Ngay từ cái tên Võ tổng hợp, ta đã có thể thấy MMA bao hàm đủ loại chiêu thức từ nhiều môn võ khác nhau. Trong số đó, đánh đứng - Striking, với những đòn đấm - đá - gối - chỏ, là phần quan trọng bậc nhất trong "kho vũ khí" của các võ sĩ.
Sau Phần 1 về Những phong cách Boxing được sử dụng trong MMA, Phần 2 của series sẽ đề cập đến các phong cách Kickboxing.
Kickboxing là thành phẩm của sự giao thoa mạnh mẽ giữa các trường phái thể thao đối kháng như Muay Thái, Taekwondo, Karate (đại điện là Kyokushin), Kickboxing Mĩ, Kickboxing Hà Lan, Savate,... vào nửa cuối thế kỉ 20.
Trải qua thời kì hoàng kim của giải K-1, làng Kickboxing cũng đã định hình những phong cách đánh rất riêng biệt.
Muay Thái - Phong cách Muay Thái luôn là một trong những phong cách hàng đầu khi đề cập đến Striking, kể cả ở MMA lẫn Kickboxing.
Tới thời điểm hiện tại, Muay Thái vẫn giữ được sự cương mãnh của lối đánh truyền thống. Các kĩ năng của Muay Thái liên tục được điều chỉnh trong quá trình cọ sát ở đấu trường quốc tế, đồng thời kết hợp với bộ tay của Boxing và lối di chuyển của Kickboxing Hà Lan, từ đó có thể kết hợp với rất nhiều kĩ thuật khác sau này.
Là một phần trong "bộ ba MMA": Muay - Brazilian Jiu-Jitsu - Wrestling, Muay Thái có rất nhiều "truyền nhân" tại UFC, trong đó không thiếu những huyền thoại, những nhà vô địch như Anderson Silva, Joanna Jedrzejczyk, Cris "Cyborg" Justino,... Võ sĩ gốc Việt Ben Nguyễn cũng là một đại diện tiêu biểu cho lối đánh tấn công của Muay Thái.
Huyền thoại Anderson Silva là một trong những đại diện xuất sắc nhất của Muay Thái trên đấu trường MMA
Tất nhiên, Muay Thái vẫn chưa phải là vạn năng. So sánh với Kickboxing và MMA hiện đại, những võ sĩ thuần Muay Thái lưu ý vào việc phòng thủ, ôm khóa và tung ra những đòn tấn công riêng lẻ thay vì combo. Điều này sẽ khiến họ tương đối bất lợi khi thi đấu tính điểm tại các đấu trường quốc tế.
Kickboxing Nhật Bản - Tận dụng những bước di chuyển, kĩ thuật đá và lên gối của Kyokushin Karate, Kickboxing Nhật Bản có sự uyển chuyển rất riêng.
Tuy nhiên Kickboxing Nhật Bản sử dụng thế tấn cao, cách di chuyển nhấc cao chân để phòng thủ các cú đá. Sang tới MMA, khi các võ sĩ cần khả năng chuyển trọng tâm cao - thấp liên tục thì lối di chuyển này không phù hợp.
Kickboxing Hà Lan - là sự kết hợp giữa Kyokushin Karate và Boxing, Kickboxing Hà Lan tỏ rõ khả năng phối hợp giữa những tổ hợp đòn tay phức tạp với kĩ thuật đá của Karate và sau này là Muay Thái.
So sánh với Kickboxing Nhật Bản, Kickboxing Hà Lan thích hợp hơn khi thi đấu MMA, nhưng vẫn có những sơ hở rõ nét.
Lối đánh của người Hà Lan chú trọng chủ động lăn xả với những đòn tấn công liên hoàn, trong khi giữ tay thủ cao ngang mặt. Cả hai điều này tương đối nguy hiểm khi thi đấu MMA, bởi trong khi trao đổi đòn, đôi găng nhỏ 4 oz rất dễ dàng đấm xuyên hoặc đấm vòng qua thế thủ. Mặt khác, thủ tay cao cũng đồng nghĩa với việc khó phòng ngự khi bị quật ngã (takedown).
Đến cả Alistair Overeem - nhà cựu vô địch K-1 người Hà Lan - cũng thừa nhận rằng Kickboxing Hà Lan không thực sự hiệu quả trên sàn MMA. Dù vậy, Kickboxing Hà Lan vẫn có ảnh hưởng đến những đại diện ưu tú trong lồng bát giác, ví dụ như cựu vương Jose Aldo hay Anthony "Rumble" Johnson.
Kickboxing Mỹ - Sử dụng những cú đá và cách di chuyển của Taekwondo, Karate truyền thống với những cú đấm của Boxing, Kickboxing Mỹ sở hữu rất nhiều đòn combo và những đòn đá cao (highkick) hay gối bay (flying knee) bất thình lình có thể knockout đối thủ.
Tuy nhiên Kickboxing Mỹ không sử dụng chỏ, gối và cũng không chấp nhận những đòn lowkick hay quét ngã để tạo điều kiện cho những đòn đá cao. Những hạn chế rất lớn này khiến Kickboxing Mỹ hầu như không có mặt trên đấu trường MMA.
Chute Boxe / Muay Brazil - Đây là bước tiến gần nhất của Kickboxing với MMA.
Vào những năm 1970, phòng tập Chute Boxe tại Brazil bắt đầu dạy Muay Thái. Họ nhanh chóng nhận ra những nhược điểm của Muay Thái truyền thống khi phải đối đầu với Brazilian Jiu-Jitsu và Vale Tudo - đặc sản của người Brazil.
Các huấn luyện viên ở đây đã thay đổi thế tấn rộng hơn, thấp hơn; đồng thời cũng chú trọng vào lowkick và những cú đấm hơn, trong khi giảm bớt tần suất những cú đá bodykick và headkick thần sầu của Muay Thái.
Có một điều khá thú vị là dù Chute Boxe nổi tiếng huấn luyện đánh đứng, những ngôi sao của họ lại có nền khóa siết nổi hơn kỹ thuật striking. Ví dụ như Wanderlei Silva và Mauricio "Shogun" Rua chẳng hạn.
Nói cho cùng, việc chuyển phong cách thi đấu từ Kickboxing sang MMA không dễ dàng. Các Kickboxer có "thói xấu" chủ yếu phòng thủ bằng cẳng tay và găng thay vì di chuyển đầu để tránh né: điều này khiến họ dễ dính đòn hơn.
Bộ pháp của Kickboxing cũng phải thay đổi bởi trong Kickboxing các võ sĩ chưa bao giờ phải lo về nguy cơ bị quật ngã và kéo xuống sàn như khi thi đấu MMA.
Ngoài những trường phái kể trên, còn có những trường phái mang đặc thù riêng như Tán thủ với kĩ năng áp sát và vật nhanh, hay Shooto Boxing – sự phối hợp của Kickboxing Nhật Bản với những đòn quật của Judo... cũng cho thấy tiềm năng phát triển trong MMA sau này.