Cả thế giới biết đến Muay Thái mà quên đi những môn võ của các quốc gia lân cận. Nhưng thực sự, liệu nền võ thuật này có thuộc về riêng người Thái?
Theo lịch sử chính thống của Thái Lan, từ thời Sukhothai ở thế kỷ 13 nền võ thuật của người Xiêm và điển hình là Muay Thái (thời này vẫn được gọi dưới cái tên "Ram Mad Ram Muay") đã phát triển cực thịnh và được Hoàng gia chú trọng.
Như vậy, Muay Thái đã phát triển từ trước đó ít nhất một thế kỷ. Cũng theo lịch sử Thái Lan, người Xiêm cổ có hàng trăm năm chiến tranh liên miên với người Miến Điện (Myanmar ngày nay) và người Khmer (Campuchia).
Leithwei của người Myanmar có hình thức thi đấu rất giống Muay Thái.
Người Miến Điện tự xưng nền võ thuật của họ đã có từ thời thị tộc Pyu khoảng 200 năm trước Công Nguyên, tức là gần 1000 năm trước thời Sukhothai của người Thái.
Tương tự, nền võ thuật của người Khmer cũng đã phát triển từ thời Angkor - khoảng năm 800 sau Công nguyên. Chính nền võ thuật ấy đã hình thành nên bộ môn Bokator.
Bokator của Campuchia tuy là một môn võ tổng hợp nhưng được tổ chức thi đấu với luật giống Muay Thái hiện đại.
3 môn võ này thực sự có mối liên hệ như thế nào?
Không có nhiều sử liệu chứng minh mối quan hệ giao lưu giữa 3 môn võ - 3 quốc gia. Sự "giao lưu" duy nhất thực sự tồn tại là những cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài hàng trăm năm.
Khác với nền võ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản - vốn là những mảnh đất coi trọng sự khác biệt trong khái niệm "bộ môn", nền võ thuật Nam Á có tư tưởng thoáng hơn nhiều. Về bản chất, cho đến trước khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, các môn võ Nam Á đều là võ chiến trận.
Nhìn vào bức ảnh này, nhiều người sẽ nghĩ đó là cảnh thi đấu Muay Thái cách đây vài chục năm. Không, Bokator đấy!
Trong thời điểm này, "võ thuật" là công cụ sinh tồn, hệ thống kỹ thuật bị thử thách liên tục và những gì không hiệu quả sẽ bị loại bỏ nhanh chóng. Quá trình sàng lọc ấy không chỉ bỏ đi những thứ cũ yếu mà còn tiếp thu cái mới, cái hay.
Tuy không có nhiều bằng chứng về sự giao thoa võ thuật nhưng ở nhiều yếu tố như tư duy tác chiến quân sự, kỹ thuật luyện kim... người Xiêm, Miến Điện và Khmer có rất nhiều điểm tương đồng, bất chấp những xung đột sắc tộc và lãnh thổ.
Muay Thái nổi tiếng hơn chỉ vì được thừa hưởng hòa bình và sự ổn định kinh tế sớm hơn, dẫn đến việc thể thao hóa và tiến ra đấu trường thế giới trước các đối thủ hàng xóm?
Chiến tranh thế giới bùng nổ. Khi các nước lân cận tiếp tục chìm vào khói lửa thì người Thái Lan lại có được hòa bình và sự phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Muay Thái trở thành môn thể thao đối kháng chuyên nghiệp từ những năm 1920, trong khi Leithwei và Bokator chỉ mới được hồi sinh trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Có thể thấy, Muay Thái của người Xiêm cổ (Thái Lan ngày nay) đã chiến thắng nhờ thời cuộc và đi trước hàng chục năm trên con đường xưng bá thế giới.
Một trận đấu Bokator thể thao.
Nổi tiếng hơn, chuyên nghiệp hơn, đó là những gì không thể phủ nhận ở Muay Thái. Nhưng nhìn ngược dòng lịch sử, có thể thấy tinh hoa võ thuật của người Thái không hoàn toàn thuộc về họ, cũng như Leithwei và Bokator cũng không hoàn toàn thuộc về người Miến Điện hay Khmer.
Tất cả là sản phẩm của hàng trăm năm chiến tranh lẫn nhau, nhưng trở nên khác biệt chỉ nhờ vài chục năm khác nhau trong thời thể thao hiện đại.