[Magazine] Dana White: Từ tay đấm thất bại đến ông trùm UFC

thứ tư 17-1-2018 18:13:32 +07:00 0 bình luận
Từng chỉ là một tay đấm Quyền Anh hạng hai, khó có ai ngờ rằng 31 năm sau Dana White lại trở thành Chủ tịch của UFC - giải đấu MMA hàng đầu thế giới...

Title: Dana White: Từ tay đấm thất bại đến ông trùm UFC

Sapo: Từng chỉ là một tay đấm Quyền Anh hạng hai, khó có ai ngờ rằng 31 năm sau Dana White lại trở thành Chủ tịch của UFC - giải đấu MMA hàng đầu thế giới...

Cũng là Chủ tịch của một công ty khổng lồ, nhưng Dana White là một ví dụ rất khác thường so với hình ảnh các ông trùm, các nhà tài phiệt mà người ta vẫn hay tưởng tượng.

Ảnh 1 (giữa): Dana White - Chủ tịch giải MMA lớn nhất thế giới UFC

Bill Gates sẽ không lăn xả đến các công ty khác để mời chào nhân viên mới. Warren Buffett cũng sẽ không đẩy ngực ở mức tạ 136 kg. Dana White không chỉ làm tất cả những điều trên, mà ông còn thường xuyên bận áo phông quần bò, gồng hết lực trong những buổi tập gym và thậm chí lên sàn đối luyện y như các võ sĩ của ông vậy.

"Đằng sau một con người khác thường là một câu chuyện phi thường" - hành trình từ một tay đấm Quyền Anh hạng hai đến vị Chủ tịch UFC của Dana White là một minh chứng rõ ràng cho điều đó.

Ảnh 2 (full màn hình): Boston, những năm 1990

Tay ma cà bông ở Boston

Ở cái tuổi 18, Dana White đích xác không phải là mẫu thanh niên ngoan ngoãn.

Từng bị đuổi học tại Las Vegas, White chuyển đến sống với người dì tại Maine trước khi đến Boston học Cao đẳng. Nhập học tại Boston chưa đầy một năm, White lại bị đuổi học do thành tích bất hảo và cúp cua quá nhiều.

Không dám vác mặt về nhà dì, Dana White cho biết ông phải nhận đủ thứ việc trên đời để có tiền ăn ở tại Boston, từ bảo kê hộp đêm cho đến làm công nhân thời vụ.

Ảnh 3 (bên trái): Dana White thời trẻ

"Thời đó, tôi nhớ nhất là công việc đổ nhựa đường, dù tôi chỉ làm có vài tháng," Dana White kể lại trên tờ Boston Globes. "Mùi hắc ín cộng với sức nóng của mặt đường mùa hè thực sự kinh khủng. Tôi đã phải cảm ơn công việc đó vì nó đã rèn cho tôi một tinh thần thép đến tận giờ."

Trải đời sớm, Dana White không lạ gì các trận chiến đường phố. Bản thân ông không ít lần tham gia vào những cuộc hỗn chiến như vậy. White thậm chí còn lén dàn xếp những trận đấu "chui" giữa các công nhân để giải quyết mâu thuẫn theo lối giang hồ.

Ảnh 4 (bên phải): Tom Evangelista, sếp cũ của Dana White

"Tôi vẫn nhớ Dana White, cậu ta là gã đầu têu của đám lính mới," Tom Evangelista, ông chủ của EJ Paving - công ty cũ mà Dana White từng làm việc, cho biết. "White hay sắp xếp các kèo đánh nhau trong giờ nghỉ. Nhìn thấy có mấy người bầm tay bầm chân là biết ngay chuyện gì đã diễn ra trước đó."

White chỉ làm tại EJ Paving trong mùa hè. Nhờ sức vóc, ông được tuyển vào làm nhân viên hành lý tại khách sạn Boston Harbor. Kể cả ở đây, White vẫn tìm được cách thỏa mãn thú vui đánh đấm. Ông tập Quyền Anh đều đặn và tiếp tục "nối kèo" cho những trận ẩu đả khuất tầm mắt của các ông chủ.

