UFC 264 sẽ chứng kiến sự trở lại của Conor McGregor, hay Dustin Poirier sẽ lần thứ 2 dập tắt ngọn lửa mang tên “The Notorious” ?
Chắc hẳn, mỗi khán giả và fan hâm mộ của từng võ sĩ đều có lựa chọn và cách lý giải của riêng mình. Dustin Poirier với legkick, lối tấn công lấy số lượng và áp lực sẽ một lần nữa áp đảo; hoặc ngược lại – Conor “phiên bản MMA/Karate” sẽ dập tắt những ảo tưởng về khái niệm “hết thời” hướng về anh.
Chính những sự khó lường đó, khiến chúng ta nên nhìn lại những diễn biến của trận đấu trước, như một nền tảng cho lần chạm trán ngày mai.
Chuyện gì xảy ra tại UFC 257
Boxing và Legkick: Conor quá tập trung vào Boxing, mất cảm giác võ đài do thi đấu quá lâu, đó là những sai lầm tất cả đều phải thừa nhận khi chính anh cũng nói lên lý do này sau trận thua ở UFC 257.
Nhắc về những cú legkick, Dustin có 9 lần tung đá vào chân Conor, nhưng không mấy người để ý tới điều này, khi mà trong trận đấu đầu tiên, Dustin cũng tung ra tới 7 cú đá tương tự mà không cho thấy tác dụng.
Dusin Poirier đá tới 7 cú legkick vào chân Conor ở trận đầu tiên, nhưng không hiệu quả:
Vậy những cú legkick trước kia, không có tác dụng vì sao, đó là câu chuyện “thế tấn Karate” hay “Conor của ngày xưa” vẫn được nhắc tới thời gian gần đây.
Đầu tiên, thế tấn Karate vốn không phải thế tấn “khó bị legkick”. Trái lại, đây là thế tấn vô cùng nguy hiểm nếu dính phải một cú legkick. Lúc này, trọng lượng dồn đều vào 2 chân, việc bị “chặt” mất một chân cũng nguy hiểm chẳng kém thế tấn Conor sử dụng tại UFC 257, với chân trụ dồn về phía trước.
Điển hình nhất, Stephen Thompson, võ sĩ bậc thầy về sử dụng tấn Karate và di chuyển nhiều cũng dính rất nhiều legkick khi đối đầu Vicente Luque (42 cú), Darren Till (15 cú) và Jorge Masvidal (28 cú), đều chiếm phân nửa số đòn hiệu quả của họ.
Chính trong cuộc phỏng vấn với ESPN, Dustin Poirier từng đề cập thế trận mà anh đối mặt với Conor ở trận đấu thứ hai:
“Anh ta giỏi rất nhiều mảng. Tôi có thể cảm thấy điều đó khi cả hai đối đầu hồi tháng 1. Khả năng căn thời điểm, quyết tâm sẵn sàng nhận rủi ro để đánh trúng tôi, tất cả những điều đó khiến bạn phải bước ra đó, để đánh gục anh ta như cách anh ta định làm với bạn.”
Kể cả 2 lần đối đầu khó nhọc với Nate Diaz, Conor McGregor chưa bao giờ chịu lép vế về số đòn trúng đích trong hiệp 1, bởi khả năng phản đòn và chọn thời điểm đánh của Conor thuộc hàng đỉnh cao nhất UFC – vấn đề nằm ở việc “đánh và không bị đánh”.
Điểm nguy hiểm của Conor McGregor trước kia, chính là lối di chuyển ra vào, né đòn và phản đòn thay vì đứng đôi công với đối thủ.
Trong trận đấu với Eddie Alvarez, Conor không hoàn toàn dùng thế tấn rộng như Karate, thay vào đó trọng lượng cơ thể vẫn dồn về chân trước. Anh cũng dính một cú legkick từ Eddie để mất thẳng bằng, nhưng cách dùng tay trước, những cú đá giữ cự li và bộ pháp lùi – trả đòn khi Eddie tấn công, mới là chìa khóa chiến thắng.
Trên thực tế, các tình huống Conor đánh ngã Jose Aldo, Nate Diaz hay Eddie Alvarez, đều từ những pha phản đòn, khi đối thủ tấn công hết tầm. Conor đều lựa chọn phản đòn tỉ mỉ và an toàn để lấy lợi thế trước đối thủ.
