Phân tích chuyên sâu: Lomachenko và chuyện cắm trụ chân trước - chân sau

Khôi Nguyên
thứ năm 8-10-2020 11:40:00 +07:00 0 bình luận
Khi nói đến Vasyl Lomachenko, người ta nhắc đến tốc độ, footwork, nhưng ít ai chú ý đến cách sử dụng chân trước đến thần kỳ của anh. Thực tế, đó mới là điểm nhấn trong footwork của Lomachenko.

Sự khác biệt trong footwork Vasyl Lomachenko

Không đơn thuần chỉ là việc tìm kiếm những góc đánh hợp lý và tránh né đòn hoàn hảo, footwork của Lomachenko đẹp đến ảo diệu là bởi khả năng luồn lách nhảy múa xung quanh đối thủ. Đó không thuần lùi bước phá nhịp. Đó cũng không phải những bước tịnh tiến với tốc độ chớp giật. Footwork của Lomachenko là thứ đeo bám dai dẳng đến khó chịu cho bất kỳ ai đứng đối diện.

Chiếc cằm giấy và nắm đấm nhồi bông

So sánh với Manny Pacquiao, người cũng có kỹ năng footwork rất tốt cùng với một tốc độ đáng nể như Lomachenko, footwork của võ sĩ Ukraine vẫn mang vẻ đeo bám dai dẳng đến lố bịch. Sự khác biệt duy nhất nằm ở việc Pacquiao sở hữu nhiều sức mạnh hơn Lomachenko và huyền thoại Philippines cũng có một chiếc cằm cứng hơn chút đỉnh.

Lomachenko không có cả sức mạnh lẫn sức chịu

Chính vì sự khác biệt đó, lối sử dụng footwork của Lomachenko buộc phải cẩn thận hơn để tránh những sai lầm đáng tiếc. Nên nhớ rằng, chiếc cằm của Lomachenko yếu đuối đến nỗi, chỉ cần một đấm của Jorge Linares, anh đã phải ngã xuống sàn.

Vì không thể dùng sức mạnh để gây tác động lên đối thủ, Lomachenko buộc phải dùng chiến thuật mưa dầm thấm lâu, nhưng từ đây cũng lại phát sinh một vấn đề khác. Nếu như Lomachenko cứ chọn lối vào và ra in-out truyền thống, chắc chắn anh sẽ bị bắt bài như cái cách mà Marquez đã bắt bài Manny Pacquiao tại trận đấu thứ 4 giữa họ.

1-1-2 là sở trường của Pacquiao

Nhưng nó cũng quá mạo hiểm khi gặp phải những tay đấm nặng đòn như Manuel Marquez

Thêm một yếu tố nữa là cú đấm của Lomachenko cũng không thực sự nặng ký để gây ra các hiệu ứng lâu dài xuyên suốt trận đấu. Nói cách khác, Lomachenko cần cho đối thủ lãnh đấm tần suất cao, vì nếu anh cho đối thủ có thời gian ngơi nghỉ, đối thủ của anh sẽ có khả năng hồi phục lại hoàn toàn và lại trở về với trạng thái khỏe khoắn như ban đầu.

Thế giới có Golovkin không bao giờ bị đánh ngã, nhưng thế giới cũng có Manuel Marquez, cứ mỗi lần ngã xuống là lại trở nên mạnh mẽ hơn. Nếu gặp phải một ai đó như Golovkin hay Marquez, lối đánh in-out truyền thống rất có thể bị bắt chẹt chỉ với một giây ra đòn duy nhất.

Footwork của Lomachenko

Với tất cả những điểm yếu chết người kể trên, rõ ràng Lomachenko có thể trở thành một Amir Khan tiếp theo, nhanh như chớp nhưng cũng chóng tắt điện. Dù vậy, Lomachenko và đội ngũ HLV đã có một hướng suy nghĩ khác ít người ngờ đến: Tại sao phải chạy trốn thật xa khỏi đòn đánh, trong khi bạn có thể nhảy múa xung quanh nó? Từ đó, chiến thuật footwork tạo áp lực kiểu zig zac của Lomachenko ra đời.

