Sinh ra và lớn lên trên vùng đất võ Quảng Ngãi, cô gái mang tên dòng sông Nhật Lệ cũng mang trong mình lòng đam mê võ thuật. Cô đến với boxing và gắn bó suốt thời niên thiếu khi tập luyện và thi đấu cho tỉnh nhà.
Dẫu thể hình nhỏ bé nhưng sự nhanh nhẹn cùng kỹ thuật khá tốt khiến cô trở thành đối thủ đáng gờm ở hạng cân của mình. Cùng với đó, tinh thần thi đấu bền bỉ cũng là một thế mạnh của cô gái sinh năm 1994 này. Nhật Lệ cũng sở hữu cho mình chiếc huy chương vàng giải trẻ năm 2010 và những thành tích khác.
Vậy mà nghề võ sĩ không phải là sự lựa chọn của cô gái này. Cô bỏ lại niềm đam mê để vào Sài Gòn học hướng mình theo một lối đi khác đó là trở thành dược sĩ. Nhưng niềm đam mê võ thuật đó đã trở thành máu thịt không thể tách rời. Dù ngồi trong giảng đường học tập nhưng trái tim cô thổn thức với những hoài niệm đứng trên võ đài đài. Để rồi, cô có một ngã rẽ mới để trở lại với võ đài nơi mình đã đổ mồ hôi, máu và những giọt nước mắt. Đó là nghiệp trọng tài.
Năm 2012, Nhật Lệ tham gia lớp đào tạo trọng tài khóa I do Liên đoàn Quyền anh Việt Nam tổ chức. Và từ đó cô dần bén duyên với nghiệp “cầm cân nảy mực”. Nhưng cô cũng phải chờ đợi 3 năm để được bước lên võ đài chính thức điều hành trận đấu cấp quốc gia. Đó là những chuỗi ngày cô không ngừng học hỏi và tiếp thu kinh nghiệm của những người đi trước.
Để từ đó, với sự quyết đoán và tinh thần vô tư khi điều hành các trận đấu một cách công tâm, cô được mọi người quý mến và khẳng định tay nghề. Đến năm 2018, Lệ tiếp tục tham gia lớp tập huấn trọng tài Quyền anh diễn ra tại Đà Nẵng và trở thành trọng tài AIBA 1 sao trong tổng số 14 người được AIBA công nhận.
Đam mê và không ngừng phấn đấu cho nghiệp trọng tài, cô chỉ mong rằng các trận đấu diễn ra được công bằng. Các võ sĩ được thi đấu hết khả năng và giành được kết quả đúng với sức của mình. Điều đó mới khiến họ tiến bộ và giúp phong trào boxing phát triển với những sân chơi “sạch”.
“Với người trọng tài, điều tôi luôn hướng tới là trận đấu được công bằng. Để chọn ra người chiến thắng khi có sự thể hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, người trọng tài cấn biết bảo vệ sức khoẻ cho các võ sĩ khi nhận thấy tình huống xấu”. Nữ dược sĩ theo nghiệp trọng tài Nhật Lệ chia sẻ.
“Mình cảm thấy thương cho các vận động viên, bởi họ nỗ lực tập luyện. Họ đổ mồ hôi, nước mắt và máu để thi đấu tốt nhất với quyết tâm chiến thắng. Nhưng chỉ vì những quyết định thiếu công tâm, sai lệch mà công sức của họ trở nên vô nghĩa. Điều đó khiến tôi luôn tâm niệm mình phải thật công tâm và cố gắng điều hành trận đấu công bằng nhất”. Nhật Lệ nói thêm.
Nữ trọng tài sinh năm 1994 này còn khá nhiều trăn trở, bởi hiện nay lực lượng trọng tài nữ boxing còn khá ít, và không thực sự được xem trọng. Cô mong rằng sắp tới, Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam sẽ tạo điều kiện và cơ hội để đào tạo thêm những nữ trọng tài để điều hành các trận đấu.
Cùng với đó, các trọng tài được liên tục học tập nâng cao nghiệp vụ và tiếp cận với các khoá học quốc tế để nâng cao cấp bậc trọng tài theo tiêu chuẩn và hệ thống quốc tế. Đặc biệt, cần nhiều giải đấu quốc tế để các trọng tài nữ được điều hành qua đó trải nghiệm nâng cao chuyên môn, bản lĩnh.
Đối với nghiệp thể thao, nhất là các môn võ thuật. Vấn đề kinh tế luôn khiến họ phải suy nghĩ. Đặc biệt, nghiệp trọng tài không hề có lương. Đây chỉ là công việc làm vì đam mê chứ không thể sống bằng nó.
Theo cô, các liên đoàn võ thuật cấn đẩy mạnh công tác xã hội hoá để xây dựng nguồn kinh phí vững mạnh. Từ đó, mỗi liên đoàn phải có đội ngũ trọng tài chuyên nghiệp được trả lương. Có như vậy, các trọng tài không bị áp lực kinh tế, họ sẽ tập trung nâng cao chuyên môn và tinh thần sẽ thoải mái khi điều hành trận đấu.
Nhật Lệ hiện tại cũng phải lo liệu cuộc sống của mình bằng việc kinh doanh shop thể thao, huấn luyện Boxing tại một số trung tâm võ thuật. Mặt khác, là phụ nữ cô phải chăm lo cho gia đình trước khi sống cho đam mê. Nhưng may mắn cô có được người chông biết đồng cảm và ủng hộ để cô gắn bó với đam mê của mình.