Cuối tháng 6 vừa qua, sau cuộc họp của Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS), Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã chính thức quyết định tiếp tục loại Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA) ra khỏi các hoạt động của Olympic Paris 2024.
Điều này đồng nghĩa với việc IBA sẽ không được tham gia vào bất kì hoạt động nào, bao gồm cả vòng loại và vòng chung kết môn Quyền Anh (Boxing) ở kì đại hội lớn nhất hành tinh.
"IOC nhận thấy chúng tôi cần có sự quan tâm tới các vận động viên và cộng đồng Quyền Anh, do đó đã quyết định các sự kiện vòng loại và thi đấu chính thức ở Paris 2024 sẽ không được điều hành bởi IBA." - Ông Kit McConnell, Giám đốc Thể thao IOC tuyên bố.
"Quyết định trên nhằm đảm bảo tính công bằng cho các vận động viên tranh tại Olympic 2024, cũng như dựa trên các vấn đề đang xảy ra với nội bộ IBA. Hội đồng IOC đã phải vào cuộc."
Sau Tokyo 2020, Paris 2024 là kì Olympic thứ hai liên tiếp Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế (IBA, hay trước đây là AIBA) bị loại khỏi chương trình tổ chức.
Từ những bê bối về hệ thống tài chính, tổ chức trọng tài bị lên án từ Olympic Rio 2016, Hiệp hội Quyền Anh Quốc tế đã tiến hành những cải tổ mạnh mẽ. Tân chủ tịch Umar Kremlev đã kêu gọi sự tài trợ của tập đoàn dầu khí nước Nga Gazprom để giải quyết các vấn đề tài chính, cũng như đổi cả tên gọi tổ chức từ AIBA sang IBA nhằm "thay mới hình ảnh với cộng đồng quốc tế".
Dù vậy, những tranh chấp trong quá trình bầu cử chủ tịch mới diễn ra tiếp tục đặt cơ quan này vào "tầm ngắm" của IOC.
Tại kì đại hội bất thường hồi tháng 5, các ứng cử viên chủ tịch Mike McAtee (Mỹ), Per-Axel Sjoholm (Thụy Điển), Steve Hartley (New Zealand), Lars Brovil (Đan Mạch) bị loại với lý do "vi phạm quy tắc tranh cử". Tuy nhiên, khi Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) vào cuộc, cơ quan này phát hiện chủ tịch IBA đương nhiệm Umar Kremlev cũng mắc những sai phạm tương tự, nhưng án phạt chỉ bị áp dụng với những đối thủ của vị chủ tịch người Nga.
CAS cũng đứng về phía đại diện Liên đoàn Quyền Anh Hà Lan - ông Boris van der Vorst trong bản kháng cáo của quan chức này khi bị loại khỏi cuộc bỏ phiếu tranh ghế chủ tịch.
Sự bất ổn nội bộ IBA là lý do chính để IOC quyết định lần thứ hai loại tổ chức này khỏi các hoạt động ở Olympic 2024. Dự kiến, IOC tiếp tục sử dụng một đội ngũ cán bộ chuyên trách (task force) như đã thực hiện tại Tokyo 2020.
"IOC sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình hoạt động thay thế IBA, đặc biệt là việc hợp tác với ban tổ chức Paris 2024 cũng như đại diện các quốc gia tham dự, để đảm bảo công tác tổ chức các trận đấu." - ông McConnell cho biết.
Trước quyết định của IOC, ban điều hành IBA đương nhiệm bày tỏ sự thất vọng khi tổ chức này vừa thông qua hoạt động quy chuẩn Olympic sau khi hội đồng mới được bầu vào tháng 5. Nhưng giờ đây không phải Paris 2024, nhiệm vụ của IBA hiện tại là đảm bảo tương lai của môn Quyền Anh tại Olympic Los Angeles 2028.
Hiện tại, danh sách các môn thể thao tại Olympic 2028 vẫn vắng bóng Quyền Anh. Và IBA còn chưa đầy một năm để giải quyết các vấn đề, nhằm thuyết phục IOC bổ sung môn thể thao này vào chương trình thi đấu vào giữa năm 2023.
"Những cá nhân trong môn thể thao này phải thay đổi. Họ đã thực sự lún sâu vào những hành vi thiếu đạo đức và chính trực tồn tại nhiều năm qua. Nếu họ muốn Quyền Anh giữ được vị trí trong đại gia đình Olympic, họ cần hành động ngay lập tức."
"Các hoạt động tham nhũng xảy ra ở mọi cấp độ khiến họ tin rằng có thể bẻ cong mọi quy tắc mà không chịu bất kì hậu quả gì." - Giáo sư luật Richard McLaren, người được đích thân chủ tịch IBA Umar Kremlev mời về để điều tra các vấn đề nội bộ viết trong bản báo cáo dài 114 trang về các hoạt động của tổ chức này từ chủ tịch C.K. Wu giai đoạn 2006-2017.
Dự kiến, IBA sẽ tiến hành một đại hội bất thường vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, với hoạt động trọng tâm dự kiến là cuộc tranh cử ngôi vị cao nhất giữa chủ tịch đương nhiệm Umar Kremlev và đối thủ Boris van der Vorst.
Góp mặt trong 26 kỳ Thế vận hội mùa hè năm 1904 (ngoại trừ Olympic Stockholm 1912 khi Thụy Điển cấm Quyền Anh vào thời điểm đó) tới nay, Quyền Anh (Boxing) luôn được đánh giá là một trong những môn thi đấu nhận được nhiều sự quan tâm nhất của cộng đồng thể thao. Olympics cũng là đấu trường danh giá nhất mà tất cả các võ sĩ Quyền Anh nghiệp dư đều muốn chinh phục. Giờ đây, tương lai của các vận động viên phải phụ thuộc vào sự trong sạch của những nhà điều hành, với những hệ lụy đã tồn đọng đã tồn tại trong cả thập kỉ vừa qua.