Anh chính là người công lớn trong hành trình du nhập phát triển kick-boxing ở Việt Nam, trực tiếp làm HLV trưởng ĐTQG ở giải quốc tế lớn Đại hội thể thao châu Á trong nhà châu Á 2009 trên sân nhà.
Sinh năm 1972 trong một gia đình không hề có truyền thống thể thao hay võ thuật, niềm đam mê võ thuật của vị võ sư độc nhất vô nhị ở Việt Nam này được khởi nguồn từ tuổi 14, từ một cuốn “Nhất Nam” do võ sư Ngô Xuân Bính biên soạn. Với cuốn sách gối đầu giường ấy, chàng thiếu niên đất Nghệ An đã tự nghiền ngẫm từng ngày, rồi rủ một nhóm bạn cùng tập.
Khát khao cháy bỏng trở thành đệ tử môn phái Nhất Nam đã đến với Duy Vinh vào năm 1989 khi võ sư Ngô Xuân Bính mở lớp. Anh còn nhớ như in do biết tin muộn nên tham gia học muộn tới 4 tháng, và là người ít tuổi nhất trong số 200 học viên. Tuy nhiên, chính tố chất sẵn có và quyết tâm cao độ đã giúp anh lĩnh hội đủ những gì tinh túy nhất từ người sư phụ danh tiếng truyền lại.
Năm 1992, ở tuổi 20, Duy Vinh mới có giải đấu đầu đời tại giải Võ cổ truyền toàn quốc do Bình Định đăng cai, khi mà chưa hề biết võ đài hình thù như thế nào, chưa biết tập luyện, thi đấu ra sao cho đúng. Để chuẩn bị cho giải, Vinh đã phải tự đi mua dây thừng về làm đài để đấu, thậm chí trang phục, bảo hiểm cá nhân cũng không biết và không có. Ký ức nhớ đời với võ sĩ trẻ chính là việc khi trận đấu có tính chất tranh huy chương của Vinh đang diễn ra ông Trưởng đoàn Nghệ An để bảo vệ cho cả Vinh lẫn đối thủ vì thấy anh thi đấu quá sung, với nhiều nguy cơ, trong điều kiện thiếu đảm bảo.
Năm 1994, khi Nghệ An gây dựng pencak silat, Duy Vinh chuyển sang học môn võ có nguồn gốc từ Indonesia này. Với nền tảng sẵn có, anh tập luyện cực tốt, được coi như một niềm hi vọng sáng giá. Dù vậy, Vinh lại quá đen đủi và vô duyên với pencak silat, thậm chí từng 3 lần bị truất quyền thi đấu theo cách cách khác nhau, ở giải VĐQG 1995, Đại hội TDTT Toàn quốc 1995 và giải VĐQG 1996. Các cú ra đòn khiến đối thủ đo sàn hay chấn thương của Vinh bây giờ sẽ hoàn toàn hợp lệ song khi đó đều bị các trọng tài cho rằng phạm quy.
Ba giải đấu thất bại liên tiếp đầy tức tưởi đã khiến Duy Vinh quyết định chia tay pencak silat để quay trở lại với Võ cổ truyền. Tại đây, cuối cùng, anh đã có được thành quả đỉnh cao của mình, với tấm HCV Đại hội TDTD các Dân tộc Việt Nam 1996, tổ chức trên chính đất Nghệ An. Điều đáng nói, ở trận chung kết, võ sĩ chủ nhà đã xuất sắc đánh bại đối thủ ăn tập chuyên nghiệp từng 5 lần vô địch quốc gia Bùi Văn Thiều. Ngoài Võ cổ truyền, pencak silat, Vinh cũng từng có thời gian gắn bó với wushu.
25 tuổi, Bùi Duy Vinh được công nhận Võ sư. 26 tuổi, anh được bổ nhiệm làm HLV trưởng môn Võ Cổ truyền của thể thao Nghệ An, và bắt đầu hành trình độc nhất vô nhị của một ông thầy vang danh cả nước ở 4 môn võ khác nhau.
Với môn “gốc” Võ cổ truyền, một tay Duy Vinh lặn lội khắp nơi tuyển quân, trực tiếp đào tạo, chăm lo, rồi dẫn quân đi thi đấu. Anh còn thường xuyên về tận các huyện trong tỉnh để dạy võ ở các lớp nghiệp dư vừa hỗ trợ thúc đẩy phong trào vừa tạo nguồn năng khiếu. Chỉ qua mấy năm, ông thầy trẻ đã gây dựng được một lực lượng Võ cổ truyền Nghệ An hùng mạnh, có thể tranh chấp thành tích cao tại các giải của môn này, cũng như cung cấp quân cho các môn khác phù hợp. Điển hình như nhà vô địch trẻ boxing châu Á Nguyễn Văn An từng là một võ sĩ Võ cổ truyền.
Năm 2001, HLV Bùi Duy Vinh đã mạnh dạn đề xuất thể thao tỉnh cho thành lập đội tuyển wushu Nghệ An, vừa để tận dụng quân Võ cổ truyền phù hợp, vừa đón đầu phong trào wushu đang lên ở xứ Nghệ. Ngay trong năm đó, wushu Nghệ An đã gây ấn tượng đặc biệt tại giải VĐQG khi đoạt 1 HCV, 2 HCĐ.
Cũng theo cách ấy, boxing Nghệ An có lực lượng, đội tuyển riêng, dù khó khăn hơn nhiều, nhất là về trang thiết bị dụng cụ. HLV Vinh thậm chí phải chạy vạy khắp nơi lo kinh phí, nhờ mượn găng áo để có thể tham dự giải VĐQG 2002. Giải đó, dù chỉ cử 4 võ sĩ song boxing xứ Nghệ đoạt tới 3 huy chương (2 Bạc, 1 Đồng). Sau cú “hích” này, boxing Nghệ An đã đột phá mạnh mẽ để vươn lên nhóm hàng đầu Việt Nam. Đỉnh cao của thầy trò Duy Vinh chính là năm 2006 khi đoạt tới 4 HCV tại Đại hội TDTT Toàn quốc, dẫn đầu giải VĐQG và đóng góp tới 8 võ sĩ cho ĐTQG. Bản thân thầy Vinh cũng được tín nhiệm làm HLV ĐTQG boxing ở nhiều giải đấu, trong đó có SEA Games 2005.
Cái duyên của một HLV đa năng đặc biệt của Bùi Duy Vinh có lẽ được kết đọng cao nhất ở kick-boxing môn mới du nhập vào Việt Nam 11 năm, dịp ngành thể thao chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao châu Á trong nhà 2009. Khi đó, Duy Vinh chính là gương mặt được ngành thể thao “chọn mặt gửi vàng” cho vị trí của người thầy đầu tiên. Sau khi được cử tham dự một số cuộc đấu, một vài lớp học ở các cường quốc, nhiệm vụ nặng nề mà HLV Vinh phải gánh vác là gây dựng lứa võ sĩ kick- boxing đầu tiên ở chính Nghệ An, cũng như hỗ trợ các địa phương khác.
Và với sự say mê, cần cù cùng tố chất hiếm có của mình, anh đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, kick-boxing Việt Nam đã có một ĐTQG mạnh sẵn sàng cho cuộc đấu trên sân nhà. Để rồi, 12 học trò của thầy Vinh (5 võ sĩ Nghệ An) đã vượt xa chỉ tiêu đặt ra với 2 HCV, 1 HCB. Đến giờ, kick-boxing Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, và trong đó không thể không nhắc đến dấu ấn sâu đậm của người thầy thủa ban đầu Bùi Duy Vinh.
Hiện tại, dù đã lui về phía sau, võ sư Bùi Duy Vinh (Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nghệ An, Phó Trưởng ban Chuyên môn Liên đoàn Võ Cổ truyền VN) vẫn đang lặng lẽ, miệt mài, bền bỉ đóng góp cho các môn võ của xứ Nghệ và Việt Nam, trên nhiều vị trí và lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ phong trào tới đỉnh cao, từ quản lý tới đào tạo huấn luyện, đối ngoại.