Theo đó, bên cạnh Boxing (Quyền anh), Cử tạ và nội dung cưỡi ngựa nằm trong 5 môn phối hợp hiện đại (modern pentathlon) đã bị loại khỏi danh sách đề xuất các môn thể thao xuất hiện tại Olympic Los Angeles 2028, dự kiến được trình tới các thành viên trong Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trong tháng 2 năm 2022.
IOC đặt ra một lộ trình theo dõi sự thay đổi của các cơ quan quản lý quốc tế của Boxing - AIBA, cử tạ - IWF và năm môn phối hợp hiện đại (UIPM) từ nay tới năm 2023 để quyết định xem những môn thi đấu trên có được đưa vào Thế vận hội Los Angeles hay không.
“AIBA cần thể hiện được họ đã giải quyết thành công các vấn đề trong công tác quản lý, minh bạch tài chính, đặc biệt về vấn đề phát triển bền vững cùng với khả năng làm việc của đội ngũ trọng tài - giám định.” - Ông Bach chia sẻ quan điểm về cơ quan quản lý cao nhất của làng Boxing nghiệp dư AIBA.
Các hoạt động điều hành của AIBA bị liệt vào “danh sách đen” của IOC với những vấn đề thiếu minh bạch tài chính, hay tranh cãi xung quanh một số trận đấu tại Olympic Rio 2016, dẫn tới việc năm 2019 tổ chức này đã bị cấm tham gia điều hành môn Boxing tại Olympic Tokyo 2020 vừa qua. Thay vào đó, IOC đã bố trí một đội ngũ chuyên môn (task force) để tiến hành các hoạt động thi đấu, đồng thời đưa AIBA vào một cuộc điều tra toàn diện hồi tháng 10.
Để có những phương án cải cách phù hợp theo tiêu chí của IOC, phiên họp Đại hội bất thường của Liên đoàn Quyền Anh Quốc tế đã ban hành những thay đổi quan trọng, bao gồm việc thông qua đề xuất của Nhóm Cải cách Quản trị độc lập do chuyên gia Ulrich Haas, hay đổi tên viết tắt của tổ chức từ AIBA thành IBA - như một sự nhận diện của “kỷ nguyên mới trong Boxing”, theo chủ tịch Umar Kremlev đương nhiệm mô tả.
"Như tôi đã hứa trước cuộc bầu cử, các khoản nợ sẽ được xóa sạch. Từ đó chúng tôi có thể hỗ trợ cho các liên đoàn thành viên phát triển quyền anh trên thế giới."
"Với cách tiếp cận mới toàn diện hơn, chúng tôi sẽ cải tổ lại hệ thống trọng tài và giám định, bắt đầu ngay từ giải Vô địch nam thế giới vừa qua, xử lý tất cả các vấn đề còn tồn tại để hướng tới một kỉ nguyên mới trong sạch của Boxing."
"Các hoạt động được tiến hành để đảm bảo sự khách quan và minh bạch của trọng tài và giám định. Một quy trình đánh giá lại sẽ được đưa ra và nếu có bằng chứng về sự thao túng hay gian lận, những người đó sẽ không được phép tham dự dù với tư cách khán giả." - Ông Umar Kremlev khẳng định.
Những thay đổi tích cực của AIBA (nay là IBA) trong thời gian gần đây bao gồm việc xử lý các khoản nợ từ đội ngũ tiền nhiệm, kêu gọi tài trợ cho các giải đấu cấp Châu lục và Thế giới, rà soát năng lực của đội ngũ trọng tài và sẵn sàng loại bỏ tư cách nếu phát hiện có gian lận hoặc vấn đề về chất lượng chuyên môn. Đồng thời, một Ủy ban Liên chính Quyền Anh cũng được thành lập, hoạt động độc lập nhằm giám sát toàn bộ các tranh cãi, quyết định xử phạt, bê bối và nghi án doping ở các cấp độ, hướng tới mục tiêu trung và dài hạn.
Tương tự như các cơ quan quốc tế của Boxing, Liên đoàn Cử tạ Thế giới (IWF) cũng được đặt trong tầm ngắm khi môn thể thao này dính hàng loạt bê bối trong vấn đề gian lận doping của các vận động viên. Cử tạ Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của "làn sóng dữ" này khi có tới 4 vận động viên nhận quyết định cấm thi đấu trong hai năm. Ngược lại, việc phát hiện các trường hợp dương tính doping môn cử tạ giúp vận động viên Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam nhận huy chương Đồng sau... 9 năm chờ đợi.
Bên cạnh những môn thể thao gây tranh cãi và đối diện với việc không được xuất hiện ở Olympic, các môn mới như trượt ván, lướt sóng hay leo núi thể thao đã được bổ sung vào danh sách, dựa trên mục tiêu tiếp cận các khán giả nhỏ tuổi của IOC.