Đằng sau ánh hào quang sân khấu hay những gì người ta thường đọc được trên mặt báo, mỗi môn võ luôn có một mặt trái khá chua chát và đắng cay khiến nhiều người bất ngờ.
Thái Lan: Trùm cá độ là vua!
Muay Thái đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Thái hàng trăm năm. Và hãy nhớ: Muay trở thành "thể thao" bao nhiêu năm thì nó gắn liền với hoạt động cá cược bấy nhiêu lâu.
Các tổ chức như Bộ Thể thao và Quân đội Hoàng gia Thái Lan nắm toàn quyền kiểm soát các hoạt động Muay Thái, bao gồm cả cá cược. Vâng, chính cá cược mới là khía cạnh lợi nhuận hàng đầu của Muay tại Thái Lan.
Và dĩ nhiên, không ai lại để cho con gà đẻ trứng vàng của mình chạy rông được. Việc các ông trùm cá độ kiểm soát hoàn toàn thế giới Muay là một sự thật ít được nhắc đến trên mặt báo. Họ kiểm soát từ những trận đấu nhỏ cho tới những cuộc chiến ở "thánh địa" Lumpinee. Dĩ nhiên, các võ sĩ hầu hết đều thi đấu và nhận kết quả xứng đáng nhưng vẫn có không ít trường hợp các võ sĩ buộc phải thua (thậm chí có thể bị đầu độc nếu cãi lệnh) để đảm bảo không gây thiệt hại quá lớn cho nhà cái.
Cựu vô địch thế giới Sagetdao Petpayathai từng bị đầu độc khi đang thi đấu.
Nhật Bản: Đừng nghĩ Yakuza đứng ngoài cuộc
Ai cũng biết các tổ chức xã hội đen Nhật Bản (Yakuza) nắm quyền lực rất lớn, bao gồm cả trong các lĩnh vực như tài chính, chứng khoán, công nghiệp, bất động sản... Thế bạn có biết rằng Yakuza cũng rất "quan tâm" đến võ thuật?
Giải MMA PRIDE FC gặp rất nhiều vấn đề tại Nhật Bản vì dính dáng tới giới xã hội đen.
Cũng giống như các trùm cá độ Thái Lan, Yakuza không "phá" làng võ. Họ thực sự bỏ tiền đầu tư để phát triển các giải đấu và chỉ "chiêu trò" một chút khi thực sự cần thiết.
Quyền Anh: Cuộc chiến của các tổ chức
Có một sự thật rằng không hề có một tổ chức nào nắm quyền lực tối cao của làng Quyền Anh thế giới.
Ngoại trừ AIBA được Ủy ban Olympic chọn làm tổ chức đứng ra thống nhất các quốc gia trong việc tổ chức thi đấu Quyền Anh nghiệp dư, còn lại thế giới Quyền Anh chuyên nghiệp bị chia năm xẻ bảy bởi các tổ chức như IBO, IBF, WBA... Các tổ chức này vận hành hệ thống thi đấu riêng, quản lý nhóm võ sĩ riêng...
Thực tế làng Quyền Anh thế giới bị chia năm xẻ bảy bởi các tổ chức khác nhau.
Tuy vậy, cho đến nay việc "một rừng ba bốn hổ" của làng Quyền Anh chuyên nghiệp vẫn chưa gây ra nhiều hậu quả tiêu cực, thậm chí tình trạng này còn giúp các tổ chức buộc phải tiến bộ cật lực để tranh giành tầm ảnh hưởng, dẫn đến nâng tầm bộ môn Quyền Anh.
MMA: Siêu sao hoặc... nghèo đói.
Đừng nhìn vào các siêu sao và nghĩ rằng giới võ sĩ MMA thực sự "giàu. Bạn có biết rằng thu nhập bình quân của Mỹ vào khoảng 31 nghìn USD/năm cho mỗi người, và võ sĩ UFC kiếm được khoảng... 42 nghìn USD, chỉ "giàu" hơn mức trung bình một chút.
So với chi phí chữa trị chấn thương và hàng trăm khoản tiền ăn - tập, lợi nhuận của võ sĩ MMA nghiệp dư rất thấp, thậm chí võ sĩ phải làm thêm nghề tay trái để đủ tiền trang trải.
Tuy nhiên, có hai vấn đề. Trước hết những võ sĩ thi đấu ở các giải nhỏ thường chỉ kiếm được bằng một nửa, hoặc khá lắm là 2/3 con số đó. Kế đến, võ sĩ MMA có rất nhiều khoản bắt buộc "chi đậm" như tiền phòng tập, tiền duy trì chế độ ăn uống và thực phẩm bổ sung... và danh sách hóa đơn đó có thể nướng sạch 42.000 USD chỉ trong... vài tháng.
Mặt khác, các võ sĩ MMA phải tập luyện nhiều môn cùng lúc và điều đó khiến họ tiêu tốn nhiều hơn các võ sĩ Quyền Anh hay Muay Thái.