"Luật bất thành văn lúc đánh nhau là tuyệt đối không được tạo ra vết bầm, vết xước từ cổ trở lên," White kể lại. "Chúng tôi không thể để ông chủ hay khách trọ phát hiện điều đó."

Công việc tại một khách sạn đang ăn nên làm ra khiến Dana White có đủ tài chính để sống sung sướng. Nhưng White không muốn tiếp tục làm mãi thứ công việc mà ông cho rằng đang "hạ thấp giá trị bản thân mình".

Thế là White bỏ việc ở khách sạn và toàn tâm toàn ý vào lĩnh vực ông mê mẩn: Quyền Anh.

Clip 1 (giữa): Dana White đối luyện Quyền Anh vào năm 2016

Tay đấm Quyền Anh hạng hai

Dana White không nhớ nổi thành tích Boxing chính xác của mình. Trong một phỏng vấn vào năm 2007, ông tự nhận thành tích Quyền Anh không chuyên của mình là thắng 13, thua 4, nhưng trong một bài báo của Las Vegas Review-Journal, White lại nói rằng ông đã thắng 33 thua 10.

Dẫu sao, có hai chi tiết không thay đổi: White đấu ở hạng Middleweight và chưa bao giờ có cơ hội thượng đài Boxing chuyên nghiệp.

"Tôi từng rất yêu Quyền Anh, thậm chí trong một vài năm, đó đã là ước mơ của tôi. Nhưng vào năm 21 tuổi, tôi gặp tai nạn khi đối luyện," White kể lại.

“Tôi bị thương ở chỏ và mũi. Sau đó, tôi đã nghĩ lại về việc mình đã sẵn sàng tâm lý lên sàn Quyền Anh hay chưa. Có lẽ là chưa. Tôi đã khá hèn nhát khi không tiếp tục ước mơ ấy.”

Ảnh 5 (giữa): Dana White đã mở những lớp Boxing theo phong cách Aerobics từ đầu những năm 90

Thế là White chuyển sang kinh doanh. Ông hùn vốn cùng một người bạn, một tay đấm Quyền Anh khác, mở câu lạc bộ dạy các bài tập Boxing theo phong cách Aerobics để giúp các chị em nội trợ giảm cân. Những khóa học của White được đánh giá là "khá vui nhộn", lại có giá rẻ, nên chuỗi câu lạc bộ của White nhanh chóng mở rộng khắp Boston.

Chẳng may cho Dana White, việc làm ăn đang phất khiến ông lọt vào tầm ngắm của xã hội đen. Ban đầu, White chỉ nhận được những cuộc viếng thăm bất chợt từ các tay anh chị. Ông tìm kế né tránh.

Nhưng về sau, một tay giang hồ đột nhập vào nhà Dana White rồi gọi cho ông từ số máy để bàn, yêu cầu White phải nộp 2.500 USD cho "bố già" trước thời hạn một giờ chiều, kèm lời đe dọa sẽ "gõ nát" ông trong trận đấu Quyền Anh tiếp theo.

Không kiếm đâu ra số tiền 2.500 USD, White cắn răng mua một tấm vé máy bay đến Las Vegas. Ông chạy trốn khỏi Boston ngay buổi trưa hôm ấy.

Ảnh 6 (full màn hình): Dana White đáp máy bay rời Boston để trốn nợ

Những bước đi đầu tiên của "Ông trùm MMA"

Dựa vào kinh nghiệm điều hành câu lạc bộ Boxing - Aerobics khi trước, Dana White rất nhanh ăn nhịp với Thánh địa thể thao đối kháng Las Vegas.

