Rèn tính kỉ luật
Tập võ yêu cầu một nỗ lực không chỉ về thể chất mà còn yêu cầu sự tập trung cao độ bằng tinh thần kỉ luật. Tất cả những điều trên nhằm hướng tới mục tiêu tìm ra những khuyết điểm đang có và động lực để cải thiện chúng.
Kỉ luật còn là yêu cầu để đảm bảo một chế độ ăn lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý và tự cam kết với bản thân sẽ đảm bảo chương trình tập luyện. Khi đã học cách cân bằng để thực hiện nhiệm vụ đề ra cho việc phát triển kĩ năng của bản thân, bạn sẽ rèn luyện và tập trung cho những thói quen tốt của mình.
Liên tục mài sắc những kĩ năng, kĩ thuật của mình cũng đồng thời phát triển tinh thần kĩ luật và sự “chai lì”. Không những thế, một lợi ích vô hình của việc này chính là chống lại những ảnh hưởng tiêu cực mỗi khi bạn gặp khó khăn hoặc thử thách.
Đó chính là đúc kết của võ sĩ người Brazil Alex Silva – người đang thi đấu tại ONE Championship sau hơn 20 năm tập luyện võ thuật. Mặc dù nhiều lần gặp phải những khó khăn, thua trận, Alex Silva vẫn luôn đứng vững và tập trung theo đuổi những mục tiêu của mình.
Sự tỉnh táo
Rất nhiều môn võ lấy sự tỉnh táo, tĩnh tâm làm mục tiêu khi rèn luyện. Có một sự thoải mái về tâm hồn là điều vô cùng quan trọng trong quá trình tập luyện của bạn.
Quá trình tập luyện tâm trí này nghe thực trừu tượng nhưng lại có thể cải thiện tinh thần của bạn. Đây cũng là cách mà võ thuật giúp bạn thư thái tâm hồn sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Trong năm 2019, khi đang thi đấu tại vòng loại Kickboxing Featherweight Grand Prix, võ sĩ Thái Lan Petchmorakhot Petchyindee đã trở về quên hương và tham gia một khóa tu ngắn hạn. Tay đấm người Thái chia sẻ đó là cách để anh thực sự tĩnh tâm, chuẩn bị cho các trận đấu sau đó. Một quãng nghỉ như để chờ đợi sự bùng nổ của bản thân trên sàn đấu.
Sự tự tin
Từ lâu, võ thuật đã được xem như một cách tập luyện thay thế những bài tập thể dục thường ngày. Không chỉ bởi tính ưu việt về kĩ năng, kĩ thuật, nó còn gián tiếp giúp bạn cải thiện sự tự tin qua từng ngày.
Đến phòng tập, bạn có thể dễ dàng có được sự tự tin khi giao tiếp cùng các bạn tập và đồng đội. Từ đó, xây dựng được những mối quan hệ xã hội và có thêm những điểm tựa vững chắc về tinh thần.
Không những thế, quá trình hỗ trợ nhau tập luyện, thi đấu cũng là cách hoàn hảo để xây dựng tinh thần và kĩ năng làm việc nhóm qua từng trận đấu.
Pongsiri Mitsatit – tay đấm đang thi đấu ở hạng Strawweight ONE Championship từng là một cậu bé nhút nhát ở trường học. Tuy nhiên, việc làm quen với Muay Thái và sau này là MMA đã giúp võ sĩ sinh năm 1996 có được sự tự tin khi bước ra đấu trường thế giới.
Một tư duy tích cực
Đây có lẽ là trạng thái tinh thần quan trọng nhất mà một người tập võ hay bất cứ công việc nào cần có.
Sự kỉ luật, tỉnh táo hay tự tin là điều cần thiết để đối mặt với bất cứ thử thách nào. Tuy nhiên, sự tích cực lại là điều cần lấy lại nếu bạn vấp ngã hay gặp một thất bại nào đó.
Tư duy tích cực giúp bạn kiểm soát tốt hơn tâm trí của bản thân, định hướng lại mục tiêu của bản thân mỗi khi gặp khó khăn. Đó là trải nghiệm của hàng trăm võ sĩ trên thế giới mỗi khi họ phải nhận một trận thua nào đó.
Bởi không gì có thể lấy lại cảm giác tự tin sau một trận thua bằng việc quay trở lại tập luyện, hướng tới điều tích cực hơn bằng một chiến thắng.
Võ thuật là tập luyện thể chất, nhưng cũng qua đó rèn luyện cho người tập một tinh thần thép để đối phó với những khó khăn. Đó là lí do vì sao võ thuật luôn được lựa chọn như một cách rèn luyện song song thân thể và tâm trí tuyệt vời nhất từ trước tới nay.