Lý Tiểu Long
Huyền thoại họ Lý thực tế chưa từng tham gia vào bất cứ sự kiện "MMA" nào, nhưng lại là người truyền cảm hứng và gợi ý rất nhiều cho các thế hệ võ sĩ sau này.
Vào khoảng thập niên 60 - 70 thế kỷ trước, khi làng võ Mỹ nói riêng và thế giới nói chung còn đặt nặng đặc tính "môn phái" thì Lý Tiểu Long đã xây dựng triết lý Triệt quyền đạo, nhấn mạnh việc một võ sĩ giỏi phải là người biết tổng hợp các trường phái, xóa bỏ khoảng cách môn võ hay phong cách võ thuật. Ông thậm chí đã thực hiện một trận đấu với luật tổng hợp trong phim của mình, và điều thú vị là phải đến... 20 năm sau giải đấu UFC mới ra đời.
UFC vinh danh Lý Tiểu Long bằng cách tái hiện ông trong tựa game UFC (hãng EA)
Đáng tiếc rằng ngôi sao đoản mệnh đã qua đời năm 1973 và không thể chứng kiến những lời "tiên tri" của mình về một thời đại võ tổng hợp thành hiện thực.
Royce Gracie
Nhà vô địch 3 mùa UFC 1,2 và 4 (tính từ năm 1993) đã khiến cả thế giới sững sờ khi buộc những võ sĩ to cao hơn mình phải đầu hàng bằng những kỹ thuật khóa siết lạ lẫm. Môn võ Brazilian Jiujitsu chính thức nổi tiếng từ đó.
Thực tế các mùa UFC đầu tiên được lập ra để tạo nên một đấu trường mang tính cạnh tranh giữa các môn võ, đánh vào thị hiếu của khán giả Mỹ thời bấy giờ: ưa thích bạo lực và muốn tìm ra những môn võ hiệu quả nhất.
Brazillian Jiujitsu đã đưa Royce Gracie trở thành ông hoàng của MMA và khiến làng võ phải nhìn nhận lại tư duy lỗi thời
Royce Gracie đã cho khán giả câu trả lời nhưng những võ sĩ khác không chấp nhận câu trả lời đó. Họ nhận ra cách duy nhất để thể hiện sở trường striking, wrestling của mình đó là... bắt buộc phải học Brazilian Jiujitsu để khắc chế những pha đòn khó chịu ấy. Vài năm sau, thế hệ võ sĩ "võ tổng hợp" đầu tiên mới thực sự hình thành, những võ sĩ có thể có một sở trường duy nhất nhưng phải hiểu biết cả ba trường phái Striking - Wrestling - Grappling.
Dana White
Nếu như UFC là lá cờ đầu của làng MMA thì Dana White là con người đã lèo lái UFC với rất nhiều quyết định quan trọng kể từ năm 2001 đến nay. Mềm mỏng trong kinh doanh nhưng cứng rắn với giới truyền thông, khôn khéo xử lý các vấn đề của võ sĩ và cực kỳ "biết điều" với chính quyền Mỹ, Dana White đã giúp UFC sống sót khỏi làn sóng phản đối của giới quản lý thể thao, thâu tóm từng giải đấu đối thủ và đưa UFC trở thành giải MMA hàng đầu hành tinh.
Bạn có thể ghét Dana White, nhưng đừng phủ nhận ông là một trong những nhà kinh doanh thể thao "có máu mặt" nhất lịch sử
Tuy ông có một số quyết định đầy tranh cãi ("bảo kê" quá đà cho Brock Lesnar, ký hợp đồng với Reebok...) nhưng nhìn chung ông vẫn là người có công lớn nhất với sự phát triển của UFC nói riêng và MMA nói chung.
Conor McGregor
Gã điên đến từ Ireland đã làm được hai điều mà rất nhiều thế hệ võ sĩ không thể thực hiện: biến MMA thành sân chơi triệu đô và thu hút lượng khán giả khổng lồ từ bên ngoài làng võ - thậm chí là ngoài làng thể thao.
Thực tế, những hành động đầy tai tiếng của Conor McGregor cũng đẩy làng MMA đến bài toán khó: ủng hộ lối sống đậm tinh thần thể thao như các thế hệ võ sĩ trước hay sử dụng scandal để lôi kéo khán giả. Dù đúng dù sai, đây vẫn là vấn đề trước sau cũng phải giải quyết của MMA - một thể thức đối kháng vốn được lập ra vì mục đích thương mại. Conor McGregor không tạo ra bước ngoặt lịch sử ấy, nhưng anh đã đẩy sự phát triển đến cột mốc này sớm hơn tốc độ vốn có của nó.
Conor McGregor, người đã đưa MMA lên tầm cao mới, quy mô mới và cả những thách thức mới