Conor dính 2 cú legkick từ Eddie, dù trọng tâm vẫn đổ về trước nhưng giữ khoảng cách là chủ yếu:
Các cú vẩy jab không nhằm mục đích tấn công, mà nhằm kiểm tra và giữ Eddie ở cự li an toàn hơn:
Ở UFC 257, Conor chọn lối đổi đòn đầy mạo hiểm với Dustin, anh không thiếu những tình huống đấm hết tầm, hết lực khiến đầu Dustin nẩy về sau. Trong số đó, các tình huống bo tay thủ, vươn đầu về phía trước, hình ảnh tương tự như các boxer thường thấy.
Dustin bắt thời điểm dễ dàng hơn khi Conor có xu hướng chủ động tiến lại gần - cự li tốt nhất để Dustin ra đòn. Ngoài cú legkick đầu tiên né thành công, Conor gần như không lùi về sau mỗi khi bị phá trụ.
Conor chủ động vươn người về trước để tung đấm, khiến chân của anh dễ dàng bị Dustin tấn công.
So về đòn tay, một hảo thủ như Dustin cũng khó bì lại Conor dù chơi đôi công hay phản công. Nhưng sự chủ quan về những cú legkick, cách tiếp cận sẵn sàng đổi đòn, chính là vấn đề khiến Conor để đối thủ có cơ hội ra đòn bào mòn thể lực, cũng như sức chịu đựng của đôi chân.
9 cú legkick trong hiệp 1 ở UFC 257, khác hoàn toàn với 7 cú legkick ở UFC 178, bởi lúc này là một Dustin to con hơn ở hạng nhẹ, có thể lên tới 175lbs (79kg) so với thời điểm cân kí 155lbs (70kg).
Conor McGregor sẽ mang “phiên bản MMA” trở lại?
Đây là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Conor McGregor tiếp cận UFC 257 với một tâm thế và sự chuẩn bị không phù hợp, dẫn tới thất bại của anh.
Nhưng, trong quá khứ, Conor cũng đang chứng minh bản thân có khả năng thay đổi như thế nào. Thích nghi với lối đánh của Nate Diaz để bào mòn đối thủ, lựa chọn cự li an toàn với một võ sĩ chuyên đánh tầm gần như Eddie Alvarez.
Trong số những nhận định về UFC 264, HLV Firas Zahabi của Georges St-Pierre và tay găng Stephen Thompson đã nói về việc Conor nên di chuyển nhiều hơn, tránh đòn và chỉ tung ra những cú đánh hiệu quả mà vẫn giữ an toàn tối đa.
Trong 5 năm trở lại đây, Conor đánh 3 trận ở Welterweight, 3 trận ở Lightweight, và 1 trận trên sàn Boxing, cùng với đó là sự tăng trưởng rõ rệt về lượng cơ bắp.
Theo thời gian, anh không cho thấy những bước di chuyển và cách tiếp cận như trước, đặc biệt, các đòn đá hoa mĩ, giữ cự li ít xuất hiện hơn.
Một phần, việc di chuyển và tung đá như trước đây sẽ mất rất nhiều thể lực, rủi ro lớn như đã xảy ra trong 2 trận với Nate Diaz – khi không kết liễu được đối phương, lối di chuyển in-out vô tình sẽ khiến bạn phải đánh đổi bằng sức bền (tim phổi và cơ bắp).
Đối với Dustin, anh thành công về chiến thuật ở UFC 257, nhưng một phần, cũng đến từ sự sơ xuất của Conor McGregor, đã tạo điều kiện cho một võ sĩ thích đổi đòn như anh có cơ hội thể hiện.
Giờ đây, khi các con bài legkick, grappling đều đã tung ra, tâm lý phòng vệ của đối phương là điều tất yếu. “The Diamond” cùng đội ngũ của mình sẽ khó khăn hơn trong việc tìm ra phương án cho trận đấu này.
Về một cuộc đối đầu dài hơi, rõ ràng, Dustin Poirier có lợi thế khi bản thân là chuyên gia trong việc kéo dài thời gian thi đấu. Anh hiểu rằng, thời gian từ hiệp 3 trở đi là cơ hội vàng để mình trút những combo trứ danh để dồn ép đối thủ của mình.