Ngày 24/4, Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) đã gửi công văn tới các đơn vị quản lý thể thao trên cả nước Công văn Số 82/CV-LĐQAVN về việc các huấn luyện viên, trọng tài, võ sĩ tham dự các giải thi đấu Boxing chuyên nghiệp không do Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam tổ chức.
Trong công văn nêu rõ, phong trào Quyền Anh (Boxing) chuyên nghiệp tại Việt Nam đang phát triển với nhiều đơn vị tham gia tổ chức các sự kiện, giải đấu chuyên nghiệp.VBF "đã xin ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo Quy chế quản lý hoạt động Quyền Anh chuyên nghiệp và đã gửi văn bản đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Thể dục Thể thao thẩm định trước khi chính thức ban hành".
"Tuy nhiên, hiện nay một số công ty, đơn vị đang lợi dụng việc Liên đoàn Quyền anh Việt Nam chưa ban hành Quy chế quản lý hoạt động Quyền anh chuyên nghiệp tại Việt Nam, đã tổ chức nhiều sự kiện, trận đấu, giải đấu với danh nghĩa thi đấu phong trào, không phối hợp và thông qua Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam" - Công văn nêu.
VBF đưa ra luận cứ về việc "một số võ sĩ 16 tuổi được phép thi đấu chuyên nghiệp từ 4 đến 8 hiệp, không tương xứng trình độ chuyên môn, độ tuổi với các võ sĩ có nhiều kinh nghiệm từ các nước có phong trào Quyền Anh chuyên nghiệp lớn mạnh như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan,... tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm tính mạng võ sĩ."
Đặc biệt, VBF đề nghị lãnh đạo các đơn vị trên toàn quốc không cho huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên tham dự các trận đấu chuyên nghiệp (trên 3 hiệp) theo bộ luật của một số tổ chức quốc tế (WBA, WBC, WBO, IBF,...) không do Liên đoàn tham gia tổ chức. "Nếu các huấn luyện viên, trọng tài, vận động viên tham dự các sự kiện nêu trên, sẽ không được cho phép tham dự các giải Boxing trong hệ thống quốc gia do Liên đoàn Quyền anh Việt Nam tổ chức".
Từ năm 2015, Boxing Việt Nam đã chứng kiến các trận đấu chuyên nghiệp được tổ chức bởi nhiều đơn vị, chủ yếu tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh như Saigon Sports Club, VSP Promotions, Cocky Buffalo, Trigger Boxing, Shadow Entertainment. Đặc biệt, nhiều đêm thi đấu có sự tham gia của các tổ chức quốc tế như WBC, WBA, WBO và IBF - đây là bốn tổ chức lớn nhất trong hệ thống Boxing chuyên nghiệp ghi nhận kết quả các màn so tài. Đây là điều kiện bắt buộc để các võ sĩ có thể tham gia vào thị trường quốc tế nhằm phát triển sự nghiệp. Nhiều võ sĩ như Trương Đình Hoàng, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thị Thu Nhi, Lê Hữu Toàn, Đinh Hồng Quân... đã có được những danh hiệu thuộc các tổ chức này.
Ngày 12/1/2024, VBF ban hành Quyết định số 04 về việc cấp chứng nhận trọng tài, huấn luyện viên, vận động viên, Câu lạc bộ Quyền Anh chuyên nghiệp, được tiến hành từ ngày 20/1 tới 30/3/2024. Trong đó, quyết định nêu rõ "Nếu không có thẻ, giấy chứng nhận chuyên nghiệp do Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam cấp sẽ không được phép hoạt động, tham dự và tổ chức các sự kiện thi đấu Quyền Anh chuyên nghiệp trên toàn quốc".
Trong quá trình tìm kiếm các võ sĩ, các vận động viên thành tích cao là một nguồn lực không thể thiếu. Những võ sĩ được nêu tên ở trên trước khi tham gia thi đấu chuyên nghiệp, cũng từng nằm trong các đội tuyển quốc gia, địa phương. Nhiều võ sĩ vẫn tham gia song song thi đấu ở hai hệ thống trong suốt thời gian vừa qua.
Có thể thấy, hoạt động Boxing chuyên nghiệp tại Việt Nam trong thời gian vừa qua đã bắt đầu được đặt dưới sự giám sát của Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF). Hiện tại, VBF đã tiến hành thành lập Ban Quyền Anh chuyên nghiệp (VBC), hợp tác với một số tổ chức trên thế giới như WBC, WBA.
Đối với các đơn vị đã tham gia tổ chức, đào tạo, các võ sĩ Boxing chuyên nghiệp trước năm 2024, đây sẽ là yêu cầu mới cần phải đáp ứng từ phía Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam ban hành. Động thái này có thể mang tới nhiều sự thay đổi trong hoạt động Boxing chuyên nghiệp ở Việt Nam.