Tại UFC 310, chúng ta chứng kiến Kai Asakura là võ sĩ hiếm hoi được tranh đai trong lần đầu tiên xuất hiện tại giải MMA lớn nhất hành tinh.
Quyết định này của chủ tịch Dana White đã khiến nhiều người khó hiểu. Dù cho Kai là nhà vô địch tại Rizin FF - tổ chức MMA lớn nhất Nhật Bản, nhưng trình độ của anh vẫn bị đánh giá khá xa so với đối thủ Alexandre Pantoja. Màn thể hiện tại UFC 310 đã nói lên tất cả.
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc liệu các võ sĩ Nhật Bản như Kai có thể được trao nhiều cơ hội hơn trong tương lai, Dana White trả lời một cách ngắn gọn câu hỏi của phóng viên: "Tôi rất muốn làm điều đó."
Có thể, thị trường Nhật Bản là miếng bánh hấp dẫn nếu nhìn vào sức hút của các Rizin FF, với những sự kiện có thể thu hút tới hơn 50 nghìn khán giả. Nhưng đối với UFC, lần xuất hiện cuối cùng của giải đấu ở đảo quốc này đã xảy ra từ năm 2017. Còn về các võ sĩ, người gần nhất có cơ hội tham gia một trận tranh đai cũng đã từ năm 2015 (Kyoji Horiguchi tại UFC 186).
UFC muốn lấy lại thị trường này? Quả thực, dù là một công ty lớn nhất thế giới, UFC cũng cần rất nhiều cơ sở. Một ngôi sao có khả năng cạnh tranh là yếu tố vô cùng cần thiết. Đó là lập luận vì sao những võ sĩ như Kai Asakura có thể được xuất hiện tại UFC nhiều hơn. Tuy nhiên, trình độ võ sĩ phần nào đã được thể hiện ở trận vừa qua, các võ sĩ tới từ Châu Á sẽ rất vất vả nếu muốn tạo dựng tên tuổi tại đấu trường tầm cỡ thế giới.
Lý do thứ hai, chỉ đến khi những hình ảnh hậu trường được tiết lộ, khán giả mới được chứng thực.
Chủ tịch UFC Dana White và chủ tịch Rizin FF - Nobuyuki Sakakibara được nhìn thấy đã có những trao đổi rất thân thiện với nhau bên lề UFC 310. Chính doanh nhân người Mỹ cũng thừa nhận ông khá hào hứng với việc đón chào thêm những chiến binh từ giải đấu của người đồng cấp.
"Chúng tôi vừa nói chuyện trong phòng, anh ấy (Sakakibara) nói rằng ở Nhật Bản, những chàng trai trẻ này muốn trở thành người đầu tiên vô địch thế giới tại UFC. Thật thú vị, có một lịch sử phong phú về MMA ở Nhật Bản, và có những ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi là cuộc cạnh tranh với Pride. Đó là quãng thời gian thực sự thú vị, với anh ấy cũng vậy. Chúng tôi đã thảo luận về việc đó."
Nobuyuki Sakakibara từng là chủ tịch Pride FC - giải đấu đối trọng một thời sau này đã được bán lại cho chính UFC. Để nói về năng lực của con người này, một tài liệu trong vụ kiện chống độc quyền với UFC tiết lộ: Zuffa - công ty mẹ của UFC thời điểm mua lại Pride FC (2007), đã trả cho Sakakibara số tiền lên tới 10 triệu đô la Mỹ chỉ với một mục đích duy nhất: đó chính là doanh nhân người Nhật không được tham gia các hoạt động MMA trong vòng 7 năm.
Đến khi thời hạn này kết thúc, Sakakibara chính thức quay trở lại giới võ thuật tổng hợp bằng việc thành lập Rizin Fighting Federation. Một lần nữa, đứa con của ông trở thành giải đấu quy mô nhất xứ phù tang chỉ sau 3 năm hoạt động. Thậm chí, Rizin FF đã thể hiện tầm cỡ của mình với các công ty tại Mỹ khi hợp tác với Bellator MMA, tổ chức các trận thống nhất đai - giao lưu giữa những nhà vô địch của hai giải đấu với nhau.
UFC đã và đang gặp rắc rối với dung lượng võ sĩ tại hạng ruồi. Đây là hạng cân nhỏ so với thể trạng của người dân khu vực Tây bán cầu. Trong khi đó, những hạng cân nhỏ lại là thế mạnh của thị trường Châu Á.
Hiện tại, trào lưu "cross promotion" - liên kết các giải đấu đang hiện hữu ngày một rõ hơn. UFC có thể đặt mình ra ngoài làn sóng đó với vị thế cao nhất thị trường hiện tại. Tuy nhiên, nếu muốn tiếp tục giữ lại hạng ruồi, phương án hợp tác và đưa các võ sĩ Châu Á - mà bắt đầu từ Rizin FF có thể là cách Dana White đang tính đến.