải MMA xuất xứ từ Phương Tây.
Được triệu phú Chatri Sityodtong và cựu giám đốc kênh ESPN Star Sports, Victor Cui thành lập vào tháng 6/2011, ONE Championship (trước đây là ONE FC) là giải MMA chuyên nghiệp lớn nhất châu Á hiện nay với các trận đấu phủ sóng tại 118 quốc gia.
Kể từ ngày thành lập, ONE Championship đã tổ chức 59 sự kiện MMA và đang có tham vọng trở thành "một UFC khác tại Châu Á". Điều này không dễ, nhưng ONE Championship rõ ràng đã có những thành công hết sức ấn tượng.
Bí quyết của sự thành công ấy là nhờ sự khác biệt của ONE Championship.
"Chúng tôi có những cách xây dựng giải đấu rất khác so với những giải MMA còn lại trên thế giới," Chủ tịch Chatri Sityodtong cho biết.
"Cụ thể, UFC quảng cáo MMA của họ như một môn thể thao đầy sức mạnh, nơi mà người ta sẽ được xem những màn trình diễn sức mạnh nhất. Hãy nhìn dàn sao của UFC: McGregor, Ronda Rousey, Jon Jones. Đó là những ngôi sao hiếu chiến và khoe mẽ. Họ có thể lái Rolls Royces, thách đấu với bất kỳ ai, và buông lời miệt thị đối thủ của họ khắp mọi nơi."
Đáng tiếc, theo ông Sityodtong, chính công thức đã khiến UFC thành công ở thị trường Mỹ lại khiến họ thất bại tại Châu Á.
Ngài Chủ tịch ONE Championship lấy ví dụ về ngôi sao quyền Anh Manny Pacquiao để so sánh với Jon Jones hay McGregor. Pacquiao là một người rất khiếm tốn, mộ đạo, điển hình cho một đứa trẻ đường phố đã vượt qua vô số khó khăn để trở thành nhà vô địch.
"Đó mới là hình mẫu một người anh hùng trong suy nghĩ của số đông ở thị trường Châu Á," Ông Sityodtong nói. "Người Phương Đông coi trọng sự khiêm tốn, danh dự, can đảm, kỷ luật. Đó cũng là lý do ONE Championship đề cao "võ thuật" và "tinh thần thượng võ" thay vì quảng cáo MMA như một môn thể thao hiếu chiến."
Sự khác biệt về văn hóa khiến ONE Championship bước lên một con đường rất độc đáo so với những giải MMA còn lại trên thế giới. Khác biệt về luật thi đấu. Khác biệt về cách chia hạng cân. Khác biệt về hệ thống giải mini tournament.
Nhưng điều quan trọng nhất mà những sự khác biệt đó mang lại là một sàn đấu chất lượng cho các võ sĩ Châu Á.
Nếu như các võ sĩ gốc Á chỉ chiếm khoảng 2% tổng số võ sĩ tại UFC, con số này tại ONE Championship là hơn 60%. Nếu người Phương Tây chỉ biết đến Kungfu của Trung Quốc, Karate của Nhật, Taekwondo của Hàn; thì ONE Championship là một nơi thích hợp để cho họ thấy Thái Lan, Myanmar còn có Muay, Philippines còn có Boxing nữa.
Nhờ đó, ONE Championship rất được lòng các khán giả Đông Nam Á - Đông Á, những người hết sức coi trọng hai tiếng "đồng bào".
Theo Chủ tịch Sityodtong, Việt Nam cũng là một thị trường mà ONE Championship sẽ đẩy mạnh khai thác. Các nhà tổ chức của ONE có lý do để tự tin rằng những cái tên như Trần Quang Lộc, Martin Nguyễn chỉ mới là bước khởi đầu cho những võ sĩ mang dòng máu Việt có mặt tại đấu trường MMA lớn nhất Châu Á.
"Việt Nam, cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản, là một thị trường rất mới với tiềm năng khổng lồ," Chủ tịch ONE Championship nhận xét.
"Vẫn còn nhiều gương mặt có thực lực, nhưng chưa tham dự một sàn đấu đủ lớn để đưa tên tuổi của họ đến với giới võ thuật quốc tế. ONE Championship sẽ giúp họ làm điều đó."