Trong gần một thập kỷ, White trải nghiệm khá nhiều lĩnh vực. Ông trở thành người đại diện của một số võ sĩ trẻ như Tito Ortiz và Chuck Liddell; đầu tư một công ty may trang phục Boxing tên là Bullenbeiser và còn có thời gian làm huấn luyện viên Quyền Anh tại phòng tập của gia đình Mayweather.

Ảnh 7 (giữa): Floyd Mayweather mặc áo khoác Bullenbeiser trong 4 trận đấu đầu tiên

"Tôi vẫn nhớ Dana White, thời điểm mà ông ta quẩn quanh tôi và chú Jeff (Mayweather)," Floyd Mayweather nói trong cuộc khẩu chiến trước trận đấu tỷ đô giữa anh với Conor McGregor năm ngoái. "Dana từng xách túi đồ dùm tôi cơ đấy. Dana này, tôi đã mặc trang phục thêu cái logo tí hon của Bullenbeiser đến 4 trận đấu. Ông thấy chưa, tôi từng rất quý mến ông kia mà!"

Lược qua giọng nói chanh chua của Floyd trong cuộc khẩu chiến, Dana White - dù thất bại trên con đường trở thành võ sĩ - lại không hẳn là một huấn luyện viên tệ tại phòng tập nhà Mayweather. Cựu vô địch WBC Ishe Smith từng là đệ tử của Dana White. Anh vẫn nhớ những gì anh được học từ người thầy cũ.

"Tôi học với Dana từ khi còn là một đứa trẻ," Smith kể lại. "Dana là một người thầy rất giỏi, rất chất. Dana chẳng giấu giếm cái tính bỗ bã thô lỗ của mình, nhưng ông ấy cũng là người quan tâm đến học trò nhất. Tôi vẫn nhớ Dana đã đồng hành với chúng tôi như thế nào trong những trận đấu bán chuyên."

Ảnh 8 (giữa): Ishe Smith vẫn tự hào mình là đệ tử của Dana White

Cuối những năm 1990, Dana White bắt đầu chú ý đến sự phát triển của một môn thể thao đối kháng mới - Võ tổng hợp MMA, và giải đấu đầu tiên tổ chức các trận MMA đó - giải Ultimate Fighting Championship, hay UFC.

Môn thể thao không có luật lệ và thực chiến y như những trận đấu đường phố này "cắn" đúng vào sở thích của White. Tuy nhiên, sau một thời gian quan sát, ông nhận thấy rằng UFC còn quá nhiều điểm bất cập. Những trận đấu dã man chẳng có luật lệ gì khiến phần lớn dư luận cho rằng MMA chẳng khác gì một trò chọi chó, chỉ khác là thay người vào chỗ của chó mà thôi.

"Ở thời điểm 1997-2000, UFC bị cấm chiếu trên gần ba phần tư nước Mỹ," White kể lại. "Những người sáng lập giải, Art Davie và Bob Meyrowitz vẫn nỗ lực hết sức nhưng chẳng thay đổi được việc họ sắp phá sản. Mọi người có tin nổi rằng các đài truyền hình từng dám chiếu phim đồi trụy trên các kênh của họ cũng không dám phát sóng UFC không?"

Ảnh 9 (giữa): Dana White và hai anh em nhà Fertitta: Lorenzo Fertitta - Frank Fertitta

Dana White coi đây là cơ hội của ông. Ông gọi cho người bạn thân Lorenzo Fertitta - người đang điều hành sòng bạc nhà Fertitta cùng anh trai Frank tại Las Vegas. Ba người ăn nhịp với nhau, và thế là Zuffa, LLC, một công ty cho hai anh em nhà Fertitta làm chủ đầu tư và Dana White làm Chủ tịch ra lò.

Zuffa mất gần một năm để thuyết phục Art Davie và Bob Meyrowitz bán đứt UFC với cái giá 2 triệu USD.

Không ít người từng cho rằng anh em nhà Fertitta đã ném tiền qua cửa sổ khi mua một giải đấu sắp sập tiệm, nhưng những gì diễn ra trong mười lăm năm sau thậm chí còn vượt qua kỳ vọng của anh em nhà Fertitta đến hàng trăm lần.

