Suy thận
Quá trình tập luyện võ thuật khiến cơ thể liên tục mất nước, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ để gây ra chứng bệnh suy thận. Việc phải ép cân thi đấu mới là nguyên do lớn nhất.
Trong quá trình cắt cân thi đấu, hầu hết võ sĩ phải dùng biện pháp cắt bỏ nước khỏi cơ thể (nước chiếm đến 70% thể tích cơ thể và cũng là thành phần dễ "cắt bỏ" nhất), đây là cách ép cân nhanh nhất nhưng cũng có nhiều tác hại. Suy thận xảy ra khi cơ thể mất nước, thận không đủ nước để xử lý chất thải.
Người tập võ xem suy thận như một căn bệnh tất yếu, một cái giá gần như bắt buộc phải trả cho niềm đam mê võ thuật. Tuy vậy bạn vẫn có thể tránh chứng bệnh này bằng cách chú ý bồi bổ thận, không cắt cân quá nhiều và liên tục, chọn hạng cân thi đấu phù hợp.
Đau xương - khớp
Người tập võ trông khỏe mạnh hơn người bình thường nhờ hệ xương - khớp khỏe mạnh, cứng chắc. Thực tế chính họ cũng bị đau xương khớp (đặc biệt là khi bắt đầu tuổi trung niên) do hứng chịu quá nhiều tổn thương suốt quá trình tập luyện võ thuật. Chưa kể, họ dễ bị loãng xương hơn người bình thường (xem ở phần sau).
Các bệnh gan và não
Chế độ ăn giàu chất đạm để "xây dựng" cơ bắp khiến cơ thể sản sinh nhiều amomiac cũng như một số chất độc khác. Lượng chất độc này gây hại ngược lại cho gan và não - những cơ quan vốn đã hoạt động quá tải trong quá trình tập luyện võ thuật và "nạp" dinh dưỡng.
Các võ sĩ chuyên nghiệp luôn được tư vấn đúng cách để bồi bổ gan và não, tránh những chứng bệnh gián tiếp sau thời gian sống với chế độ ăn nhiều đạm. Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh được chứng bệnh tương tự với một chế độ dinh dưỡng phù hợp, chú ý bồi bổ gan và các biện pháp giải độc cơ thể khác.
Loãng xương
Nghe có vẻ hơi khó tin, nhưng thực tế người tập võ đối mặt với vấn đề loãng xương liên tục. Việc hấp thụ nhiều protein khiến cơ thể giải phóng axit và một lượng lớn canxi phosphat để cân bằng. Khi khẩu phần dinh dưỡng của bạn không đủ canxi, cơ thể thậm chí sẽ tự "ăn" xương để có đủ lượng canxi phosphat. Đó là chưa kể đến việc cơ thể người tập võ cũng đòi hỏi lượng lớn canxi để duy trì cấu trúc xương, "hàn" các vết nứt nhỏ trên xương mà đôi khi chính bạn không hề biết nó tồn tại.
Để tránh loãng xương khi tập luyện võ thuật, bạn cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ canxi, thường xuyên thăm khám tổn thương và đo mật độ loãng xương.