Footwork của Lomachenko không đề cao việc chạy thoát khỏi đòn đánh, mà footwork của Lomachenko đề cao việc làm thế nào để có thể duy trì được nhiều áp lực nhất, nhưng vẫn an toàn nhất. Để duy trì áp lực tốt, Lomachenko cần ở gần đối thủ để tung đấm. Để đảm bảo được an toàn, Lomachenko phải di chuyển liên tục.

Vừa phải giữ cự ly đủ gần để tung đấm, vừa phải đảm bảo an toàn, nghĩa là nhịp độ thi đấu của Lomachenko luôn được giữ ở mức cao nhất (nghĩa là phải đấm nhiều nhất), nhưng phải hạn chế đổi đòn hết mức có thể. Từ đó Lomachenko phát triển lối footwork di chuyển ngắn nhưng cần bẻ góc thật nhiều và thật linh hoạt.

Do các yêu cầu đó, lối footwork của Lomachenko tập trung tối đa vào tính linh động và phải đạt thăng bằng tối đa trong khi di chuyển. Để rút ngắn cự ly, Lomachenko sử dụng kỹ thuật in-out bình thường. Nhưng khi muốn duy trì cự ly đánh, Lomachenko phải biến tấu và sử dụng chân trước rất nhiều.

Cái chân trước thần kỳ

Nghệ thuật in-out và thuật dùng tay trước của Lomachenko cũng rất thú vị, nhưng trong bài viết này, ta tạm bỏ qua những yếu tố đó và chỉ tập trung vào cách sử dụng chân trước của tay đấm người Ukraine.

Phân tích chuyên sâu: Lomachenko - cái chân trước thần kỳ

Nghệ thuật vào-ra của Lomachenko cũng rất xuất sắc

Phân tích chuyên sâu: Lomachenko - cái chân trước thần kỳ

Erislandy Lara (trái) trong trận đấu với Canelo Alvarez

Thật khó để tìm được những hình ảnh thụ động chờ đòn của Lomachenko, nên tạm lấy ví dụ từ Erislandy Lara trong trận đấu với Canelo Alvarez. Trong tình huống này, Lara ở thế tấn rất rộng so với Canelo đang ở thế tấn truyền thống của Boxing.

Trong một môi trường căng thẳng, nhịp độ cao như một trận đấu Boxing, võ sĩ thường không thể có một cái nhìn bao quát toàn cảnh như HLV. Do đó, ở tình huống này, Canelo chỉ có thể tập trung cao độ vào vùng thân trên của Lara.

Nếu chỉ để ý vào vùng thân trên, Lara thực sự đang ở rất xa so với Canelo, điều này tạo nên cảm giác an toàn cho cả hai võ sĩ. Thực tế không phải vậy, Erislandy Lara là một tay đấm Cuba, điều này đồng nghĩa rằng anh có một footwork chớp nhoáng và khả năng vào-ra rất sâu. Cái chân trước của Lara chính là chân trụ để kéo cả người Lara vào trong cự ly đánh Canelo.

1. Khi tấn công, chân trước làm trụ

Phân tích chuyên sâu: Lomachenko - cái chân trước thần kỳ

Phân tích chuyên sâu: Lomachenko - cái chân trước thần kỳ

Chân trước của Lomachenko gần như giữ nguyên vị trí trong mỗi pha tấn công, như một mũi compa

Chú ý vào các ảnh động trên, bạn có thể nhận ra rằng Lomachenko thật sự không di chuyển quá nhiều mà phụ thuộc vào cái chân trước làm điểm tựa tạm thời để tới-lui tả hữu. Để ý thêm vào phần thân người của Lomachenko, bạn sẽ nhận ra rằng, anh quan tâm chủ yếu đến việc thay đổi vị trí liên tục các mục tiêu dễ bị đánh như đầu - bụng, thay vì tìm cách chạy trốn khỏi đòn đánh. Để đấm trúng được vào Lomachenko cũng giống như việc đánh trúng vào mục tiêu di động vậy, rất khó khăn.

Lomachenko trong trường hợp này sử dụng chân trước như một kim chỉ nam để duy trì áp lực sau khi cắt góc. Có thể thấy rằng, sau 3 cú đấm nhử đầu tiên, Lomachenko bước chân sau lên và gần như ở tư thế đứng ngang chân, đối diện với đối thủ, nhưng vì vị trí này không giữ quá lâu, đối thủ hoàn toàn không kịp nhận ra để phản ứng. Để đánh trúng được Lomachenko, bạn phải biết anh sẽ đi về đâu trong nước tiếp theo. Nhưng quỹ đạo đi của Lomachenko lại dường như quá ngẫu nhiên và khó đoán.

