Trong thể thao, đặc biệt là thể thao đối kháng, sự cạnh tranh luôn là yếu tố có ảnh hưởng không nhỏ cho bản thân vận động viên (hay võ sĩ) nói riêng và đơn vị nói chung.
Nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, sự cạnh tranh giúp bản thân người võ sĩ phải luôn cố gắng thúc đẩy bản thân, vừa giữ phong độ, vừa phát triển để không bị tụt hậu so với thế cuộc luôn thay đổi từng ngày.
Ngoài ra, sự cạnh tranh còn mang đến sức hút với khán giả, bởi suy cho cùng, thể thao là thi đấu, và khán giả đến để xem những trận đấu chứ không phải một màn độc diễn. Với võ thuật đối kháng, điều này lại càng trở nên quan trọng.
Tuy nhiên, ở các môn bộ môn có quy mô chưa lớn, không có quá nhiều tài năng, tình trạng “độc bá” là điều thường xuyên xảy ra.
Đơn cử, tại giải Vô địch Kickboxing quốc gia 2020 vừa qua tại Bình Định, nhà vô địch SEA Games Huỳnh Văn Tuấn đã giành tấm Huy chương Vàng mà không cần thi đấu một trận nào. Mặc dù, trong hạng cân 51kg nội dung Full Contact, ngoài Tuấn ra cũng có tới 8 võ sĩ khác tham gia.
Chấn thương, xin rút lui trước trận đấu, đó là lí do từ phía các đối thủ giúp Huỳnh Văn Tuấn tiếp tục đứng trên ngôi vương hạng cân của mình không tốn giọt mồ hôi.
Dĩ nhiên, không thể nói rằng đây là sự “may mắn” của nhà vô địch trẻ, bởi thực tế, đúng là không nhiều võ vĩ cùng hạng cân hiện tại có khả năng tranh chấp huy chương với Huỳnh Văn Tuấn. Vì thế, thay vì bước vào một trận đấu không có nhiều cơ hội chiến thắng, tạm dừng để bảo toàn khỏi chấn thương là quyết định của các đối thủ.
Về mặt tích cực, rõ ràng không cần đấu mà vẫn đứng thứ nhất – cho thấy sức mạnh vượt trội của nhà vô địch là điều được tất cả mọi người công nhận. Nhờ đó, những võ sĩ như Tuấn mới có thêm thời gian nghỉ ngơi, hay hỗ trợ các đồng đội thi đấu.
Tuy nhiên, không được đấu cũng là một vấn đề lớn nếu xét về điểm rơi phong độ và khả năng phát triển của võ sĩ.
Hiện tại, Kickboxing Việt Nam ngoài 3 giải đấu chính (Giải trẻ - Cúp CLB và Vô địch quốc gia), các võ sĩ không có điều kiện thực hiện các chuyến tập huấn. Vì thế, thi đấu là cách duy nhất để kiểm chứng kết quả tập luyện, đánh giá lại quá trình huấn luyện của toàn độ.
Đó là vấn đề phong độ, còn xét về phát triển trình độ, việc liên tục “né đấu” của các đối thủ cho thấy ở trong nước, không còn nhiều tay đấm có thể uy hiếp tới vị trí họ, sức ép để phát triển cũng từ đó mà hạn chế đi nhiều.
Bởi khi có đối thủ xứng tầm, mới có thể giúp võ sĩ phải liên tục trưởng thành, áp lực cạnh tranh là thứ tốt nhất để võ sĩ có thể liên tục phá vỡ giới hạn, đạt tới tầm cao mới cả về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu.