Tìm hiểu về những nội dung thi đấu Kickboxing tại Việt Nam

Lâm Gia
thứ hai 19-10-2020 17:05:53 +07:00 0 bình luận
Kickboxing tại Việt Nam có những nội dung nào, luật thi đấu Kickboxing Full Contact, Kickboxing Low Kick, Kick Light ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

Không giống như các bộ môn võ thuật thi đấu thể thao khác, Kickboxing tại Việt Nam nói chung và thế giới nói riêng chia làm rất nhiều nội dung. Hiện tại ở Việt Nam, 2 nội dung thi đấu đang được sử dụng phổ biến nhất là luật Full Contact và Low Kick.

Hiện tại, Kickboxing Việt Nam đang sử dụng bộ luật của Hiệp hội các Tổ chức Kickboxing Thế giới (WAKO) trong các nội dung thi đấu của mình. Bài viết dưới đây được tóm tắt từ các tài liệu cung cấp bởi tổ chức này tới các thành viên.

Kickboxing Full Contact

Với luật Full Contact, võ sĩ sẽ thi đấu trên võ đài dây 4 góc tương tự như các bộ môn Boxing, Muay. Trong đó, luật Full Contact có một số điểm đáng chú ý sau.

Các kĩ thuật được sử dụng:

  • Đòn tay: tất cả các đòn đấm thẳng – móc – xúc của Boxing. Như vậy, các đòn vả lòng bàn tay, lưng bàn tay đều không hợp lệ
  • Đòn chân: các đòn đá thẳng – ngang – vòng cầu – vòng cầu nghịch (crescent kick) – xoay người – đá chẻ - đá bay – đá móc – quét chân (chỉ được quét từ mắt cá trở xuống). Không được tấn công đối thủ bằng phần ống chân.

Full Contact là bộ luật Kickboxing phổ biến nhất ở các giải thuộc hệ thống WAKO.

Bên cạnh đó, trong mỗi hiệp đấu, võ sĩ bắt buộc phải tung ra tối thiểu 6 đòn đá. Sau từng hiệp, giám định sẽ thống kê số lượng đòn tới trọng tài chính và quyết định trừ điểm nếu các võ sĩ liên tục mắc lỗi thiếu tích cực sử dụng đòn đá.

Các võ sĩ có thể giành chiến thắng bằng tính điểm, knockout, trong tài dừng trận, đối thủ phạm lỗi, bỏ cuộc. Nếu trong một hiệp đấu, võ sĩ nào có 3 tình huống bị đánh choáng/ngã, võ sĩ đó cũng sẽ bị xử thua knockout kĩ thuật (TKO); với lứa tuổi trẻ, số lượng này giảm xuống còn 2 lần.

Kickboxing Low Kick

Tương tự như luật Full Contact, tuy nhiên, luật Kickboxing Low Kick được cho phép mở rộng hơn về số lượng đòn cũng như các mục tiêu tấn công.

Theo đó, ngoài các cú đá cơ bản, luật Low Kick cho phép võ sĩ đá đối thủ bằng ống chân (các đòn phang ống), mục tiêu được mở rộng bao gồm cả phần đùi – bắp chân đối thủ.

Luật Lowkick cho phép các võ sĩ sử dụng thêm các đòn phang ống – phá trụ.

Về cơ bản, luật Kickboxing Low Kick khác với luật Full Contact ở hai điểm là các đòn đá bằng ống chân, các đòn phang trụ đều hợp lệ và võ sĩ không bị bắt buộc về số lượng đòn đá trong mỗi hiệp thi đấu.

Kick Light (Light Contact)

Ở Việt Nam, nội dung Light Contact còn khá xa lạ ngay cả với các vận động viên thi đấu, bởi ở các giải trong nước, chúng ta chỉ duy trì 2 nội dung chính là Low Kick và Full Contact.

Tuy nhiên, ở SEA Games 30, khi nước chủ nhà Philippines lần đầu tiên đưa Kickboxing vào thi đấu, Light Contact chiếm 2 hạng mục huy chương. Đây cũng là sự bất ngờ khiến các võ sĩ Việt Nam bỡ ngỡ và để lỡ cơ hội giành huy chương vàng.

VIDEO Võ sĩ Lại Thị Nga dừng bước ở tứ kết khi gặp đối thủ chủ nhà Gina Iniong tại SEA Games 30 (nội dung Light Contact)

Trong luật Light Contact, thay vì thi đấu trên võ đài dây, võ sĩ sẽ thi đấu trên thảm (tatami) hình vuông và sẽ bị trừ điểm khi bước ra khỏi thảm trong quá trình thi đấu.

Các kĩ thuật của nội dung Light Contact tương tự luật Low Kick nhưng “phải kiểm soát lực và điểm chạm ra đòn”, ví dụ như các đòn đá chẻ, đá bay xoay người, đá móc chỉ được tiếp xúc bằng lòng bàn chân (thay vì gót chân).

Tương tự như Low Kick, các võ sĩ thi đấu luật Light Contact không bị bắt buộc số lượng đòn đá. Tuy nhiên, võ sĩ vẫn cần chủ động tấn công và ghi điểm, đặc biệt là các đòn đá bay để được đánh giá cao hơn trong mắt các giám khảo.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm