Bên cạnh các hoạt động của Boxing bán chuyên như việc tập trung lực lượng chuẩn bị cho SEA Games 31, ASIAD 19 sẽ diễn ra trong năm 2022, phương hướng phát triển nền Boxing chuyên nghiệp Việt Nam là một trong những chủ đề được quan tâm trong thời gian trở lại đây.
Cùng với các cấp quản lý nhà nước như Bộ môn Boxing - Tổng cục Thể dục thể thao hay Liên đoàn Boxing Việt Nam, sự xuất hiện của những đơn vị tư nhân đã thổi một làn gió mới vào quá trình đào tạo các võ sĩ chuyên nghiệp.
Dù vậy, để có thể thực sự tổ chức một nền boxing nhà nghề thực thụ, Boxing Việt Nam cần có những thay đổi nào. Ông Vũ Đức Thịnh, trưởng bộ môn Boxing/Kickboxing, Tổng cục Thể dục thể thao đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PV: Trong thời gian vừa qua, Boxing Việt Nam đã chứng kiến một số lần hợp tác giữa các đơn vị quản lý nhà nước với những đơn vị tư nhân, ông đánh giá thế nào về tính hiệu quả của sự hợp tác này?
Ông Vũ Đức Thịnh: Trước đây, bộ môn cũng đã làm việc với các trung tâm đào tạo võ sĩ chuyên nghiệp, như Nguyễn Văn Đương với VSP, Trương Đình Hoàng tại Saigon Sports Club. Các vận động viên được tập trung tập huấn, thi đấu nhiều và thể lực chuyên môn tăng lên rất tốt.
Về trường hợp của Thu Nhi, tôi cũng đã sang Campuchia theo dõi trận đấu tranh đai WBO Châu Á – Thái Bình Dương. Tôi đánh giá Cocky Buffalo là đơn vị rất tâm huyết trong việc đưa các võ sĩ thi đấu chuyên nghiệp.
Một số vận động viên từ đội tuyển Quốc gia cũng từng tham gia các sự kiện do Cocky Buffalo tổ chức. Trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ làm việc lại với CLB để có phương án hỗ trợ vận động viên đội tuyển tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp tăng tính cọ xát.
PV: Theo như nguyện vọng của một số đơn vị, ông có thấy cần phải đưa ra một cơ chế hợp tác chung, thay vì các trường hợp đơn lẻ như trước đây?
Ông Vũ Đức Thịnh: Về vấn đề này, đúng là cần có một cơ chế làm việc. Ví dụ như trường hợp của võ sĩ Nguyễn Văn Đương, khi kí hợp đồng với VSP để thi đấu chuyên nghiệp nhưng vẫn do đội tuyển Quốc gia quản lý.
Có nhiều phương án, ví dụ như để võ sĩ kí hợp đồng thi đấu các sự kiện do công ty tổ chức nhằm tăng khả năng cọ xát. Hoặc các công ty cùng với đội tuyển chi trả lương cho võ sĩ tập luyện thi đấu song song.
PV: Lại nói về vấn đề chuyên nghiệp hóa Boxing Việt Nam trong thời gian qua, các đơn vị tư nhân cũng có tâm tư về những hạn chế trong việc phát triển Boxing chuyên nghiệp, ông có nhận định gì về vấn đề này?
Đặc biệt, trong thời gian tới, Boxing Việt Nam cần có những thay đổi gì để phù hợp với những cơ hội trước mắt?
Ông Vũ Đức Thịnh: Quả thực, Việt Nam chưa tổ chức được các giải chuyên nghiệp, những sự kiện đã xuất hiện đều do những công ty, đơn vị tư nhân tự thân thực hiện. Như VSP với Victory 8, Cocky Buffalo chủ động đưa VĐV ra nước ngoài thi đấu, cách làm này rất tốt mà theo tôi các cơ quan quản lý cũng cần chung tay thực hiện.
Trên thực tế, Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam đã có tổ chức Ban chuyên nghiệp để thực hiện những công tác trên. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, Ban chuyên nghiệp theo tôi đánh giá hoạt động vẫn chưa hiệu quả và không đóng góp được gì vào công tác chuyên nghiệp hóa cho Boxing Việt Nam.
Thời gian tới, khi Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam tổ chức kiện toàn lại bộ máy, theo tôi, ta có thể chọn ra một trong số các công ty có năng lực, tiếp xúc những Liên đoàn quốc tế để tổ chức các sự kiện chuyên nghiệp.
Tôi đã từng làm việc với một số đơn vị, nếu ta giao công tác của Ban chuyên nghiệp cho đơn vị tư nhân, họ có quyền đào tạo vận động viên, đồng thời có nhiệm vụ kêu gọi tài trợ để đầu tư cho Boxing Việt Nam. Họ cũng rất sẵn sàng với phương án này.
Khi đó, Liên đoàn và Bộ môn có thể tập trung đào tạo hệ bán chuyên, còn Ban chuyên nghiệp và công ty tư nhân sẽ đảm nhận nhiệm vụ với hệ chuyên nghiệp, bao gồm tổ chức thi đấu hoặc có thể cả tranh đai quốc tế.
Nếu tổ chức lại được bộ máy Liên đoàn Boxing Việt Nam và Ban chuyên nghiệp hoạt động đúng như tên gọi và vai trò, tôi tin các sự kiện thi đấu chuyên nghiệp sẽ được tổ chức thường xuyên hơn, tạo thêm nhiều cơ hội thi đấu cho các vận động viên.
Xin cảm ơn ông !!!