Năm 2000, Taekwondo đánh dấu lần đầu tiên gia nhập Olympic với tư cách môn thể thao tranh huy chương chính thức. Cũng tại đây, nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân mang về tấm huy chương đầu tiên cho đoàn thể thao Việt Nam tại một kỳ Olympic khi giành tấm huy chương bạc hạng -57kg ở bộ môn này.
Tuy nhiên, sau Trần Hiếu Ngân, dù có nhiều vận động viên đạt thành tích cao, vô địch ở những giải Thế giới, Taekwondo Việt Nam vẫn chưa có một cá nhân nào tiếp nối thành công của đàn chị.
Đáng buồn hơn, lực lượng của chúng ta đang có phần tụt hậu so với Taekwondo Thế giới. Điển hình là tại Olympic 2016, lần đầu tiên Việt Nam vắng mặt tại đấu trường này sau 4 lần tham dự trước đó. Tại kì đại hội năm 2012, hai võ sĩ Chu Hoàng Diệu Linh và Lê Huỳnh Châu cũng không thi đấu thực sự ấn tượng.
Lí giải cho sự xuống dốc này, có thể phải kể đến sự thích nghi của Taekwondo Việt Nam với thế giới. Trong khi những năm trở lại đây Taekwondo thay đổi rất nhiều về luật thi đấu, cách tính điểm, công nghệ tính điểm khiến vận động viên của chúng ta khó bắt kịp do cơ sở vật chất còn hạn chế.
Năm 2016, cựu VĐV Trần Hiếu Ngân trong cuộc chia sẻ sau khóa đào tạo trọng tài của Hiệp hội Taekwondo Châu Á tại Hàn Quốc cho biết, luật thi đấu của bộ môn này thay đổi theo từng năm. Chính vì thế, chỉ cần chậm chân hơn các nước là võ sĩ của chúng ta đã thua ngay từ trước khi thượng đài.
“Khác biệt của hơn chục năm trước với bây giờ là tốc độ thi đấu. Điểm cho từng đòn đánh cũng khác. Ngày trước, đòn đánh vào vùng mặt hay giáp đều chỉ được 1 điểm. Vì vậy, muốn đánh thắng đối thủ chỉ có cố gắng đá vào mặt làm sao cho đối thủ knock-out.” – HLV Trần Hiếu Ngân chia sẻ.
“Còn giờ đây, các võ sĩ ra đòn nhanh hơn và điểm thì cũng khác. Cụ thể, khi đá vào vùng bụng được 2 điểm, đá vào mặt được 3 điểm và thậm chí đến 4 điểm nếu là đòn đá xoay vào vùng mặt. Do đó, việc tập luyện và chiến thuật thi đấu thế nào cũng cần phải nghiên cứu và đưa vào giáo án sao cho thích hợp với từng thế mạnh của VĐV.”
Chỉ một câu trả lời của HLV Trần Hiếu Ngân đã cho thấy sự thay đổi toàn diện từ “cảm quan” sang “công nghệ” của Taekwondo thế giới.
Ngoài việc bắt kịp xu thế công nghệ, công tác tuyển chọn, đào tạo và định hướng mục tiêu của Taekwondo Việt Nam cũng là vấn đề đang được cân nhắc lại. Bởi giữa bộ môn Taekwondo thuộc Tổng Cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, còn chưa có sự phối hợp chặt chẽ.
Việc để các vận động viên đỉnh cao giải nghệ, chưa có lứa mới kế thừa khiến Taekwondo Việt Nam liên tục rơi vào tình trạng ngắt quãng. Thậm chí, việc có các chuyên gia Hàn Quốc thường xuyên túc trực cũng khó đối phó được với thực trạng này.
Năm 2019, HLV Kim Kil Tae của đội tuyển Việt Nam chia sẻ về thực trạng của Taekwondo Việt:
"Những VĐV trẻ dưới 20 tuổi có tài năng ở Việt Nam hiện tại nếu thi đấu ở Hàn Quốc có thể nhận được khoảng 7.000 USD/tháng (khoảng 160 triệu đồng).
Khi thi đấu ở giải Vô địch quốc gia, nếu giành chức vô địch họ có thể nhận được 200.000 USD tiền thưởng (khoảng 4,6 tỷ đồng)."
Với “công nghệ” tính điểm cũ, Taekwondo Việt Nam có thể tiếp thu được kinh nghiệm thi đấu qua các chuyến tập huấn tại Hàn Quốc cũng như sự hỗ trợ từ các chuyên gia.
Nhưng với tình hình hiện tại, việc tự chủ, giải quyết cân đối giữa kinh phí – đào tạo – thi đấu là điều Taekwondo Việt Nam cần hướng tới nếu muốn tiếp tục có vị trí cao tại Olympic.