Đối với nhiều người, đô vật chỉ là một vở kịch bạo lực. Tuy nhiên, đối với những người trong cuộc, vở kịch đó là tổng hợp của rất nhiều yếu tố nghệ thuật đòi hỏi nhiều kỹ năng, kinh nghiệm để biểu diễn. Một trong những điều tuyệt vời nhất của kịch nói và đô vật nằm ở việc là kể cả khi khán giả biết những gì diễn ra trước mắt chỉ là diễn, họ vẫn có thể cùng vui, cùng buồn và cùng cháy theo những câu chuyện.
Và để có thể đảm bảo được điều đó, các đô vật phải nằm lòng nhiều quy tắc quan trọng. Đô vật Sid Nguyễn, một trong những đô vật thế hệ đầu tiên của giới đô vật biểu diễn Việt Nam chia sẻ về những quy luật ngầm cần phải tuân theo để tạo ra một trận đô vật thú vị nhất.
Anh chia sẻ: "Một trận đô vật đủ tiêu chuẩn là một trận đô vật có cốt truyện hay, dễ nắm bắt với đầy đủ tính chặt chẽ trong câu chuyện đến cao trào và hồi kết. Các đô vật với kỹ năng tốt (ringskill) sẽ là những người diễn viên thổi hồn vào trong kịch bản đó."
"Storytelling nói đơn giản là cách các đô vật diễn một câu chuyện trên sàn đấu. Ở võ đài đối kháng, khán giả chỉ được xem hai người võ sĩ chực chờ để tận dụng cơ hội, tận dụng điểm mạnh của mình mà chiến thắng. Còn ở đô vật, câu chuyện được thêm thắt vào những chi tiết nhỏ, khiến cho màn kịch hay hơn, lôi cuốn hơn. Ví dụ: 2 người đô vật đấu với nhau, một người to khỏe hơn người kia, thời gian đầu trận đấu phải thể hiện cho khán giả thấy sự áp đảo về sức mạnh của đô vật đó.
Sau đó đô vật nhỏ con kia sẽ phải tìm cách khác ngoài sức mạnh để đốn hạ đối thủ. Còn người khỏe hơn, sau khi bị đốn hạ, sẽ làm thế nào để vượt qua trở ngại này. Mục tiêu cuối cùng của cả hai là giành chiến thắng. Đó là storytelling đơn giản, khi mọi đòn tấn công đều có mục đích, và dễ hiểu đối với khán giả."
Trong một sự kiện đô vật, để đảm bảo kịch tích tăng dần cho đến trận đấu tâm điểm, các trận đấu cửa dưới thường được quy định thời gian diễn để đảm bảo các đô vật không bị say đòn mà làm mờ nhạt đi sự kiện chính. Cái khó ló cái khôn, các đô vật giỏi vẫn tìm ra cách làm cho trận đấu thú vị dù chỉ diễn trong vỏn vẹn 10 đến 20 phút đồng hồ.
Tuy nhiên, kể cả với một trận đấu ngắn, các sai sót, những sự cố kỹ thuật vẫn có thể xui xẻo xảy ra. Đó là khi các đô vật phải hoàn toàn tự ứng biến nhằm đảm bảo trận đấu không bị gián đoạn, không làm tụt cảm xúc của khán giả.
"Trong đô vật, đôi khi mọi thứ có thể không theo đúng với kế hoạch ban đầu và bạn phải nhanh nhẹn ứng biến. Chẳng hạn như nếu một đô vật lỡ tay làm đau đồng nghiệp, các đô vật đó sẽ phải tìm cách câu giờ cho đối phương có thời gian nghỉ ngơi hồi sức. Đó có thể là một thế khóa ghì cổ, đó có thể là vài màn tương tác với khán giả nhằm đảm bảo sự thích thú của khán giả mà vẫn đảm bảo an toàn cho đồng nghiệp." - Sid Nguyễn chia sẻ.
"Suy cho cùng, vì đây là một vở kịch, cảm xúc của khán giả là thứ phải được ưu tiên hàng đầu. Nếu như tinh thần khán giả bị trầm xuống, các đô vật có thể tự ứng biến, đem trận đấu đến gần khán giả hơn mà tạo sự phấn khích. Vì nói gì đi nữa, khán giả, hay những người xem kịch phải được sống và được cháy hết mình với vở kịch họ theo dõi."