Văn hóa là nơi lưu giữ và phát triển những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đất nước Sudan có truyền thống văn hóa chiến đấu bằng gậy, trong đó người Moro đảm nhận vai trò tiếp thu, duy trì nét văn hóa chiến đấu độc đáo này của vùng núi Nuba, thuộc bang Nam Kordofan, phía bắc Sudan.
Bộ lạc Moro được đảm nhận vai trò lưu truyền văn hóa đấu gậy bởi họ là bộ lạc đấu gậy giỏi nhất trong số các bộ lạc ở vùng núi Nuba. Người Moro xem đấu gậy là một phần di sản của tổ tiên để lại, nên hàng năm, sau mùa thu hoạch họ tổ chức cho trai làng đấu gậy để duy trì nét văn hóa truyền thống này. Họ xem đó là một trong những nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và không bao giờ người Moro dám quên lãng.
Các giải đấu gậy ở vùng núi Nuba thường diễn ra sau khi thu hoạch, với ý nghĩa là một nghi lễ để cám ơn Thiên Chúa đã ban cho một mùa thu hoạch bội thu. Vùng Nuba sẽ không bao giờ diễn ra cuộc đấu gậy vào mùa trồng trọt, điều đó được xem là cấm kỵ, vì cuộc chiến có thể khiến các thanh niên không tập trung cho việc trồng trọt, chăm sóc mùa màng.
Hình thức thách đấu của võ gậy Nuba cũng rất độc đáo, một thanh niên khoảng 17 đến 20 tuổi sẽ nắm tay hoặc cắt vòng tay bằng cườm của vị hôn thê của đối thủ thì đó được xem là lời thách đấu. Sau đó, đối thủ sẽ tuyên bố chấp nhận lời thách đấu bằng cách buộc một chiếc khăn tay hoặc mảnh vải vào nhà của kẻ thách đấu vào ban đêm. Và sáng hôm sau, cuộc đấu gậy giữa họ sẽ được diễn ra.
Võ gậy Nuba được diễn ra với hình thức chiến đấu bằng gậy (vũ khí chiến đấu do cá nhân tự trang bị), cho nên tính nguy hiểm và khả năng sát thương rất cao. Vì vậy, khi thi đấu, các đấu sĩ thường tự trang bị riêng cho mình vài thiết bị bảo hộ như: họ buộc ruy băng bằng vải dày hoặc chăn rách quấn quanh cơ thể, những chiếc mũ làm bằng hạt hoặc thậm chí bằng bùn để đội lên đầu... nhằm mục đích để giảm bớt lực tác động từ những cú đánh và hạn chế chấn thương trong lúc thi đấu.
Cuộc chiến võ gậy Nuba diễn ra kết hợp với âm nhạc, khiêu vũ. Những cô gái sẽ hát trong suốt thời gian các đấu sĩ đang chiến đấu. Lời hát ca ngợi sự dũng cảm của người nhận lời thách đấu, sự dũng cảm đó được ví như con bò, con báo, con voi, con sư tử, là những con vật mà họ tôn vinh. Ngược lại, lời hát cũng thể hiện sự phê phán kẻ thách đấu là côn đồ, hèn nhát và mang tính cách phụ nữ, không đáng mặt đàn ông.
Bởi vì chiến đấu bằng gậy vẫn để lại những thương tích rất nguy hiểm, cho nên những người tham gia thi đấu thường tổ chức cầu nguyện trước khi trận đấu diễn ra, và đôi khi
họ đeo bùa hộ mệnh khi thi đấu. Nếu một trong hai đấu sĩ bị thương nặng, thì anh ta hoặc gia đình anh ta sẽ được bồi thường cho thiệt hại đó bằng một con bò hoặc hàng hóa khác có giá trị tương đương.
Mặc dù văn hóa chiến đấu bằng gậy của vùng Nuba có những lợi ích tốt đẹp như duy trì mối quan hệ xã hội; giữ cho các đấu sĩ có lối sống lành mạnh không bia, rượu, xây dựng
đức tính bản lĩnh cho các thanh niên; nhưng võ gậy Nuba cũng tồn đọng những mặt hạn chế như: tính nguy hiểm cao, chấn thương thường ở mức độ nghiêm trọng, thậm chí tử vong đối với các đấu sĩ tham gia.
Chính vì vậy, trong những năm gần đây, Hội đồng tư vấn Nam Kordofan đã hạn chế hình thức thi đấu này.