Hành trình lên Boxing nhà nghề ở Việt Nam đối mặt những thách thức nào?

Lâm Gia
thứ năm 28-7-2022 10:45:00 +07:00 0 bình luận
Dù bộ môn Boxing đã du nhập và phát triển ở Việt Nam từ lâu, nhưng hình thức tổ chức quyền anh nhà nghề (Pro Boxing) vẫn là con đường còn chưa được khai thác triệt để.

Thế nào là Amateur Boxing (Boxing nghiệp dư) và Pro Boxing (Boxing chuyên nghiệp)

Đầu tiên, cần làm rõ sự khác biệt giữa amateur boxingpro boxing không hoàn toàn nói về trình độ của các võ sĩ đang thi đấu trong hai hệ thống trên. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai hệ thống là luật thi đấu, hệ thống tổ chức giải đấu, quảng bá các trận đấu và quản lý võ sĩ.

Với Boxing nghiệp dư, các võ sĩ trực thuộc các câu lạc bộ địa phương, quốc gia, thi đấu các giải thuộc hệ thống quốc gia. Tại Việt Nam, các võ sĩ tham gia các giải đấu do Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (Vietnam Boxing Federation - VBF) tổ chức. Ở đấu trường quốc tế, các võ sĩ đại diện quốc gia tham dự các giải đấu của Hiệp hội Boxing Quốc tế (International Boxing Association - IBA) hoặc hệ thống của Olympic. Các trận đấu kéo dài 3 hiệp x 3 phút với nam và 3 hiệp x 2 phút với nữ. 

Với Boxing nhà nghề, các võ sĩ tập luyện tự do ở các câu lạc bộ tư nhân và do các đơn vị - hay còn gọi là các công ty quảng bá (promotion company) quản lý. Các đơn vị này có trách nhiệm tìm kiếm, tổ chức, kinh doanh các trận đấu cho võ sĩ thay vì đơn thuần đưa võ sĩ tham gia các giải đấu định kì có sẵn như hệ thống nghiệp dư. 

Để được gọi là một "trận đấu chuyên nghiệp" (pro bout), các cuộc so tài phải đặt dưới sự giám sát của các tổ chức có khả năng công nhận thành tích chuyên nghiệp trên thế giới. Sự giám sát này dựa trên điều lệ - luật thi đấu (regulations) đã được định rõ trong điều lệ hoạt động của các tổ chức chuyên nghiệp.

Luật thi đấu Boxing nhà nghề có thời gian một hiệp đấu cho nam-nữ tương tự luật nghiệp dư. Tuy nhiên các trận đấu yêu cầu tối thiểu từ 4 hiệp tới tối đa 10 hiệp (nữ) và 12 hiệp (nam) (với các trận tranh đai thế giới). 

Các võ sĩ Boxing nhà nghề thi đấu dưới sự quản lý - tổ chức của các đơn vị tư nhân, được ghi nhận trong hệ thống quốc tế.

Đào tạo võ sĩ Boxing nhà nghề tại Việt Nam? 

Từ những thông tin trên có thể thấy, hiện tại Boxing Việt Nam vẫn chưa có đơn vị, tổ chức nào đảm nhận việc tổ chức - ban hành điều lệ thi đấu chuyên nghiệp cho các võ sĩ. Cơ quan cao nhất được cấp phép tổ chức các sự kiện Boxing là Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) cũng chưa ban hành điều lệ thi đấu chuyên nghiệp có sự công nhận của các tổ chức trên thế giới. Đây có thể xem là một hạn chế với các võ sĩ có tham vọng tiến lên chuyên nghiệp ở Việt Nam.

Thay vào đó, một số công ty đào tạo - quản lý tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam như VSP Promotions, Cocky Buffalo Promotions, Saigon Sports Club, Shadow Entertainment, Trigger Boxing.... đã thực hiện đưa võ sĩ thi đấu dưới hệ thống chuyên nghiệp của một số tổ chức lớn như WBA, WBO, IBF, WBC. Tuy nhiên, các sự kiện thi đấu hiện vẫn đang tổ chức nhỏ lẻ, chưa định kì và chỉ phục vụ một số lượng nhỏ các võ sĩ hoạt động tại những đơn vị trên. 

Ở Việt Nam, hiện chỉ có một số đơn vị tư nhân tổ chức các sự kiện (Promoter) được công nhận là chuyên nghiệp.

So sánh với các cường quốc trong khu vực như Thái Lan hay Philippines, có thể thấy Boxing Việt Nam đang bị bỏ lại rất xa về hệ thống chuyên nghiệp. 

Tại Philippines, Boxing chuyên nghiệp bắt đầu nở rộ từ thế kỉ 20 khi vùng đất này còn đặt dưới sự giám sát của thực dân Tây Ban Nha và sau này có sự hỗ trợ của chính quyền Mỹ. Năm 1954, Philippines cùng Nhật Bản, Hàn Quốc thành lập Liên đoàn Quyền Anh Phương Đông, sau này đổi tên thành Liên đoàn Quyền Anh Phương Đông và Thái Bình Dương (OPBF). Sau đó, vào năm 1963, quốc gia này cũng là một trong 11 nước thành viên sáng lập WBC (World Boxing Council) - tổ chức lâu đời và danh giá nhất thế giới.

Tương tự với Thái Lan, do có sự hậu thuẫn của nền kinh tế Mỹ, Boxing chuyên nghiệp sớm được phát triển ở đất nước chùa vàng khi WBC, WBA tham gia tích cực vào các hoạt động quảng bá cho môn thể thao này. Điển hình với những thế hệ nhà vô địch thế giới như Khaosai Galaxy, Samart Payakaroon, Chartchai Chionoi, Saensak Muangsurin, Den Junlaphan...

Từ những ví dụ của các cường quốc trong khu vực như Thái Lan, Philippines, cơ hội tiến lên chuyên nghiệp của Boxing Việt Nam vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhìn của những tổ chức quản lý, đơn vị quảng bá võ sĩ (Promoter) và đặc biệt chính ý thức phát triển nghề nghiệp của các tay đấm. Trong đó, vấn đề tạo mối liên kết, tổ chức các trận đấu có được sự công nhận của những tổ chức uy tín trên thế giới là vô cùng cần thiết. 

Cơ hội được ghi nhận như một võ sĩ Boxing nhà nghề của các Boxer Việt Nam giờ đây rộng mở hơn với sự xuất hiện của chuỗi sự kiện quyền anh VSP Pro: The Genesis.

VSP Pro: The Genesis hướng tới mục tiêu tổ chức các sự kiện thường kì, nơi các võ sĩ thi đấu và được ghi nhận thành tích bởi các tổ chức Boxing chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, từ đó tạo tiền đề đưa các vận động viên Việt Nam gia nhập thị trường Boxing Pro sôi động trên thế giới. 

Tối nay 28/7 ở TP. Hồ Chí Minh, VSP Pro: The Genesis sẽ có sự kiện đầu tiên với 7 cặp đấu giữa những tay đấm từng đạt thành tích tại các giải đấu trong nước như Đỗ Ngọc Hoan, Đoàn Văn Hiếu, Lê Công Nghị... và cả những võ sĩ tới từ Philippines, Australia, những quốc gia có nền Boxing chuyên nghiệp phát triển mạnh mẽ.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm