Hệ thống rộng khắp
Kickboxing có tuổi đời không thể so sánh với Muay Thái, nhưng bước ra thể thao chuyên nghiệp sớm hơn rất nhiều. Thực tế trong quá trình phát triển, các võ sĩ Kickboxing và Muay Thái có sự giao thoa mạnh mẽ, ảnh hưởng kỹ thuật lẫn nhau nhưng về cơ bản, Muay Thái vẫn chịu sự quản lý chặt chẽ và có phần hơi bảo thủ của Hoàng gia Thái Lan. Trong khi đó, bộ môn Kickboxing lại có hệ thống quản lý tương đối thoáng hơn.
Bộ môn Kickboxing vốn là một "phát minh" của người Nhật, nhưng ngay sau đó đã được xem như đấu trường sẵn sàng chào đón mọi võ sĩ từ Savate (Pháp), Muay Thái, Karate... tham dự. Sự thoải mái đó không chỉ giúp Kickboxing nhanh chóng hoàn thiện bộ kỹ thuật mà còn phát triển ra tầm thế giới nhanh hơn Muay Thái rất nhiều.
Gắn liền với văn hóa Âu - Mỹ
Thực tế văn hóa Âu Mỹ không hoàn toàn chuộng yếu tố "nhiều kỹ thuật" như Muay Thái. Họ thích sự đơn giản nhưng hiệu quả, và đó là lý do vì sao bộ môn Kickboxing không cần chỏ gối (thực ra có đòn gối nhưng hạn chế rất nhiều) vẫn "ăn đứt" Muay Thái. Tương tự như vậy, không phải tự nhiên mà Quyền Anh thành môn thể thao "vua" trong số các môn võ thuật.
Hơn thế nữa, Kickboxing du nhập vào Âu - Mỹ từ rất sớm, gắn liền với những bộ môn đã du nhập trước đó như Karate nên rất nhanh chóng được chào đón, phát triển mạnh mẽ hơn so với Muay Thái.
Hệ thống đòn tay chất lượng
Một yếu tố khác mang nặng vấn đề kỹ thuật đó chính là Kickboxing sử dụng đòn tay triệt để hơn Muay Thái, giúp các võ sĩ gốc Quyền Anh (vốn chiếm phần đa số trong cộng đồng võ thuật) dễ tham gia và phát triển trong bộ môn này. Muay Thái cũng có đòn tay nhưng chấm điểm khá hạn chế để ưu tiên cho đòn đá và các tình huống chỏ gối.
Bộ môn Kickboxing là sân chơi thích hợp hơn cho các võ sĩ giỏi đòn tay, đồng thời thỏa mãn được tâm lý kỹ thuật Âu - Mỹ vốn đã có hàng trăm năm gắn liền với Quyền Anh.