Cụm từ “Smack Down” hay “WWE” cũng đã khá quen thuộc với khán giả truyền hình Việt Nam từ khi kênh thể thao True Sports của Thái phát sóng vào những năm 2000. Nhưng chính xác thì “Smack Down”, “WWE” là gì?
Khái niệm
Những gì các khán giả Việt Nam được thấy ở các chương trình phát sóng của WWE được gọi là Professional Wrestling, đấu vật chuyên nghiệp, hay còn gọi là đấu vật biểu diễn. Khác với khá nhiều người nghĩ, đây là một thể loại giải trí, không phải thi đấu chuyên nghiệp như chữ “Pro” hướng tới.
Pro Wrestling là một hỗn hợp giữa kịch sân khấu, đấu vật và các môn thể thao đối kháng khác, với những tính chất riêng độc nhất như: kết quả được định sẵn, sự phối hợp giữa 2 hay nhiều “đối thủ”, nhân vật tốt và xấu...
Thế nên một sự kiện đấu vật sẽ được tổ chức như một sự kiện giải trí sân khấu, chỉ đơn giản thay thế sân khấu là sàn đấu với người nghệ sĩ là các đô vật và nội dung truyền tải của từng trận đấu là những câu chuyện đơn giản nhưng thú vị và lôi cuốn, đôi khi hài hước, dí dỏm.
Đô vật cuốn khán giả vào một thế giới khác mà trước mắt họ là những nhân vật tốt xấu, rồi để họ thả mình giải trí, quên đi một ngày làm việc mệt nhọc.
Cái giả của đô vật, và đổi lại là gì?
Nói tới việc kết quả được định sẵn, và các đòn đánh thực sự không nhắm tới mục đích là triệt hạ đối thủ, nhiều khán giả đã vội đưa tới kết luận rằng “nó là giả, coi làm gì”. Nhưng thật sự đấu vật biểu diễn tồn tại và thịnh hành được là nhờ vào yếu tố kịch và yếu tố giải trí.
Điều làm đô vật/đấu vật biểu diễn nổi bật
“Nó đánh giả đấy, đừng coi nữa, vớ vẩn!” Đây là câu ngộ nhận của đa số người hâm mộ WWE khi tới một độ tuổi nhất định. Nhưng liệu một thứ “giả” như thế, sao có thể phủ sóng sản phẩm của mình trên khắp thế giới?
Đa số những gì được phát sóng cho khán giả toàn thế giới đều đã được đội ngũ hậu trường của WWE lo liệu, tính toán trước. Những siêu sao đấu vật tham gia “tỉ thí” trên võ đài đều đã bàn trước kết quả, và cùng nhau thảo luận, phối hợp để có một trận đấu mãn nhãn, trong một phạm vi thời gian cho phép.
Những câu chuyện thú vị trong thời kỳ Ruthless Aggression (2002 - 2007).
Cái cuốn hút ở đô vật là ở “drama”, câu chuyện đằng sau màn tỉ thí. Tại sao hai người đánh nhau, thù nhau, vai xấu làm gì, vai tốt đáng thương như thế nào, có kết nối được với khán giả không?
Ví dụ điển hình là Daniel Bryan của WWE, là một người tài năng như lại bị chính quyền công ty ngược đãi (trên cốt truyện), khán giả như bị cuốn vào quá trình đấu tranh của anh, và rồi tới một cái kết mãn nhãn là anh giành được cả hai đai World heavyweight và đai WWE trong đêm Wrestlemania.
Câu chuyện của Daniel Bryan và sự chèn ép của WWE lên anh
Khán giả tìm thấy bản thân mình qua câu chuyện của Bryan. Họ kết nối với màn kịch trên sàn đấu để rồi hòa mình với cảm xúc thỏa mãn khi người hùng của họ giành chiến thắng.
Để trải nghiệm đấu vật biểu diễn thì cần gì?
Trước đây đô vật được coi như một môn thể thao, các mánh trong nghề chưa được tiết lộ và không ai biết về việc có kịch bản, thắng thua sắp đặt. Nhưng rồi thời đại công nghệ ập tới và chính nó phải chuyển mình để tồn tại.
Không chỉ công bố sự thật sau hậu trường và thêm nhiều vào những đòn đánh đẹp mắt để giải trí cho khán giả, dần dần các đô vật xây dựng cho mình những cá tính, hình thành một nhân vật riêng cho bản thân mình. Từ đó, họ tạo nên sự đặc sắc trong các show diễn.
Khi xem đô vật thì đừng nghĩ nhiều về chuyện thật hay giả. Hãy xem đấu vật như xem một vở kịch vậy, cho phép bản thân thả lỏng đầu óc và tin vào màn diễn của các đô vật, cùng hò reo hoặc la ó tùy thích và cùng hòa vào không khí của đám đông khán giả.