Trong trường hợp phòng thủ rút lui sâu, Lomachenko lại dùng chân trước tạo đà đẩy chân sau về xa hơn. Thực tế, ban đầu Lomachenko vẫn còn ý đồ tấn công nhưng Pedraza đã tiến đến quá sát nên anh buộc phải rút lui thay vì liều lĩnh phản công. Nên nhớ là Lomachenko là mẫu võ sĩ chủ động ép đài để tấn công, anh không phải là dạng thi đấu thụ động chờ đòn cho counter.

Kết luận chủ quan: Có thể đưa ra kết luận sơ bộ rằng khi tấn công, Lomachenko thường cắm trụ chân trước và sử dụng nó như một mũi kim compa để thay đổi góc đánh và giữ an toàn cho bản thân.

Khi tấn công, bạn cần tấn dài, rộng, vững để tung ra được những cú đấm nặng ký mà không bị mất đà, nên Lomachenko trụ chân trước, chân sau chỉ cần bước rộng sang các vị trí cần đến để đảm bảo được thăng bằng cho các pha đòn của anh.

Và vì nếu chỉ chủ động giữ chân trước làm trụ tạo đà phản công, Lomachenko cũng sẽ bị giới hạn góc đi và góc xoay của cơ thể theo hướng bụng của anh. Ai bắt được các vị trí này sẽ là người bắt bài được Lomachenko, như trong ảnh động dưới đây.

Phân tích chuyên sâu: Lomachenko - cái chân trước thần kỳ

Do đó, không thể chỉ dựa vào khả năng cắm trụ của chân trước, Lomachenko cần mở rộng hơn góc xoay và góc chuyển động của cơ thể để tránh việc đi vào lối mòn dễ bị bắt bài. Đó là khi anh để chân trước di chuyển, chân sau làm trụ.

2. Khi phòng thủ và phản công, chân trước di chuyển, chân sau trụ

Vì thường duy trì áp lực tấn công để đối thủ không kịp thở, Lomachenko cũng cần một kỹ thuật rút lui tạm thời nhưng vẫn đảm bảo khả năng phản công nhanh sau đó. Đó là lý do anh dùng kỹ thuật chống chân sau để rút lui tạm thời.

Theo như ảnh động trên, bạn có thể thấy rằng Lomachenko chuyển từ trạng thái tấn dài sang trạng thái tấn ngắn nhờ vào việc rút chân trước về. Đây dường như không phải là sự thay đổi quá nhiều, nhưng trên thực tế, chỉ cần di chuyển một trong hai chân của bạn là vùng bụng, đầu đã có sự xê dịch nhất định.

Hơn nữa, tấn ngắn giúp Lomachenko nhanh chóng thay đổi và bẻ góc hơn khi đang chạy trốn khỏi đối thủ. Nếu chỉ lùi bước, Lomachenko có thể bị ép vào dây đài, nếu chỉ bẻ góc, đối thủ có thể bắt bài được anh, và như các bạn đã biết, chiếc cằm của tay đấm Ukraine khá mỏng manh.

Lomachenko cần một bước phòng thủ đủ an toàn sao cho khi chạy trốn, anh vừa có thể rút lui, nhưng cũng đủ linh hoạt để bẻ góc phản công nhanh. Đó là lý do anh dùng chân sau để trụ, dùng chân trước tạo các bước lui ngắn. Lúc này Lomachenko ở trạng thái sẵn sàng chực chờ để phản công khi đối thủ vừa dứt combo.

Nếu chạy quá xa, anh sẽ không thể làm phản công tốt. Chưa kể sức mạnh của Lomachenko cũng chẳng là gì để có thể đe dọa được đối thủ cho những lần phản công đường dài. Anh cần tung ra nhiều cú đấm chính xác trong một thời điểm để đánh bại cả tinh thần lẫn thể chất đối thủ. Bước ngắn chính là chìa khóa chiến thắng của Lomachenko.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm