Người tập võ ngày nay rất chú trọng đến dinh dưỡng. Thực ra, kiến thức dinh dưỡng "xịn" đến mấy cũng không hiệu quả nếu như bạn bỏ qua những quy tắc ăn uống thông thường.
Coi chừng "hàng tiền đạo"
Những chiếc răng nằm lộ ra phía trước cung hàm như 8 răng cửa (vâng, theo khái niệm y khoa thì là 8 chứ không phải 4 đâu!) và 4 răng nanh là những nạn nhân tội nghiệp nhất khi bạn bắt đầu tập luyện võ thuật.
Khác với răng hàm được giấu kỹ trong hàm và lớp mô mềm trên má bao học, những chiếc răng cửa và răng nanh thường xuyên hứng trọn va đập khi tập luyện. Chúng dễ gãy hơn khi yếu ớt sẵn hoặc đang cần thời gian phục hồi sau một pha va đập nào đó.
Đừng bao giờ quên miếng bảo hộ răng. Nếu răng cửa bị tổn thương và lung lay đôi chút do va đập hay cắn vật cứng, bạn nên để nó nghỉ thay vì lên phòng tập rủ người khác so găng.
Nếu nghiêm túc tập võ, hãy nghiêm túc luôn với việc chăm sóc những chiếc răng này. Đừng cắn hạt cứng, gặm xương hay uống nước quá lạnh. Bạn có thể không nhận ra nhưng những việc này khiến chân răng cửa hay cả răng nanh yếu từ từ từ và một ngày đẹp trời, một cú đấm nhẹ cũng có thể cho cả "hàng tiền đạo" của bạn giải nghệ.
Bạn cần tinh bột? Nhai kỹ vào!
Khác với các loại dưỡng chất khác, tinh bột không được cơ thể xử lý ở bao tử. Thực tế quá trình phân giải tinh bột nằm ở khoang miệng, khi các thực phẩm chứa tinh bột như gạo, bánh mì... tiếp xúc với enzim trong nước bọt.
Nếu bạn học thuộc được con số trên bảng tính tinh bột nhưng không biết được sự thật về việc hấp thụ tinh bột, cơ thể bạn sẽ không có được lượng dinh dưỡng chính xác.
Thời gian bạn nhai cơm tỉ lệ thuận với mức độ cơ thể bạn hấp thụ tinh bột. Dù bạn có đo đạc hàm lượng dinh dưỡng trong bữa ăn kỹ càng đến mấy, việc nhai không kỹ cũng khiến bạn không có đủ lượng tinh bột như tính toán.
Ngược lại, nếu bạn đang cần tinh bột, hãy nhớ rằng việc bạn nhai chậm một mẩu bánh mì cũng khiến bạn nạp lượng tinh bột bằng nửa chén cơm ăn vội.
Bao tử và cơ bắp của bạn thực ra không... chơi đẹp với nhau lắm đâu
So sánh thú vị vì bao tử và cơ bắp là những người bạn không mấy thân thiết trong cơ thể. Chúng sẽ tranh giành lượng máu để tập trung cho hoạt động của riêng mình. Não cũng tham gia vào cuộc tranh giành đó. Nếu bạn vừa hoạt động trí não hay cơ bắp hết sức, bao tử sẽ co bóp ì ạch và không hấp thụ tốt dinh dưỡng. Nếu bạn vừa ăn no, não và cơ bắp của bạn cũng không hoạt động hết công suất.
Hãy nhớ mối liên hệ này và sắp sếp lịch ăn - tập - làm việc phù hợp.
Máu trên cơ thể bạn thực tế không được chia đều mà sẽ phân bố tùy theo hoạt động ưu tiên hiện tại. Đừng bắt bao tử phải hoạt động khi máu bạn còn tập trung ở não hay cơ bắp.
Học thuộc nguyên tắc "no sau 30 phút"
Thực tế dù ăn với tốc độ bao nhiêu, thực phẩm như thế nào, cơ thể bạn chỉ cảm thấy no sau khi bắt đầu bữa ăn 30 phút. Nếu bạn quá đói sau một buổi tập và lao ngay vào bàn ăn, hãy coi chừng bạn ăn nhiều hơn mức cơ thể cần trước khi cơ thể nhận ra đã đủ no.
Tốt nhất, bạn hãy ăn chậm để kiểm soát đúng lượng tinh bột cũng như biết khi nào cơ thể thực sự no.