Ảnh 10 (full màn hình): 15 năm sau, khán giả đến xem UFC lúc nào cũng chật cứng nhà thi đấu

"MMA sống được rồi!"

Mua lại UFC, Dana White phải đối mặt với cục diện rối rắm mà các ông chủ cũ để lại.

Nếu như trước đó, UFC nổi tiếng với những trận đấu không luật lệ, thì giờ White gạt phắt chúng đi. Ông đặt ra các hạng cân MMA theo mẫu của các hạng cân Quyền Anh, cấm ra đòn vào đầu đối thủ đang quỳ, cấm đá soccer kick và những đòn nguy hiểm khác để UFC thoát khỏi lệnh cấm phát sóng trên truyền hình.

"Kể cả khi có nhiều thay đổi đến thế, từng trận đấu của UFC cũng  phải diễn ra thận trọng như đi trên băng mỏng," Trọng tài kỳ cựu "Big John" John McCarthy, người đồng hành với UFC từ năm 1994 cho biết.

"Suốt những năm đó, chúng tôi cứ nơm nớp sợ một ngày nào đó người ta sẽ gửi trát thông cáo đến để chấm dứt giải đấu."

Clip 2 (giữa): Dana White đã thay đổi như thế nào từ năm 2001 đến năm 2017

Dẫu sao, trời không phụ người. Lỗ đến 34 triệu USD vào năm 2004, mất rất nhiều công sức quảng bá trên các kênh truyền thông, cuối cùng thì UFC cũng đã thay đổi hình ảnh trong lòng khán giả từ một giải đấu dã man thành những trận tranh tài võ thuật gay cấn.

Lượng vé và lượng xem truyền hình của UFC bắt đầu tăng dần, đỉnh điểm là UFC 40: Ortiz vs. Shamrock. UFC 40 đạt được lợi nhuận gần gấp đôi cả 8 sự kiện UFC trước đó cộng lại, và là sự kiện MMA đầu tiên mà khán giả ngồi gần kín nhà thi đấu MGM Grand Garden Arena.

"Khi tôi bước vào lồng sắt của UFC 40, tôi đã nhìn đám đông khán giả đang reo hò cổ vũ cho Ortiz và Shamrock," John McCarthy kể lại. "Một bầu không khí cuồng nhiệt tràn ngập nhà thi đấu. Đó là lần đầu tiên tôi đã nghĩ, có lẽ, cuối cùng thì MMA có thể sống được trên đất Mỹ rồi."

Ảnh 11 (giữa): UFC 40: Tito Ortiz vs. Ken Shamrock

Cuộc chiến mạng xã hội

Từng phải vật lộn trước lực cản từ truyền hình, báo chí và định kiến xã hội rằng MMA là một môn thể thao dã man, Dana White hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của cuộc chiến truyền thông. Suốt những năm về sau, thậm chí kể cả đến hiện tại, có lẽ không một giải đấu MMA nào đầu tư vào truyền thông nhiều như UFC.

"Nếu không có Twitter hay Facebook, có lẽ UFC vẫn sẽ đạt được vị thế như hiện tại, nhưng sẽ cần một thời gian rất dài," Dana White nhận định trong một phỏng vấn vào năm 2011. White luôn chủ động mở rộng các kênh truyền thông của giải đấu, của các võ sĩ cũng như chính bản thân ông.

Clip 3 (giữa): Đoạn video Mike Tyson trêu chọc Dana White từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội một thời gian dài.

"Trước khi có mạng xã hội, chúng tôi phải mua báo, nghe đài, trả lời trực tiếp,... mà vẫn chẳng rõ chúng tôi có tiếp xúc được với những người thực sự quan tâm đến MMA hay không. Giờ thì cả triệu người trên Twitter theo dõi tôi. Họ nhấn nút Follow để biết những gì đang diễn ra, và tôi sẽ cho họ những thông tin họ muốn."

"Trang Facebook của chúng tôi đang có lượng tương tác chóng mặt. Đây là một phương án rất hiệu quả để hấp dẫn thêm fan hâm mộ cho giải đấu, cho MMA. Chúng tôi đang có rất nhiều fan mới, và MMA trở thành chủ đề trò chuyện của rất nhiều người. Thật tuyệt! Chắc chắn mạng xã hội sẽ là tiêu điểm để chúng tôi phát triển chiến lược trong chí ít 5 năm nữa."

Kết quả là đến năm 2018, bản thân Dana White hiện đang có gần 5 triệu người theo dõi trên Twitter, gấp đôi cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Trang Twitter của UFC có 6,5 triệu lượt theo dõi, vượt qua con số 5,8 triệu follower của trang Twitter Olympic.

Clip 4 (giữa): Dana White và Conor McGregor chơi game, tái hiện lại trận McGregor - Aldo

Điều gì khiến tương tác của Dana White và UFC trên mạng xã hội lại thành công đến thế?

"Phải thật và phải nhanh," Dana White trả lời.

Ngài Chủ tịch UFC không ra vẻ đạo mạo. Dana White có thể chửi thẳng mặt những khán giả chê trách quyết định của ông trên Twitter, cũng có thể xin lỗi vì sai lầm kỹ thuật của UFC hoặc khi các võ sĩ khiến khán giả thất vọng. Trang Twitter và Facebook của White cập nhật hàng ngày về những thông tin hậu trường, từ họp báo, cân ký, khán giả bên ngoài sàn đấu, võ sĩ sau trận đấu.

White cũng thúc giục các võ sĩ của ông tăng cường tương tác trên mạng xã hội. Đến nay, thậm chí việc khẩu chiến trên Twitter và Instagram đã thành thông lệ mỗi khi các võ sĩ muốn bắt đầu "gạ kèo".

Ảnh 12 (giữa): Việc đấu khẩu trên mạng xã hội đã thành thông lệ với các võ sĩ UFC

Khủng hoảng và những thách thức mới

Dù sở hữu một sự nghiệp phi thường, Dana White cũng không giấu giếm việc ông từng có những phút mất thăng bằng trong cuộc sống.

Tháng 7 năm 2016, UFC chính thức đổi chủ. Tập đoàn WME-IMG mua lại UFC từ Zuffa, LLC với cái giá 4,3 triệu USD. Dana White đáng lý có thể dứt cánh ra đi cùng anh em nhà Fertitta, nhưng ông chọn lựa ở lại.

Ảnh 13 (giữa): Dana White vẫn quyết định ở lại sau khi anh em nhà Fertitta đã bán cổ phần

"Nhìn lại thì hành trình mà chúng tôi, tôi, Lorenzo và Frank đã trải qua là một điều phi thường," Dana White nói trên show truyền hình với Jimmy Kimmel.

"Khi hợp đồng mua bán giữa Zuffa và WME-IMG hoàn tất, tôi đã khóa mình lại trong phòng khách sạn trong vài ngày. Tôi không muốn ăn hay ngủ. Sự thật rằng thời đại của Zuffa đã chấm dứt khiến tôi bứt rứt không yên."

"Thú thực tôi cũng cảm thấy giật mình khi nhìn lại bản thân lúc đó. Nhưng không sao, giờ thì tôi đã vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng. Tôi đang sẵn sàng đối mặt với một thời đại mới, những thử thách mới."

Ảnh 14 (full màn hình): UFC sẽ có tương lai ra sao dưới triều đại mới của WME-IMG?

Từng mất đến gần 3 năm mới đưa UFC vận hành ổn định từ tay những nhà sáng lập, liệu Dana White có cần thêm 3 năm, hay thậm chí nhiều hơn nữa để chèo lái con thuyền UFC yên ổn vượt qua những sóng gió hiện tại?

Bài liên quan
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm