MMA - Võ tổng hợp, nhưng lại có đặc trưng riêng không thuộc môn võ nào! (Phần 1)
MMA - võ thuật tổng hợp, dù đã có lịch sử lâu đời, nhưng quá trình thể thao hóa của nó mới chỉ diễn ra trong tầm vài chục năm gần đây với các giải đấu võ đài Vale Tudo của Brazil hay đỉnh điểm là sự ra đời của giải đấu UFC 25 năm về trước, nối tiếp bởi vô vàn các giải đấu lớn nhỏ khắp toàn cầu.
Trải qua suốt 25 năm thăng trầm như thế, MMA ngày nay đã thay đổi nhiều. Nếu làm một phép so sánh, thì các võ sĩ thế hệ mới càng ngày càng trở nên toàn diện, họ không chỉ có một bộ kỹ năng hoàn hảo từ quyền cước, ôm ghì, vật cho đến bẻ khóa, mà cả óc phán đoán, khả năng ‘bày binh bố trận’ cũng đã vượt xa thế hệ đi trước từ những ngày đầu manh nha phát triển của bộ môn.
Thế nhưng, chẳng ai có thể quên, những ngày đầu của giải đấu UFC, hay bất kỳ các giải đấu nào khác, chính là thời đại huy hoàng của các grapplers. Lì lợm, gan góc, và nhất là khẳ năng bám dai như đỉa, quyết không buông tha của họ đã khiến những tay đấm cự phách nổi tiếng với những đòn đánh uy lực phải ôm hận trong thất bại mà không biết vì sao.
Việt Nam, với lịch sử lâu đời của môn vật cổ truyền, cùng với các thành tích cao tầm cỡ thế giới ở các bộ môn Judo, Jujitsu, hay gần đây là sự phát triển như vũ bão của bộ môn BJJ, là một mảnh đất đầy hứa hẹn sản sinh ra các grappler đẳng cấp.
Tuy nhiên, để có thể đưa cái tinh túy của grappling vào ứng dụng trong thi đấu MMA đạt hiệu quả, thì cũng cần phải có một thời gian để thay đổi, thích ứng nếu không muốn ôm lấy thất bại. Vì lẽ, grappling trong MMA, về phần gốc là từ grappling chính thống, nhưng nó đã biến đổi quá nhiều đến mức vượt ra ngoài khuôn khổ, mà nếu một grappler thuần túy không thể nắm rõ được những khác biệt đó, thì thất bại là điều không sớm thì muộn.
Những khác biệt đó ra sao, phần 2 về Grappling của series này sẽ một phần làm sáng tỏ.
Vấn đề thời gian
Khác với kickboxing, vốn theo tư tưởng ‘ đánh và tránh bị đánh’ - tức là làm sao để hạn chế tối đa việc đối thủ có thể chạm được vào người mình, thì ngược lại, cái cốt lõi của các bộ môn Grappling lại là ‘connection & control’, tức là đề cao sự va chạm và kiểm soát.
Điều này thì liên quan gì đến vấn đề thời gian? Rất liên quan, liên quan nhiều là đằng khác, không những thế, nó còn là yếu tố quyết định thắng thua!
Một trận Grappling thông thường, theo quy ước, sẽ diễn ra trong 5 phút. Với đặc thù của bộ môn, ‘sự va chạm và kiểm soát’ diễn ra từ đầu chí cuối, đồng nghĩa với việc, thời gian bỏ ra để suy nghĩ chiến thuật, quật ngã, gài bẫy, khóa siết là khá dư dả. Những pha kết thúc diễn ra thường xuyên hơn do cơ thể đối phương luôn trong trạng thái va chạm và trong tầm kiểm soát của mình.
Thế nhưng thi đấu MMA lại là một chuyện khác.
Một hiệp đấu MMA chuyên nghiệp chỉ diễn ra trong 5 phút, hay tệ hơn, là 3 phút đối với một trận đấu nghiệp dư. Thời gian như vậy, là quá ngắn ngủi. Bởi lẽ, nếu trong 5 phút của một trận đấu grappling, bạn đã có sự va chạm ngay từ khi tiếng chuông bắt đầu, thì trong 5 phút của một trận đấu MMA, bạn phải vật lộn trong suy nghĩ làm sao để có được sự va chạm, kiểm soát. Nếu không có va chạm, sẽ không có kiểm soát, không có kiểm soát, đừng mong lôi được đối phương xuống sàn, nói gì đến khóa siết.
Đặc biệt, khi đối đầu với những đối thủ có mindset ‘đánh và tránh bị đánh’, việc tìm kiếm sự va chạm quả thật còn khó hơn lên trời. Nhiều khi, đã quật được đối thủ xuống sàn, thì sau một hồi ‘Tom và Jerry’ đã đời, bạn chẳng còn tý thể lực nào để thực hiện đòn khóa siết kết thúc trận đấu, hoặc tệ hơn, đòn khóa siết đã ‘loading 90%’ thì… hết giờ.
Họ sẽ không tap đâu!
Quật ngã, kiểm soát, gài bẫy, mọi thứ đều suôn sẻ…. Quái, sao hắn lại không tap thế này? Vào thế rồi cơ mà?
Bao nhiêu câu hỏi được đặt ra từ các grappler khi lần đầu bước chân vào thi đấu MMA. Vấn đề này, thực sự là có khá nhiều hướng trả lời khác nhau.
Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến, có lẽ là ‘họ không biết gì’!
MMA ở Đông Nam Á, tuy đang trong giai đoạn cực thịnh, nhưng vẫn còn thua châu Mỹ vài chục năm phát triển. Grappling ở đây tuy cũng sản sinh ra hàng loạt cao thủ, nhưng về mặt bằng chung vẫn còn khá sơ khai. Những võ sĩ tham gia thi đấu MMA, phần lớn là xuất thân từ các bộ môn quyền cước thuộc nhóm Kickboxing như Muay, Karate hay Tán Thủ. Vì lẽ đó, hiểu biết của họ về các đòn khóa siết vẫn còn khá hạn chế.
Vì vậy, khi nhìn vào các trận đấu grappling, các strikers thường hay có các quan niệm sai lầm về đòn thế, chẳng hạn như ‘nhìn nhẹ nhàng như vậy mà cũng phải đập tay’ hoặc ‘phải tôi thì đừng hòng đầu hàng’.
Hơn nữa, thường thì các đòn thế khóa siết trong grappling có tác dụng khá chậm, phải mất tầm vài giây mới đem lại cảm giác đau đớn hay nghẹt thở. Những người xuất thân từ kickboxing, thường chưa từng hoặc ít khi dính phải những đòn thế như vậy, nên họ thường không tap, do không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Yếu tố kể trên, cộng với thời gian hạn chế trong mỗi hiệp đấu, đã phần nào giảm đi sự hiệu quả của các grapplers khi thi đấu MMA.
Sao mà nó khỏe thế ?
Trong thi đấu grappling, việc scramble (dùng sức mạnh vùng vẫy) ra khỏi mount không mang lại được nhiều lợi ích cho các grappler khi nó vừa mất sức, vừa ít điểm. Thế nhưng, khi thi đấu MMA, scramble lại là vũ khí lợi hại của các strikers/kickboxers khi đối đầu với các grapplers.
Thứ nhất, nó giúp họ reset lại trận đấu quay về vạch xuất phát ở đánh đứng. Thứ hai, nó giúp bào mòn thể lực của grappler, khi liên tục bắt ép anh ta phải di chuyển theo hòng cố giành lại sự kiểm soát. Thứ ba, nó giúp tận dụng tối đa khoảng thời gian ngắn ngủi trong mỗi hiệp đấu MMA để giành lấy ưu thế về điểm số (vì các grapplers thường có striking khá tệ, nên sẽ không được bao nhiêu điểm khi trận đấu kết thúc).
Đặc thù của các môn kickboxing, là sự bùng nổ, khi mà chuyển động của các đòn đánh nhấn mạnh về snapping motion (tương tự như roi da quất hay cú đớp của cá sấu). Để sống sót được trong các trận đấu kickboxing dai dẳng, các kickboxers thường có thể lực hơn người mới có thể tung ra được những đòn thế mang tính bùng nổ đó từ đầu chí cuối. Đó là một điểm mạnh của strikers khi đối đầu với các Grappler, vốn trọng dĩ nhu chế cương khi các chuyển động căn bản của họ hướng tới các động tác đẩy và kéo với ưu tiên là kiểm soát thay vì giằng xé.
Scramble, là một quá trình đòi hỏi sự bùng nổ. Với đặc thù của bộ môn, dĩ nhiên, các võ sĩ xuất thân từ striking thường chiếm ưu thế rõ ràng về thể lực trong khoản này. Họ dành ra cả tháng, cả năm, hay cả chục năm để rèn luyện, hoàn mỹ hóa kỹ năng bùng nổ của mình.
Đây là một điểm mà các grappler phải đặc biệt chú trọng khắc phục và trau dồi, nếu không muốn nhận lấy thất bại.
Thay đổi và hoàn thiện
Grappling là kỹ năng xương sống của MMA. Thế nhưng, grappling trong các giải đấu grappling, và grappling trong MMA, là hai phạm trù khác biệt. Đánh grappling, anh có thể là một submission artists tên tuổi vang dội, nhưng khi lấn sân qua MMA, anh có thể bị hạ gục bởi các tay vô danh. Điều đó là hoàn toàn có thể tránh được, nếu bạn, một grappler có thể nhìn ra sự khác biệt giữa 2 bộ môn, và cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ để giảm thiểu tối đa những điểm yếu trong game của mình cũng như tăng cường điểm mạnh của bản thân. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
MMA - Võ tổng hợp, nhưng lại có đặc trưng riêng không thuộc môn võ nào! (Phần kết)