Sau phần đầu tiên về những tư duy sai lầm thường gặp khi tập Boxing, ở phần 2 này, chúng ta sẽ đến với những yếu tố ít được để ý tới nhưng lại có thể giúp ích rất nhiều trong việc trở thành một Boxer giỏi của bạn.
6. Thiếu các bài tập siết tay (grip work)
Trong Boxing, một trong những chấn thương phổ biến nhất chính nằm ở phần cổ và bàn tay – nơi đầu tiên chịu phản lực của mỗi cú đấm.
Đó là lí do vì sao các bài tập tăng cường khả năng siết cơ tay (grip), tăng cường sự chắc chắn của bắp tay (forearms) và cổ tay là điều cần thiết.
Không ít Boxer tin rằng việc sử dụng băng quấn tay vải, thậm chí băng gạc – băng dán cùng những phụ kiện bảo vệ khớp tay (knuckle guard), và một đôi găng xịn là đủ để bảo vệ đôi bàn tay mỏng manh.
Tuy nhiên, dưới áp lực của hàng trăm cú đấm nặng từ vài chục đến cả trăm kí lô, đôi tay bạn vẫn cần thực hiện các bài tập cường hóa như bao bộ phận khác.
Dù vậy, với việc là bộ phận có nhiều xương nhỏ, mảnh và dễ tổn thương trên cơ thể. Các bài tập cổ tay cần có sự theo dõi sát sao từ các huấn luyện viên chuyên môn cùng các trang thiết bị phù hợp: ví dụ như tạ đòn chuyên dụng có tay nắm xoay (rotating sleeves).
Ngoài ra, khối lượng tập luyện cũng là yếu tố cần được cân nhắc, tránh tình trạng cổ tay phải tập luyện quá sức.
7. Tập bụng kiểu “lấy số”
Có nhiệm vụ kết nối, truyền tải lực vặn xoắn và ổn định cơ thể, nhóm cơ trung tâm (core) đóng vai trò rất quan trọng trong Boxing.
Trên thực tế, core bao gồm rất nhiều cơ khác nhau như cơ bụng, các nhóm cơ lưng giữa và cơ lưng dưới, ngoài ra còn có các phần cơ mông, hông... Tất cả đều có vai trò giữ ổn định cho các chuyển động của đòn đấm.
Hãy theo dõi cách Manny Pacquiao sử dụng các bài gập bụng đa dạng như thế nào
Tuy nhiên, hiện nay việc tập luyện vùng core thường chỉ dừng lại ở các bài “gập bụng”. Thậm chí, có quan niệm cho rằng việc gập bụng cả ngàn cái là đủ để tập luyện vùng core. Điều này có thể dẫn tới sự mất cân bằng khi các nhóm cơ khác không được rèn luyện đúng và đủ.
Ngoài gập bụng, các bài deadlift hay squat cũng giúp các cơ vùng core cải thiện khả năng “giằng”, “kéo” trong chuyển động đòn đấm.
Bên cạnh đó, một phương pháp rất tốt để tập luyện vùng core chính là bài giật tạ qua đầu (overhead squat).
8. Giới hạn trong việc tập cơ cổ
Dù thường xuyên được đưa vào trong giáo trình tập luyện, nhưng các bài tập cổ của một số huấn luyện viên Boxing vẫn bị giới hạn về sự đa dạng.
Một trong các bài tập quen thuộc nhất chính là sử dụng dây treo tạ lên cổ và gập cổ theo chiều lên xuống.
Tuy nhiên, cổ cũng bao gồm nhiều nhóm cơ phức tạp phục vụ cho chuyển động đa hướng, chính vì thế một hoặc hai bài gập cổ đơn giản cũng khó có thể cải thiện hết tất cả.
Boxer cũng cần chú ý các chuyển động xoay cổ ngang, chéo, thêm vào đó, việc tập luyện vùng cơ thang (nhóm cơ phía sau bám vào cổ - lưng và vai) cũng có thể cải thiện độ “lì” cho cái cổ của bạn.
Một số bài tập có thể tham khảo như giật tạ ngang vai (power clean), giật vai (shoulder shrug) hay kể cả deadlift cũng đáng để tham khảo.
Tập luyện cơ cổ ngoài việc tránh rủi ro bị knockout cũng giúp võ sĩ tránh được các chấn thương không mong muốn khi phải trải qua nhiều giờ đấu tập liên tục trong vài tuần hoặc vài tháng.
Vì vậy, các bài tập cơ cổ cần được phân bổ và chọn lọc một cách có khoa học bởi những huấn luyện viên giàu kinh nghiệm.
9. Xem thường các bài tập giãn cơ
“Boxer là uy lực trong từng pha ra đòn”, suy nghĩ này đã khiến rất nhiều người mới quá tập trung vào việc ép cơ thể xây dựng cơ bắp.
Họ cho rằng chỉ cần có khối cơ đồ sộ “trông như các võ sĩ” là có thể sản sinh ra một cú đấm uy lực như thần tượng. Đặc biệt khi thần tượng của họ là những tay đấm hạng nặng như Mike Tyson.
Đây là một cách hiểu sai, hay đúng hơn là thiếu sót về tập luyện thể chất không chỉ với Boxing mà rất nhiều môn võ đối kháng khác. Đó là lúc các hoạt động như giãn cơ, thả lỏng hay ép dẻo bị xem nhẹ.
Theo quan điểm của những huấn luyện viên lâu năm, khi bắt đầu buổi tập, nên sử dụng các hình thức giãn cơ động (Dynamic Stretching) để làm nóng và khởi động, kích thích hoạt động các cơ bắp.
Và khi kết thúc buổi tập, giãn cơ tĩnh (Static Stretching) rất phù hợp để tăng sự dẻo dai, giới hạn chuyển động của các cơ mà không gây nguy cơ chấn thương cao.
10. Dinh dưỡng không đúng cách
Nếu tập luyện là quá trình xây dựng một ngôi nhà, thì dinh dưỡng giống như những vật liệu để thực hiện điều đó.
Dù cách xây có đúng như thế nào, thì ngôi nhà cũng khó có thể vững chắc nếu sử dụng những vật liệu không đảm bảo. Đáng tiếc thay, dinh dưỡng trong Boxing lại không được chú trọng như vậy.
Vasyl Lomachenko - Võ sĩ nổi tiếng với sự bền bỉ nói về giáo án dinh dưỡng của mình:
Để có thể hiểu và xây dựng được một lộ trình dinh dưỡng phù hợp, người võ sĩ cần có sự đồng hành của các huấn luyện viên có chuyên môn hoặc những chuyên gia về dinh dưỡng.
Nếu muốn trở thành một võ sĩ, dù là nghiệp dư, dinh dưỡng là yếu tố bắt buộc phải quan tâm nếu bạn không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua cường hóa thể năng.
Có thể nói, 10 yếu tố trên là những sai lầm, thiếu sót thường gặp nhất trong quá trình tập luyện Boxing.
Đa phần các lỗi này đến từ việc thiếu kiến thức cơ bản về khoa học thể thao và ứng dụng của nó trong việc tập luyện võ thuật, cụ thể ở đây là Boxing.