Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... "da gà" dân võ

Hồ Võ
thứ sáu 22-2-2019 7:42:00 +07:00 0 bình luận
Hai Phượng xứng đáng được xem như một cột mốc quan trọng của phim hành động Việt Nam, một tác phẩm đã xóa sổ cái bóng của mọi tựa phim trước đó.

Một tựa phim võ thuật – hành động sánh tầm thế giới

Nếu phải đánh giá chi tiết, Hai Phượng có thể được gọi là phim võ thuật nhiều hơn là “phim hành động”. Chất võ của phim được thể hiện từ mọi pha hành động, từ thân phận cho đến tâm lý của nhân vật. Nếu như vai diễn Hai Phượng được xem như sự đúc kết kinh nghiệm của 12 năm “đả nữ” Ngô Thanh Vân gắn bó với phim hành động (tính từ phim Dòng máu anh hùng) thì vai nữ phản diện Thanh Sói lại do Trần Thanh Hoa – một võ sư thực thụ đảm nhận. Đây cũng chính là một điểm cực kỳ liều lĩnh của tựa phim khi để cho cả hai vai chính – phản diện đều là nữ.

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Võ sư Trần Thanh Hoa đã làm tròn cả hai trọng trách: một "tay đấm" và một nhân vật Thanh Sói thực sự có hồn trong Hai Phượng.

Nói về chất võ thuật, Hai Phượng có thể xem như một học trò thành công của rất nhiều tên tuổi kinh điển trong quá khứ. Bạn có thể dễ dàng thấy Hai Phượng lăn lộn qua từng vật thể và dụng mọi thứ, từ… trái sầu riêng cho đến bánh đĩa xe máy để chiến đấu như các phim của huyền thoại Thành Long, những trường đoạn đối kháng đậm chất võ tổng hợp kiểu Đạo Hỏa Tuyến (Flash Point – Chân Tử Đan thực hiện năm 2007) và nhiều pha “kết liễu” mang hơi hướng John Wick của Keanu Reeves, đặc biệt là cảnh đấu súng cuối cùng.

Phong phú nhưng không hỗn tạp, đi sau nhưng không bắt chước một cách thô kệch, không phải tự nhiên mà Hai Phượng có thể mặc kệ các đối thủ màn ảnh khác “đấm đá” trong dịp Tết mà tấn công tận thị trường Hollywood. Và dĩ nhiên thành công đó không đến từ “dân tay mơ”. Đạo diễn hành động của Hai Phượng là Yannick Ben - diễn viên đóng thế và chuyên gia võ thuật của nhiều phim Hollywood như Ghost in the Shell, Dunkirk. Biên đạo võ thuật là Kefi Abrikh Samuel, từng là cascadeur trong Dunkirk, Mission: Impossible 6.

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Ngô Thanh Vân làm việc với ê-kíp chỉ đạo võ thuật - hành động đến từ Hollywood.

Có một góc nhìn khác mà có lẽ chỉ có dân võ mới nhìn thấy từ Hai Phượng. Đây không phải tựa phim võ thuật mà các nhân vật chỉ cần đọc lời thoại: “Võ thuật là như thế này, như thế đó…”. Không hề! Hai Phượng không nói mà hành động. Từ một cô gái con nhà võ bỏ nhà đi có lẽ cũng một phần vì cá tính ngang tán của võ thuật đã bị đẩy đi sai hướng cho đến một người mẹ tìm con điên cuồng nhưng lỳ lợm, lạnh lùng và cực kỳ nhạy bén với từng tình huống. Hai Phượng đã đặc tả một con người rất võ, một cá tính rất võ mà không cần phải dùng ngôn từ sáo rỗng.

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Những lời thoại cuối phim cũng hoàn toàn thuộc về võ thuật: "Con muốn học võ, thì phải lỳ!"

Dấu ấn Bẫy Rồng?

Có nhiều người đã đặt dấu chấm hỏi rằng liệu có phải Ngô Thanh Vân đã tái lập câu chuyện của Bẫy Rồng trong phim Hai Phượng (vai diễn của Ngô Thanh Vân trong Bẫy Rồng là "Phượng Hoàng" và cũng là một phụ nữ phải giết người để cứu mạng con). Câu trả lời là Không!

Hành trình “Phượng đi tìm con” của Hai Phượng đau đớn, khó nhọc, nhiều mâu thuẫn nội tâm và bị đẩy vào cảnh tuyệt vọng nhiều hơn Bẫy Rồng! Có thể nói là ý tưởng cũ được dùng lại, nhưng Hai Phượng là một tác phẩm thành công đến mức nó không chỉ xóa bỏ cái bóng của Bẫy Rồng mà còn của mọi phim hành động Việt Nam trước đây.

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Hai Phượng đã học hỏi thành công lối diễn xuất "vừa đấm vừa rút súng" của Keany Reeves trong John Wick.

Đất diễn của vai phụ

Nếu như hầu hết phim Việt Nam ở mọi thể loại thất bại do quá chú tâm vào dàn sao cốt cán mà khiến các nhân vật phụ trở nên vô duyên trong từng câu thoại thì Hai Phượng không phạm phải sai lầm đó. Từ những tay giang hồ “cóc con” hay bà chủ nợ chỉ xuất hiện trong đúng một cảnh đầu phim đã thể hiện rõ sự chăm chút của đoàn làm phim với các nhân vật phụ. Vai diễn Trực (Rocker Phạm Anh Khoa thủ vai) dù chỉ xuất hiện trong hai phân cảnh thậm chí còn có phần lấn lướt luôn cảnh sát Lương (một nhân vật quan trọng hơn nếu xét theo cốt truyện).

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Rocker Phạm Anh Khoa chỉ xuất hiện trong hai cảnh phim nhưng cực kỳ đáng khen ở cả khoản "đánh đấm" lẫn đặc tả nhân vật.

Những điểm trừ

- Câu chuyện có quá nhiều điểm giống với “Taken” (Liam Nesson).

- Cốt truyện khá đơn giản, không có nhiều pha “bẻ lái” ấn tượng. Tuy vậy điểm trừ này đã được chất hành động “đậm đặc” lấp đầy suốt phim.

- Âm thanh tốt, đặc tả được những pha đối kháng rất thật và đau đớn nhưng nhạc nền chưa thỏa lòng khán giả.

- Nhân vật Hai Phượng “tiến hóa” quá nhanh và khác biệt, bản lĩnh thực sự của nhân vật có sự khác biệt rất lớn ở đầu và cuối phim, dù bối cảnh chỉ diễn ra trong vài ngày.

- Lời thoại đầu phim của các nhân vật khá ấn tượng và suýt khiến khán giả nghĩ rằng tựa phim sẽ xóa được cái dớp “giang hồ nói chuyện cậu tớ” đã ám ảnh làng phim Việt bấy lâu nay. Tuy vậy điều này không thể hiện rõ ở phần sau.

Hai Phượng: tựa phim có thể lấy nước mắt và... da gà dân võ
Fan phim võ thuật, đừng bỏ lỡ Hai Phượng!


 

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm