Những ai đã chứng kiến đôi chân của Gilbert Melendez sau trận đấu với Jeremy Stephens tại UFC 215 sẽ lại một lần nữa rợn gáy với sức mạnh của những cú Low kick.
Suốt 15 phút thượng đài, cựu vương Strikeforce, Gilbert Melendez (22-7 MMA, 1-5 UFC) đã "ăn" tổng cộng 35 cú low kick vào chân. Hiệp 1 là 11 cú và ở hai hiệp đấu còn lại lần lượt là 14 và 7 cú.
Melendez đã hết sức nỗ lực để đứng dậy sau mỗi cú ngã - đến nỗi cả đối thủ của anh, Jeremy Stephens (26-14 MMA, 13-13 UFC), cũng phải vỗ tay thán phục khi thấy cựu vương Strikeforce quyết đấu đến phút cuối cùng của trận đấu 3 hiệp.
Fullfight trận Gilbert Melendez vs. Jeremy Stephens tại UFC 215:
Tinh thần bất khuất của Melendez xứng đáng một tràng vỗ tay. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để nhắc lại sự đáng sợ của những pha low kick.
Là một trong những đòn đá quen thuộc và phổ biến nhất trong các bộ môn võ thuật đối kháng như Muay Thái, Kickboxing, Karate Kyokushin, Low kick (Leg kick), hay còn được gọi là những đòn phang trụ, phang ống chân, cũng xuất hiện và tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong MMA.
Video Những pha Knockout bằng Low kick tại UFC:
Đòn phang trụ Low kick hết sức đa dạng, khó đề phòng, đặc biệt là khi nó nằm trong combo với những đòn tấn công khác. Mục tiêu của Low kick là phá hủy đôi chân của đối thủ, khiến họ không thể di chuyển, không đứng tấn vững, và kết quả là không thể tấn công hay phòng ngự hiệu quả.
Có quá nhiều nạn nhân đã chứng minh hiệu quả của cú đá phang trụ.
Urijah Faber từng phải chống nạng sau khi "tận hưởng" những pha Low kick từ Jose Aldo. Kết thúc trận đấu với Edson Barboza, Mike Lullo nằm nhà 4 tháng và không bao giờ hồi phục phong độ cũ.
Về phía Muay Thái/ Kickboxing, Buakaw cũng khiến vô số võ sĩ nằm sàn nhờ những cú phang ống.
Thay vì xương mu bàn chân, xương gót như nhiều đòn đá khác, Low kick sử dụng xương ống quyển để tiếp xúc và tác động lực đá vào chân của đối thủ.
Xương ống quyển không thuộc phạm trù xương cứng, ngược lại, nó khá dễ gãy. Do đó để rèn được một đôi chân đủ cứng "chuyên trị" low kick là cả một kỳ công.
Quá trình tái tạo xương sẽ làm xương chân dày hơn, cứng hơn, nên bước đầu tiên mà các võ sĩ phải thực hiện là tự tạo những vết nứt trên xương và đợi chúng lành lại.
Muay Thái có rất nhiều thủ thuật để rèn chân, như gõ chân bằng vật cứng, bằng bó mây, lăn ống sắt nặng lên cẳng chân. Dù vậy, khiến xương chân nứt ra không bao giờ là một quá trình dễ chịu.
Ngoài ra, các võ sĩ cần rèn luyện để không còn cảm nhận đau mỗi khi thực hiện low kick. Thường thấy nhất là đá bao cát nặng liên tục 2 đến 3 lần mỗi tuần.
Việc giữ cho xương ống quyển hồi phục hoàn toàn sau mỗi chấn thương cũng đặc biệt quan trọng, bởi nếu võ sĩ tiếp tục thi đấu trong thời gian vẫn còn chấn thương, xương chân sẽ chỉ càng lúc càng yếu mà thôi.